Người dân thành phố Plattsburgh thuộc bang New York (Mỹ) đã gây sức ép khiến hội đồng thành phố thông qua lệnh cấm kéo dài 18 tháng với hoạt động "đào" tiền ảo.
Do sử dụng quá nhiều điện năng, hoạt động đào tiền ảo đã gây bức xúc cho cư dân thành phố Plattsburgh, buộc chính quyền thành phố phải tạm thời cấm đào tiền thuật toán trong 18 tháng. Giải pháp bền vững sẽ được tìm hiểu và đưa ra sau lệnh cấm này.
Gần như tất cả tiền thuật toán đều cần quá trình "đào" để vận hành. Đây là quá trình sử dụng máy tính hiệu năng cao để giải các phương trình phức tạp để nhận về những đơn vị tiền ảo. Quá trình này tốn rất nhiều điện và để có hiệu quả kinh tế, người đào tiền ảo thường phải dùng dàn máy cỡ lớn.
Để tăng thêm lợi nhuận, thợ đào tiền ảo thường tìm những thành phố có giá điện rẻ để đặt dàn máy đào, và Plattsburgh lọt vào tầm ngắm của giới thợ đào.
Mỹ đã có thành phố đầu tiên cấm đào tiền ảo. Ảnh: Getty. |
Nhằm giải quyết vấn đề này, hội đồng thành phố Plattsburgh đã đưa ra lệnh cấm trên. Lệnh cấm sẽ chỉ áp dụng với máy đào mới, các máy đào tiền ảo cũ sẽ vẫn tiếp tục được vận hành. Thị trưởng của thành phố cho hay thành phố hiện có giá điện "thấp nhất thế giới" nhờ nằm rất gần một nhà máy thủy điện.
Giá điện trung bình tại Mỹ là khoảng 0,1 USD cho một kilowatt-giờ. Tại Plattsburgh, con số này chỉ là 0,045 USD. Hơn nữa, giá điện phục vụ sản xuất công nghiệp được thành phố đưa ra chỉ là 0,02 USD cho một kWh, thu hút rất đông thợ đào cùng những dàn máy đào lớn nhất nước Mỹ tới đây vận hành.
Theo Motherboard, Plattsburgh có hạn mức sử dụng điện là 104 MWh mỗi tháng và nếu vượt mức này thành phố sẽ phải mua điện theo giá thị trường mở. Trong tháng 1/2018, thành phố đã dùng quá nhiều điện khiến giá điện tại đây tăng cao, cá biệt có gia đình phải trả thêm 100-200 USD cho hóa đơn tiền điện.
Theo chính quyền thành phố, mỗi cư dân Plattsburgh ghi nhận tăng trung bình 10 USD tiền điện mỗi tháng trong tháng 1/2018 chỉ vì hai công ty đào tiền ảo. Trong đó, công ty lớn nhất là Coinmint hiện dùng tới 10% tổng lượng điện của thành phố trong hai tháng 1 và 2/2018.
Câu hỏi đặt ra là Bitcoin mang lại giá trị nào cho các địa phương. Khi một địa phương muốn giảm giá điện để thu hút đầu tư công nghiệp, ngay lập tức sẽ có thợ đào đến và hưởng lợi, vậy lợi ích nào mà địa phương thu được từ các thợ đào?
Lấy Coinmint là ví dụ, công ty này không tạo ra quá nhiều việc làm. Có người lo ngại việc cấm đào tiền ảo sẽ khiến thành phố tụt lại phía sau trong cơn bão tiền thuật toán. Tuy nhiên giá trị tạo ra từ hoạt động đào tiền ảo với địa phương rất mơ hồ. Có vài người sẽ đào được tiền ảo và chính quyền có thể thu thuế nếu họ bán tiền ảo ra đồng USD, tuy nhiên có vẻ như lượng thuế thu về không thể so sánh với tiềm năng phát triển công nghiệp có được từ nguồn điện giá rẻ.
Về phần các công ty đào tiền ảo, lợi nhuận đang trên đà sa sút do giá tiền ảo ngày càng giảm trong 3 tháng đầu năm 2018.