TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT. Ảnh: NVCC |
"Một giáo sư rất giỏi nhưng chưa chắc đã là một hiệu trưởng giỏi, mọi thứ nên được xem xét trên con người cụ thể và công việc cụ thể”- TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT - nhận định.
Những ngày qua, câu chuyện về giáo sư (GS) Trương Nguyện Thành gác lại giấc mơ làm giáo dục đại học ở Việt Nam, quay về Mỹ vì không thể đáp ứng tiêu chí trở thành Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen (TP.HCM) lại trở thành chủ đề bàn luận.
Nhận định về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng: "Xét chung, một GS rất giỏi nhưng chưa chắc đã là một hiệu trưởng giỏi, mọi thứ nên được xem xét trên con người cụ thể và công việc cụ thể. Vì thế, trường hợp của Đại học Hoa Sen cũng nên thận trọng phát biểu nếu chưa biết được một khi GS đó được bổ nhiệm thì tầm nhìn của đại học ấy như thế nào? Kế hoạch chiến lược ra sao? Có khả thi không?
Làm gì để quy tụ được nhân tài? Làm gì để nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô? Làm gì để Đại học Hoa Sen có chỗ đứng xứng đáng trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam và khu vực? Làm gì để huy động nguồn lực và xây dựng các đối tác...? Trả lời được câu hỏi này thuộc về chính các nhà trường", ông Vinh nói.
Từ đó, ông Vinh cho rằng, dù là ở trường công lập hay tư thục đều phải có chiến lược phát triển nhân tài thông qua quy hoạch kế tiếp (successive planning) công khai và bồi dưỡng chuyên môn cho họ. Kể cả ở các doanh nghiệp lớn muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, các vị trí quản lí cũng phải trải qua việc quy hoạch nhân sự sau đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng và có sàng lọc.
"Trường hợp của GS Trương Nguyện Thành có thể là một điều đáng tiếc đối với một số người. Câu chuyện này cũng khiến cho các cơ quan quản lí nên xem xét để hoàn thiện thêm cơ chế để nhà trường đại học được tự chủ và tuyển chọn được nhân tài thực chất mà không lệ thuộc vào thâm niên mà thiếu cơ sở khoa học”, ông Vinh nói thêm.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cho rằng việc Luật Giáo dục Đại học 2012 quy định hiệu trưởng phải có kinh nghiệm quản lí cấp khoa, phòng tối thiểu 5 năm thực chất là không phù hợp. Bởi điều này không liên quan với vai trò, chức năng và mô tả việc của hiệu trưởng đại học.
Vì thế, TS Vinh đề xuất nên bỏ điều kiện 5 năm kinh nghiệm làm quản lí đối với tiêu chí cho vị trí hiệu trưởng một trường đại học. Thay đó, luật nên có những điều kiện quy định cụ thể về năng lực cá nhân thực tế của người đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng.
Tuy nhiên, TS Vinh cũng lưu ý mọi người nên tránh việc "ồn ào" vì chưa rõ cá nhân GS đó đã đóng góp gì trong việc phát triển nhà trường cũng như năng lực lãnh đạo quản lý một trường đại học trong tương lai. Do vậy, Luật có điểm bất cập thì cần sửa đổi nhưng hiện tại thì phải tuân theo Luật đang có hiệu lực.
'Chúng tôi cũng không nghĩ GS Trương Nguyện Thành bị từ chối'
Ngày 7.5, trao đổi với Báo Thanh Niên về việc GS Trương Nguyện Thành không đủ chuẩn VN làm hiệu trưởng, PGS-TS Lưu Tiến Hiệp, ... |
Có thể giải quyết linh hoạt tiêu chuẩn hiệu trưởng từ trường hợp GS Trương Nguyện Thành
Tối ngày 5.5, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết có thể chấp nhận những cách giải ... |