Năm 2019, Việt Nam lần đầu tiên có 5 tỉ phú USD. Bên cạnh Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo và Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh lần đầu góp mặt trong danh sách tỉ phú thế giới.
Đến ngày 31/12, khối tài sản của 2 tỉ phú giàu nhất Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo tăng thêm 1 tỉ USD và 400 triệu USD so với lúc Forbes công bố bảng xếp hạng tỉ phú 2019 hồi tháng 3. Ngược lại, khối tài sản của ông Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang cùng sụt giảm 300 triệu USD. Riêng giá trị tài sản của ông Trần Bá Dương không đổi.
Ông Phạm Nhật Vượng là tỉ phú Việt Nam trải qua nhiều biến động nhất trong năm 2019 cùng đế chế Vingroup.
Hồi tháng 2, ông Vượng thôi chức chủ tịch tại Vinhomes, công ty bất động sản của tập đoàn. Người ngồi vào vị trí này là CEO Vinhomes Nguyễn Diệu Linh. Vinhomes tiếp tục có nhiều thay đổi nhân sự cấp cao trong thời gian ngắn sau đó khi thay CEO sau 3 tháng và phó tổng giám đốc thường trực sau 6 tháng.
Đến tháng 5, Vingroup nhận đầu tư 1 tỉ USD từ tập đoàn SK của Hàn Quốc. Sau thương vụ này, SK nắm 6,11% vốn của Vingroup. Trước đó, SK đã sở hữu 9,4% vốn tại Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sau khi rót gần 500 triệu USD vào tập đoàn này.
Một tháng sau, Vingroup chính thức khánh thành nhà máy VinFast tại Hải Phòng. Trong năm 2019, những chiếc ôtô VinFast đầu tiên cũng được giao đến tay khách hàng. Khẳng định quyết tâm dồn toàn lực cho mảng sản xuất công nghiệp - công nghệ, Vingroup rút lui hoàn toàn khỏi lĩnh vực bán lẻ.
Đầu tháng 12, nhiều người tiêu dùng bất ngờ khi hay tin Vingroup chuyển nhượng hệ thống hơn 2.600 siêu thị VinMart, cửa hàng tiện lợi VinMart+ cho Masan bên cạnh các nông trại VinEco.
Hai tuần sau, Vingroup tuyên bố giải thể chuỗi điện máy VinPro dù mới mua lại hệ thống bản lẻ điện thoại Viễn ThôngA một năm trước. Trang thương mại điện tử Adayroi ngừng hoạt động, được sáp nhập vào VinID.
Bên cạnh đó, quyết định tham gia ngành hàng không với việc thành lập hãng bay Vinpearl Air cũng là một trong những dấu ấn đặc biệt của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong năm nay.
Trải qua nhiều thủ tục, dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air đã được Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định và trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư vào những ngày cuối năm.
Theo hồ sơ đăng kí, hãng hàng không Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư 4.700 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.300 tỉ đồng, dự kiến cất cánh vào tháng 7/2020 nếu được cấp phép và biên chế 30 tàu bay đến năm 2024.
Năm 2019, hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục giữ ngôi vương trên thị trường nội địa với 41,7% thị phần. Tuy nhiên, tham vọng của nữ tỉ phú hàng không duy nhất trên thế giới không dừng lại ở những đường bay trong nước.
“Chiến lược của chúng tôi là mở rộng tới bất kì thị trường nào trong bán kính 2.500 km để có thể bao phủ khu vực chiếm một nửa dân số thế giới”, bà Thảo nhắc lại điều bà chia sẻ với các cổ đông Vietjet hồi đầu năm trên Forbes, nhân dịp lọt vào top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2019.
Đến cuối quý III/2019, Vietjet khai thác 127 đường bay, tăng 24 đường bay so với cùng kì 2018, trong đó chủ yếu là các đường bay quốc tế. Không dừng lại ở các điểm đến tại châu Á, Vietjet còn dự định bay thẳng từ TP HCM đi Melbourne, Australia vào quý II/2020.
Để phục vụ mục tiêu mở rộng trên thị trường quốc tế, Vietjet cũng đã đặt mua 20 tàu bay A321XLR của Airbus vào cuối tháng 10. Đây là phiên bản có tầm bay 8.700 km, dài nhất trong các dòng máy bay thân hẹp.
