Năm 2024, tổng số vốn đầu tư công của Hưng Yên là hơn 19.900 tỷ đồng

Năm 2024, tỉnh Hưng Yên được giao trên 19.921 tỷ đồng vốn đầu tư công và là một trong những địa phương có kế hoạch vốn lớn, tăng trên 4.890 tỷ đồng so với năm 2023; trong đó, vốn ngân sách Trung ương khoảng 1.326 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương gần 18.595 tỷ đồng.

Theo đó, tỉnh Hưng Yên phấn đấu bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ quan trọng phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, góp phần thực hiện khâu đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, dự án công nghệ cao đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Cụ thể, trong năm 2024, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công một số dự án giao thông trọng điểm như: Dự án thành phần 1.2 của Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô là bồi thường, hỗ trợ tái định cư (bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường song hành, hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia) thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên. Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan (giao với đường tỉnh lộ 378) tỉnh Hưng Yên, đi qua các huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ, dự án này khi hoàn thành sẽ tác động, lan tỏa rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thúc đẩy phát triển quỹ đất dọc hai bên đường, thu hút nhiều nhà đầu tư; đồng thời hình thành tuyến liên kết vùng kết nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, với các tỉnh Thái Bình, Nam Định…

Cùng với việc tập trung nguồn lực thực hiện khâu đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông, với kế hoạch vốn năm 2024, Hưng Yên sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng lĩnh vực như nông nghiệp, thủy lợi, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, văn hóa xã hội… Bên cạnh đó, bảo đảm kinh phí tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu....

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Lê Huy, nhằm đảm bảo kế hoạch đầu tư công năm 2024, tỉnh Hưng Yên thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư (lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán); triển khai tổ chức lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để sớm thi công dự án; phối hợp chặt chẽ với các cơ qua, đơn vị liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm và không gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

Hưng Yên tập trung giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật, hài hòa lợi ích của nhà nước và người dân; tăng cường nhân lực có chất lượng cho quản lý đất đai xã, phường, thị trấn, quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất, hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện.

Cùng với đó, tỉnh nâng cao hiệu quả, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách, đáp ứng đủ nguồn vốn đầu tư các chương trình, dự án theo kế hoạch được giao; thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư, nâng cao chất lượng chuẩn bị và tổ chức thực hiện dự án, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình triển khai, bảo đảm hiệu quả đầu tư; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý vi phạm, kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.