Hàng nghìn phật tử đổ về Bình Dương chiêm bái tượng Phật Ngọc hoà bình thế giới | |
Hiện trường vụ cháy chùa Tĩnh Lâu |
Chùa Long Sơn hay còn gọi là chùa Phật trắng do có tượng Kim thân Phật tổ cao 44m được sơn trắng tọa trên núi Trại Thủy. Đối với người dân Nha Trang, chùa Phật trắng gần như là một biểu tượng gắn liền với sự hình thành và phát triển thành phố này. |
Tượng đặt trên Phật đài có chiều cao từ mặt bằng lên 24m, từ đế lên 21m, đường kính đài sen 10m, phần tượng kim thân Phật tổ cao 14m. Muốn lên viếng tượng phải bước đi trên 137 bậc đá. |
Phần thân tượng được thực hiện tại đỉnh núi, còn phần đầu tượng được điêu khắc gia Phúc Điền cho tạo tác tại Chợ Lớn. Chung quanh đế Phật đài có hình 7 vị Thánh tử đạo. |
Bên trong chính điện rộng 1.670m2, còn có tượng đức Phật Thích Ca thuyết pháp bằng đồng cao 1,6m, nặng 700 kg; hai bên có phù điêu Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí. Đặc biệt trong điện Phật có đặt cặp nến lớn, mỗi cây nặng 900 kg, cao 3,4 m do nghệ nhân Thượng tọa Thích Hiển Chơn (kỷ lục gia Việt Nam) thực hiện tại chùa An Phú (TP HCM), cư sĩ Phạm Nhật Vũ cúng dường năm 2008. |
Tại cổng tam quan có tượng Bồ tát Quảng Đức bằng đá granite trắng nặng 12 tấn, cao 8m, trong đó phần thân tượng Bồ tát cao 6m. Đây là tượng Bồ tát Quảng Đức lớn nhất Việt Nam. |
Toàn cảnh chùa Long Sơn. |
Cách chùa Long Sơn khoảng 12 km về Vĩnh Phương là chùa Tòng Lâm Lô Sơn Tịnh Độ hay còn gọi là chùa Đá Lố do nằm trên núi Đá Lố. Ngoài bãi mìn hơn 600 quả được tháo dở quanh chùa, Tòng Lâm Lô Sơn Tịnh Độ còn nổi tiếng với đại tượng Phật cao nhất Việt Nam. |
Đại tượng có tổng chiều cao 44m, đường kính 9m, trong đó phần chân đế đài sen có đường kính 24m. Thân tượng 37 m, tượng trưng cho 37 phẩm trợ đạo, đứng trên hoa sen lơ lửng giữa hư không, bên dưới là bể cả sóng dập chập chùng, mắt Ngài nhìn xuống xa xăm, tay trái đưa lên ngang ngực, tay phải duỗi xuống như sẵn sàng tiếp độ mọi người đang đắm chìm trong bể khổ, sông mê. Đại tượng đã được xác lập kỷ lục cao nhất Việt Nam. |
Tuy đại tượng cao lớn nhưng các đường nét rất xảo và sống động. |
Ngoài hai đại tượng Phật đứng và ngồi, Nha Trang còn có đại tượng Phật nằm dài 13m tại chùa Hải Ấn. Tượng Phật Thích ca Mâu ni Niết bàn dài gần 13m, rộng hơn 4m và cao trên 3m nằm lưng chừng núi Sơn – Thủy. |
Dân quanh vùng thường gọi chùa Hải Ấn là chùa Hang, bởi trong chùa có một cái hang ăn sâu lên trên đỉnh núi. Tương truyền, hang động do một con hổ đào. Vào năm 1968, cố Ni sư Thích Nữ Chánh Lượng đến đây lập một am thờ Phật ngay trong hang, suốt trong hai năm liền, "nhất bộ nhất bái" (mỗi bước một lạy) trì kinh Pháp Hoa để cầu nguyện được lập nên một ngôi chùa. Chùa xây phía bên ngoài cạnh hang động hoàn thành vào năm 1971. Hang động đến nay vẫn còn và nằm bên phải chánh điện. Hai bên cửa hang có bộ tượng "Khuyến Thiện - Trừng Ác" trấn giữ, vào bên trong hang không khí khác hẳn, im ắng và mát rượi. Trong hang nay có thờ Phật, Bồ Tát và Tổ khai sơn. |
Chùa có những dãy bậc cấp lên phía trên đỉnh núi. Du khách đến đây có thể vừa du sơn vừa ngoạn thủy và phóng tầm mắt bao quát thành phố Nha Trang. Ngọn núi phía sau lưng chùa được tôn trí những tượng đài, gác chuông, tạo nên một cảnh quan kỳ thú, một danh thắng tâm linh của thành phố biển Nha Trang. |
Một góc phố biển Nha Trang nhìn từ chùa Hải Ấn. |