Dự án đường vành đai 4: Hưng Yên sẵn sàng khởi công xây dựng đường đô thị

Ngày 22/11 tới đây, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hưng Yên sẽ tổ chức lễ khởi công gói thầu số 1: Thi công xây dựng công trình dự án thành phần 2.2: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận tỉnh Hưng Yên, thuộc dự án đường Vành đai 4.

Một đoạn đường vành đai 4 Hà Nội sẽ đi qua tỉnh Hưng Yên. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Ngày 22/11 tới đây, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hưng Yên sẽ tổ chức lễ khởi công gói thầu số 1: Thi công xây dựng công trình dự án thành phần 2.2: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận tỉnh Hưng Yên, thuộc dự án đường Vành đai 4. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, tạo ra bước ngoặt mới trong việc triển khai dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hưng Yên Trần Minh Hải, xác định tầm quan trọng của dự án đường Vành đai 4, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, tỉnh Hưng Yên đã thể hiện sự quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết, tập trung, đồng bộ trong chỉ đạo thực hiện; chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương, thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh trong triển khai dự án. Đồng thời, tỉnh tổ chức thực hiện nhanh, hiệu quả từng nội dung có liên quan, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ chung của toàn bộ dự án.

Để triển khai dự án, Hưng Yên đã ký cam kết tiến độ và ký giao ước thi đua trong giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án đường Vành đai 4 với thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, 3 địa phương đã thống nhất xác định phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023 để phục vụ khởi công dự án và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Trong các cuộc họp giữa các địa phương và kiểm tra thực địa, Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh giai đoạn 2021- 2025 (Ban Chỉ đạo) luôn xác định dự án đường Vành đai 4 là dự án trọng điểm của tỉnh; trong đó, giải phóng mặt bằng, tái định cư là điểm mấu chốt trong việc triển khai dự án đầu tư, đặc biệt với dự án có khối lượng lớn và nhiều điểm đặc thù như đường Vành đai 4... Từ đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu các đơn vị liên quan xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng điểm, cả hệ thống chính trị cùng nhập cuộc với phương châm “không bàn lùi, chỉ bàn tiến”.

Để hiện thực hóa các nội dung chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ bằng hành động cụ thể, ngày 18/5/2022, HĐND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Nghị quyết số 208/NQ-HĐND về bố trí vốn thực hiện dự án đường Vành đai 4. Đến ngày 12/9/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2074/QĐ-UBND về giao nhiệm vụ triển khai các dự án thành phần thuộc dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với UBND các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm và sở, ngành liên quan tổ chức rà soát hướng tuyến trên thực địa, xác định điểm khống chế, khu vực tín ngưỡng để lựa chọn hướng tuyến phù hợp trước khi triển khai cắm cọc giải phóng mặt bằng.

Cùng đó, Sở Giao thông Vận tải chú trọng việc lựa chọn nhà thầu tư vấn lập nhiệm vụ khảo sát và dự toán chi phí lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1.2 và 2.2; tư vấn thẩm tra; tư vấn thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1.2; tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần 2.2 đã hoàn thành... - ông Hải cho hay.

Sở cũng tích cực tham mưu với UBND tỉnh giao UBND các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm triển khai nhiều phần việc trong quy trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ và ủy quyền phê duyệt khu tái định cư theo quy định; lập kế hoạch giải phóng mặt bằng chi tiết; lập các phương án bố trí quỹ đất tái định cư cho người dân, doanh nghiệp, khu vực tín ngưỡng, khu vực nghĩa trang. Đồng thời, rà phá bom mìn, vật nổ trên phần diện tích đất nông nghiệp và đất công cũng đã hoàn thành; di dời hệ thống điện trung thế, hạ thế và công trình hạ tầng kỹ thuật khác đang được Sở Giao thông Vận tải tích cực phối hợp với địa phương thực hiện.

Đến thời điểm này, các địa phương đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng diện tích đất nông nghiệp; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng phần diện tích đất ở, đất doanh nghiệp, đất tái định cư, đất di dời đường dây 110 kV, 220 kV, 500 kV. Đến nay, diện tích đã chi trả tiền bồi thường, thu hồi bàn giao cho chủ đầu tư là 193,6/230,2 ha, đạt trên 84%.

Để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án đường Vành đai 4, cùng với việc tăng cường giám sát thi công, thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về dự án đường Vành đai 4 để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian sớm nhất.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô Hà Nội qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài 19,3 km, đi qua 4 huyện: Văn Giang (10,2 km), Khoái Châu (dài 0,57km), Yên Mỹ (dài 2,5 km), Văn Lâm (dài 6,6 km). Tổng mức đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là 5.245 tỷ đồng. Theo Nghị quyết số 56 về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4, tỉnh Hưng Yên được giao phối hợp với Hà Nội triển khai dự án thành phần 3 (đường cao tốc) và trực tiếp tổ chức thực hiện 2 dự án thành phần là dự án 1.2 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên) và 2.2 (xây dựng đường song hành)..

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.