Và chỉ vài giờ sau đó, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cũng bác bỏ một dự thảo nghị quyết do chính Mỹ đề xuất buộc phong trào vũ trang Hamas phải chịu trách nhiệm về các vụ bạo lực mới đây tại dải Gaza.
10 nước, trong đó có Trung Quốc, Pháp và Nga đã bỏ phiếu ủng hộ văn kiện do Kuwait đề xuất. Bốn nước khác, là Anh, Ethiopia, Ba Lan và Hà Lan bỏ phiếu trắng, trong khi Mỹ bỏ phiếu chống. Liên quan dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo, lần đầu tiên trong lịch sử Liên Hợp Quốc, Mỹ chỉ nhận được duy nhất 1 phiếu ủng hộ, song lại đến từ chính nước này. 11 nước bỏ phiếu trắng, trong khi Kuwait, Bolivia và Nga bỏ phiếu chống.
Mỹ đã phủ quyết dự thảo nghị quyết do Kuwait đề xuất lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu bảo vệ dân thường tại dải Gaza và khu Bờ Tây. Ảnh Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Nikki Haley: AFP) |
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã ngay lập tức chỉ trích quyết định này, cho rằng đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự “thiên vị không thể cứu chữa” tại Liên Hợp Quốc chống lại Israel.
Trước khi diễn ra 2 cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley giải thích, dự thảo do Kuwait đề xuất, lên án Israel về các vụ bạo lực mới đây tại biên giới với dải Gaza là hoàn toàn không chính xác.
Trước đó, hồi giữa tuần, Mỹ cảnh báo nước này chắc chắn sẽ dùng quyền phủ quyết văn kiện của Kuwait, đại diện cho lập trường của các nước Arab tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Dự thảo kêu gọi xem xét các biện pháp đảm bảo an ninh và bảo vệ dân thường Palestine, lên án việc sử dụng bạo lực một cách bừa bãi và không cân xứng của Israel, đồng thời yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đưa ra báo cáo đánh giá khả năng thiết lập “một cơ chế bảo vệ quốc tế”.
Phát biểu ngay sau cuộc bỏ phiếu, đại diện Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour đã bày tỏ sự thất vọng, song tuyên bố Palestine sẽ không từ bỏ cuộc đấu tranh của mình: “Là đáng tiếc khi chính quyền Mỹ hiện nay phớt lờ thực tế về các cuộc tấn công liên tục, những mối đe dọa và cuộc khủng hoảng hiện hữu mà nhân dân Palestine đang phải chịu đựng dưới sự chiếm đóng của Israel.
Tuy nhiên, Chính quyền và người dân Palestine sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh của mình, tiếp tục theo đuổi công lý cho các nạn nhân thông qua tất cả các phương tiện pháp lý hiện hành, bao gồm cả việc đưa vấn đề ra trước Tòa án Công lý quốc tế”.
Kể từ cuối tháng 3 vừa qua, đã có ít nhất 123 người Palestine thiệt mạng trong các vụ trấn áp người biểu tình bằng đạn thật của quân đội Israel, phần lớn là tại khu vực dọc hàng rào an ninh của nước này.
Không có trường hợp thiệt mạng nào được báo cáo từ phía Israel. Để có thể được thông qua tại Liên Hợp Quốc, dự thảo nghị quyết phải nhận được sự ủng hộ của 9 nước trên tổng số 15 quốc gia thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và không có lá phiếu phủ quyết nào của 5 nước ủy viên thường trực (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Mỹ và Nga).
Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Francois Delattre đã bày tỏ lấy làm tiếc khi cho rằng, chính sự chia rẽ sâu sắc đã khiến Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc bỏ qua một cơ hội mới nhằm tìm ra câu trả lời cho tình trạng bạo lực leo thang tại dải Gaza. Ông đồng thời chỉ trích sự im lặng của một số nước là “không thể chấp nhận”.
Đây là lần thứ 2 Mỹ sử dụng quyền phủ quyết kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền.
Tháng 12 năm ngoái, người Mỹ đã sử dụng quyền này để chống lại một nghị quyết phản đối quyết định của Tổng thống Donald Trump chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv của Israel sang Jerusalem.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, một nhà ngoại giao phương Tây đã tỏ ra thất vọng khi cho rằng, đã đến lúc người Mỹ nên hành động với tư cách là một nhà trung gian đáng tin cậy.
Nga bác tin nhảm ‘quỹ đen Putin’ ám sát nhà báo giả chết
Điện Kremlin "cực lực bác bỏ" tin Tổng thống Vladimir Putin có “quỹ đen Putin” dùng để ám sát nhà báo Nga Arkady Babchenko, một ... |