Hồi tháng 2, Vietjet cũng kí kết hợp đồng đặt hàng 100 tàu bay 737 Max, nâng tổng số lượng máy bay thân hẹp hãng đặt mua từ Boeing lên 200, qua đó trở thành một trong những khách hàng lớn nhất của dòng 737 Max. T
uy nhiên, sự cố với dòng máy bay này khiến hãng chưa thể tiếp nhận những tàu bay 737 Max đầu tiên trong năm nay như kế hoạch ban đầu.
Một năm sau khi kí kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, Thaco của tỉ phú Trần Bá Dương đã thực hiện đúng cam kết, rót gần 1 tỉ USD giúp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) vượt khó.
Sau khi đưa người vào ban điều hành của HAGL Agrico, Thaco chính thức thành lập công ty nông nghiệp Thadi vào tháng 3 để hỗ trợ phía bầu Đức. Trong năm nay, Thaco mua lại 3 công ty cao su của HAGL Agrico, nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản tại Myanmar của HAGL và nâng tỉ lệ sở hữu tại HAGL Agrico lên 35% như thỏa thuận.
"Cá nhân tôi và cán bộ nhân viên Thaco rất vui mừng đã có giải pháp bằng nhiều phương thức hỗ trợ tài chính để giúp HAGL. HAGL thật sự đã thoát được khó khăn, năm nay đóng góp kim ngạch xuất khẩu 200 triệu USD, sang năm sẽ là 500 triệu USD", ông Dương tự tin phát biểu nhân dịp kỷ niệm 1 năm hợp tác giữa Thaco và HAGL.
Bên cạnh nông nghiệp, lĩnh vực cốt lõi của Thaco là sản xuất ôtô cũng đạt được dấu mốc quan trọng trong những ngày cuối năm khi xuất khẩu 120 xe hơi thương hiệu Kia được lắp ráp tại nhà máy của công ty ở Chu Lai (Quảng Nam) sang Myanmar. Đây là lần đầu tiên công ty của tỉ phú Trần Bá Dương có một lô hàng xuất khẩu xe du lịch dưới 9 chỗ với số lượng lớn.
Một tuần sau đó, xe buýt thương hiệu Việt cũng được Thaco xuất khẩu sang Philippines.
Cả năm 2019, Thaco xuất khẩu 186 xe các loại. Năm 2020, doanh nghiệp này đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 1.000 chiếc ôtô các loại trong chiến lược trở thành trung tâm sản xuất của Kia Motors tại ASEAN và xuất khẩu xe nguyên chiếc, linh kiện sang các nước trong khu vực.
Tháng 12, tập đoàn Masan của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang trở thành một trong những thương hiệu được nhắc đến nhiều nhất với thương vụ nhận sáp nhập VinCommerce và VinEco từ tay Vingroup. Ban lãnh đạo Masan khẳng định tham vọng trở thành tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam sau thương vụ.
3 tuần sau khi công bố việc nhận chuyển nhượng hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+, Masan công khai chào mua hãng bột giặt NET (NETCO) 50 năm tuổi với mục tiêu mở rộng danh mục sản phẩm, lấn sân lang lĩnh vực chăm sóc cá nhân và gia đình.
Cũng trong tháng cuối cùng của năm 2019, công ty thịt mát Masan MEATLife niêm yết trên sàn UpCOM với định giá hơn 1 tỉ USD. Công ty con của tập đoàn Masan đặt tham vọng trở thành nhà sản xuất, phân phối thịt mát đóng gói có thương hiệu lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam vào năm 2022.
Trong khi Masan đi tìm động lực tăng trưởng mới, doanh nghiệp còn lại trong hệ sinh thái của bộ đôi tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - Hồ Hùng Anh là Techcombank tiếp tục khẳng định ngôi vị số 1 trong khối ngân hàng thương mại tư nhân.
9 tháng đầu năm, Techcombank báo lãi trước thuế 8.860 tỉ đồng, tăng 14% so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận của Techcombank chỉ thấp hơn 2 ngân hàng có vốn Nhà nước là Vietcombank (17.592 tỉ đồng) và Agribank (9.700 tỉ đồng).
Đến cuối tháng 9, Techcombank cũng là ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất với 34.966 tỉ đồng, chỉ xếp sau Vietinbank và Vietcombank (cùng trên 37.000 tỉ đồng).