'Một bước lên xe cá nhân', bao giờ mới thôi tắc đường?

Xe công nghệ lấn át xe buýt? Không phải là sự yếu thế của xe buýt, đây chính là thất bại quản lý giao thông đô thị.
Một bước lên xe cá nhân, bao giờ mới thôi tắc đường? - Ảnh 1.

Có ý kiến cho rằng xe ôm công nghệ lấn át xe buýt. (Ảnh: NGỌC PHƯỢNG)

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới lượng khách đi xe buýt sụt giảm như trợ giá giảm, trạm đón xa, di chuyển mất thời gian hơn... Nhưng không thể không kể đến nguyên nhân từ sự phát triển quá rầm rộ của các loại xe công nghệ.

Một ngày, tôi thử ra ngã tư Hoàng Văn Thụ - Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), 15 phút đếm được hàng trăm xe máy công nghệ lướt qua. Đứng đâu cũng thấy quanh mình rực màu đồng phục xe công nghệ. Trước đây, nếu có nhu cầu đi 2-3 tuyến xe buýt, hành khách có thể đứng chờ hoặc chịu khó đi bộ đến trạm đón xe buýt. Giờ xuống xe, xe công nghệ chờ sẵn...

Hôm nọ, đi công tác về đến sân bay Tân Sơn Nhất, tôi cố ý đi bộ ra trạm đón xe buýt. Nhiều tốp xe công nghệ chờ sẵn. Ra đến trạm xe buýt, cả chục xe máy công nghệ cũng đang chờ ở đây. Xe buýt tới, chỉ vài người lên xe. 

Hôm khác, ra trạm xe buýt số 3 từ đường Hai Bà Trưng - Bến Thành. Thấy một nhóm sinh viên dùng điện thoại gọi xe công nghệ, tôi hỏi sao không đợi nối tuyến? Lý do của họ là: "Đi xe buýt đợi lâu lắm, cả 10-15 phút". Xe ôm công nghệ dày đặc trên đường, họ bắt khách nhanh, giá rẻ, không chen lấn, được đưa về tận nhà.

Tôi không muốn so sánh giữa xe buýt và xe công nghệ, cũng không bàn chuyện bên nào đang có ưu thế hơn. Nhưng thực tế cho thấy xe buýt đang hết sức khó khăn, trong khi xe máy và ôtô công nghệ đang đầy đường. 

Cơ quan quản lý có thể kiểm soát nổi lượng xe công nghệ không? Cùng với tình trạng xe công nghệ phát triển là sự gia tăng xe cá nhân ngang dọc ngày và đêm trên đường. Kéo theo đó là ùn tắc giao thông, ô nhiễm... và nguy cơ xe buýt sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Đô thị hiện đại nào cũng phải ưu tiên phát triển xe buýt. TP.HCM có thể vào cuộc, nhìn lại thực trạng xe buýt và xe công nghệ không? Nhà nước cấp phép cho xe công nghệ, nhưng cùng với đó cần có phương án quản lý phù hợp, đừng để mất cân bằng thị trường vận tải hành khách. "Một bước lên xe cá nhân" như hiện nay, đến bao giờ mới thôi kẹt xe, tắc đường?

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.