Mừng hay lo khi 4 huyện của Hà Nội sẽ lên quận?

Việc Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 4 huyện lên quận được nhận định sẽ tác động đến thị trường bất động sản.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025.

Theo dự báo của một số chuyên gia, quyết định này sẽ ít nhiều tác động đến thị trường bất động sản Hà Nội nói chung và giá đất tại các huyện này nói riêng.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills, nhận định về tổng quan, đây là một thông tin đáng mừng.

Tín hiệu đáng mừng cho thị trường

Cụ thể, với đề xuất đầu tư xây dựng này, từng huyện sẽ có định hướng phát triển và nâng tiêu chuẩn để phù hợp với mức độ đô thị hóa cao hơn của tên gọi cấp hành chính mới.

Cụ thể, theo đề xuất, huyện Đông Anh và Đan Phượng được định hướng trở thành quận với điểm nhấn là các đô thị thông minh, khu công viên phần mềm, trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trung tâm sáng tạo phục vụ cho nghiên cứu và phát triển. Mặt khác các huyện Thanh Trì, Gia Lâm được định hướng phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh thương mại dịch vụ.

Mừng hay lo khi 4 huyện của Hà Nội sẽ lên quận? - Ảnh 1.

Một khu đô thị ở Gia Lâm, Hà Nội. (Ảnh: Việt Linh).

Dựa vào những thay đổi này, bà Hằng đánh giá: "Những động tháu đầu tư xây dựng này chắc chắn sẽ thúc đẩy hơn nữa tốc độ đô thị hóa của các huyện, phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hội và đem lại tác động tích cực cho thị trường BĐS khu vực."

Minh chứng cho nhận định này, bà Hằng đưa ra ví dụ của các huyện đi trước như Từ Liêm, Long Biên. "Quá trình đầu tư xây dựng 2 huyện này lên quận đã tạo nên những dấu ấn rõ rệt đối với thị trường bất động sản tại những địa bàn này", bà nói.

Dễ có tình trạng sốt đất ảo

Theo đánh giá của chuyên gia từ Savills, hiện tượng tăng giá đột biến nhiều khả năng chỉ mang tính nhất thời. Đó cũng là kinh nghiệm các nhà đầu tư có được từ các thị trường đi trước.

"Các hiện tượng sốt đất trước đây đã cho họ nhiều bài học, đã có những người đầu tư vào đất huyện chờ tăng giá khi lên quận nhưng sớm phải rút khi thị trường suy giảm. Bởi có những trải nghiệm như vậy của các nhà đầu tư nên tôi cho rằng trước thông tin này, thị trường bất động sản tại các huyện không cần quá lo", bà Hằng phân tích.

Theo ghi nhận, trước thông tin huyện Đông Anh sẽ lên quận, thị trường này đã có tình trạng sốt đất lên xuống trong thời gian qua. Đánh giá về hiện tượng này, bà cho biết nếu thị trường ghi nhận dấu hiệu tăng giá quá nhanh thì đây là tình trạng sốt ảo.

Tuy nhiên, bà Hằng cũng lưu ý quá trình đầu tư xây dựng 4 huyện này lên quận không diễn ra trong ngày 1 ngày 2 mà sẽ kéo dài từ nay đến 2025. Vì vậy, giá bất động sản những khu vực này có thể tăng lên nhưng sẽ theo lộ trình. Sẽ phải mất vài năm để thị trường phản ánh rõ rệt sự thay đổi, khác biệt lên giá bất động sản và để mức tăng giá này bền vững, thị trường tại các địa phương cần hội tụ đầy đủ và đồng bộ các yếu tố như quy mô dân số, đầu tư cơ sở hạ tầng, quy tụ các cơ quan ban ngành...

"Vì vậy, các hiện tượng thổi giá hay tạo sốt đất ảo nếu có xảy ra, theo thời gian sẽ được thị trường điều chỉnh để phản ánh giá trị thực", bà Hằng dự báo.

Minh chứng cho ý kiến này, bà dẫn lại trường hợp của huyện Đông Anh.

"Trước thông tin Đông Anh lên quận, các đợt sốt đất xuất hiện nhưng cũng đã lắng xuống sau đó. Đã có những nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở thị trường bất động sản khu vực này nhưng đã không có được lợi nhuận như kỳ vọng do thị trường suy giảm", bà nói.

Tag:
chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.