Khoa học chứng minh ôm ấp, bế ẵm trẻ không làm trẻ hư | |
Trẻ khóc nên bế lên ngay hay bỏ mặc? |
Người lớn cũng thích được ôm ấp, vuốt ve nhưng với trẻ con, ôm ấp, vuốt ve còn có tác động lên sự phát triển của chúng trong suốt cuộc đời.
Nghiên cứu mới công bố ngày 22/11/2017 của Đại học British Columbia và Viện Nghiên cứu Nhi khoa Columbia, Canada đã phát hiện rằng mức độ ôm ấp, vuốt ve mà trẻ con nhận được từ khi chào đời thậm chí còn có tác động lên gien của chúng.
Với trẻ con, ôm ấp, vuốt ve còn có tác động lên sự phát triển của chúng trong suốt cuộc đời. |
Các nhà nghiên cứu đã lựa chọn 94 đứa trẻ sơ sinh khoẻ mạnh, và đề nghị cha mẹ chúng ghi chép nhận ký chi tiết về hành vi của trẻ (như ngủ, quấy khóc, bú…) cũng như thời lượng mà trẻ được người chăm sóc bồng bế, vuốt ve, mát-xa. Khi trẻ được 4 tuổi rưỡi, các nhà khoa học lấy mẫu ADN của chúng để phân tích.
Các nhà nghiên cứu tìm hiểu quá trình biến đổi sinh hoá trên ADN của những đứa trẻ này và thấy có sự khác biệt rõ rệt ở 5 vị trí khác nhau trên ADN giữa những trẻ được động chạm nhiều và những trẻ ít được động chạm. Hai trong số 5 vị trí này thuộc về vị trí của gien: một có vài trò trong hệ thống miễn dịch, và một tham gia vào quá trình chuyển hoá. Ở những trẻ hay quấy khóc và ít được bế ẵm, sự phát triển về sinh hoá ở ADN chậm hơn so với tuổi thật của chúng. Các nghiên cứu khác đã chứng minh rằng sự chậm phát triển này có liên quan đến tình trạng sức khoẻ kém.
Trẻ ít được bế ẵm, vuốt ve, mát-xa thường chậm phát triển cả về thể chất, nhận thức và hành vi hơn. |
Nghiên cứu này đã giải thích cơ chế ở mức độ phân tử lên tác động tích cực của kích thích về mặt xúc giác mà trước đó nhiều nghiên cứu đã quan sát thấy. Trẻ ít được bế ẵm, vuốt ve, mát-xa thường chậm phát triển cả về thể chất, nhận thức và hành vi hơn. Điển hình là trẻ sinh non phải nằm ở lồng ấp, không được bế bồng, và trẻ sống trong các cơ sở nuôi dưỡng tập trung. Đây cũng là cơ sở của phương pháp Kang-gu-ru cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non, và của các chính sách khuyến khích chăm sóc trẻ mồ côi và bị bỏ rơi ở cộng đồng mà không đưa vào cơ sở tập trung.
Muốn con khoẻ mạnh, hạnh phúc, thông minh, hãy ôm ấp con từ khi con lọt lòng. |
Thí nghiệm trên chuột được công bố năm 1922 của nhà nghiên cứu nổi tiếng Hammets cho thấy những con bị nhốt riêng, không được sống với mẹ, không được động chạm vuốt ve, mặc dù được cho ăn chế độ như nhau vẫn lên cân chậm hơn, khả năng chống chọi với bệnh tật kém hơn, phản ứng chậm hơn với các yếu tố kích thích, và khi có con thì ít quan tâm đến con cái hơn.
Các nghiên cứu về nghiện lại xác định được các lợi ích khác của việc trẻ được ôm ấp, vuốt ve. Đó là cơ thể trẻ sẽ tiết ra nhiều morphin nội sinh hơn, giúp cho trẻ ở trạng thái bình yên, dễ chịu và nhờ đó, khi lớn lên, trẻ sẽ ít có nguy cơ tìm kiếm ma tuý để đạt được trạng thái này.
Các ông bà, bố mẹ, người chăm sóc trẻ, hãy bế trẻ con, hãy ôm ấp, vuốt ve chúng – cho dù chúng là con mình, cháu mình, em mình hay là một đứa trẻ không quen biết thiếu sự vỗ về.
(Ảnh: Sonialimphotography)