Nhắc đến địa danh đồng Chó Ngáp ở Bạc Liêu, nhiều người mường tượng ngay đến một chốn xa xôi, hẻo lánh. Ở đó có một cánh đồng hoang rộng mênh mông, với nước mặn, phèn chua, vào mùa mưa cỏ dại mọc lút đầu người, vào mùa nắng thì đồng khô, cỏ cháy, còn người dân thì đói rách, lam lũ.
Đồng Chó Ngáp giờ là những vuông tôm. |
Nhưng đó là chuyện của ngày xưa! Đồng Chó Ngáp giờ đây không còn hoang vu cỏ dại mà thay vào đó là những đồng lúa, vuông tôm đem lại thu nhập hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng cho người dân nơi đây.
Chúng tôi về thăm đồng Chó Ngáp khi cái Tết Mậu Tuất sắp gõ cửa từng nhà. Từ trung tâm huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, xe máy chạy bon bon trên những cung đường trải bê tông thẳng về xã Ninh Thạnh Lợi, rồi sang xã Ninh Thạnh Lợi A- vùng lõi của cánh Đồng Chó Ngáp. Chợt nghĩ, bây giờ về đây quá dễ dàng vì đường xá khang trang, thông thương, chứ không như ngày trước phải đi tàu, đò.
Tiếp chúng tôi trong căn biệt thự được xây dựng hơn 1 tỷ đồng, lão nông tri điền Huỳnh Tấn thiệt, năm nay đã 70 tuổi ở ấp Nhà Lầu 2, xã Ninh Thạnh lợi A hồ hởi kể: "Bây giờ ở đây phần lớn người dân đều khá, giàu nhờ trồng lúa, nuôi tôm. Riêng gia đình ông có 5 ha đất nuôi tôm, mỗi năm thu nhập tròm trèm từ 200 đến 600 triệu đồng".
Nhà lầu của nông dân ở Đồng Chó Ngáp. |
Bồi hồi nhắc lại chuyện xưa, ông Huỳnh Tấn Thiệt cho biết theo lời cha ông kể lại, vào triều Nguyễn, nơi này là rừng tràm. Trong thời Pháp thuộc thì tràm bị khai thác hết và trở thành cánh đồng hoang bạt ngàn chỉ toàn cỏ năn, lác, sậy nằm tiếp giáp với ba tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang... Cánh đồng này lớn đến mức không người nào có thể đi một lèo qua nổi mà phải mang theo nước uống và tìm chỗ nghỉ cho bớt mệt mới đi tiếp được. Đến nỗi hồi đó chó là loài vật nổi tiếng là rất giỏi nhịn khát và đi xa cũng không đi qua nổi cánh đồng. Con nào đi theo chủ băng qua cánh đồng này đều phải lè lưỡi thở dốc rồi mệt mỏi ngáp dài, ngáp ngắn nên mọi người mới gọi nơi đây là Đồng Chó Ngáp.
Người dân ở đây thời đó nghèo khổ sống dựa vào nghề đan lát, tuy nhiên xứ này không có tre, trúc nên phải đi xứ khác mua đem về chẻ nhỏ ra để đan, rồi chở đi rao bán khắp nơi, đến mùa mưa thì mọi người quay sang giữ trâu mướn.
“Trời nắng nếu không mang theo nước là không đi nổi. Trâu ở các nơi người ta mướn ở đây giữ, chứ ngoài ra không làm gì được. Lúc đó, đời sống của người dân nghèo khó, hầu hết phải ăn rau, ăn độn khoai lang, nhà cửa cũng lụp sụp".
Hồi xưa đồng đất hoang hóa, người dân ở cánh Đồng Chó Ngáp nghèo khổ như vậy nhưng giờ đây tất cả đã đổi thay. Năn, sậy hoang vu đã nhường chỗ cho ruộng lúa, vuông tôm.
Những cánh đồng lúa trĩu bông trên Đồng Chó Ngáp. |
Những người dân lam lũ, những nông dân một thời giữ trâu mướn đã vươn trở thành triệu phú, tỷ phú. Nếu trước đây ở xã Ninh Thạnh lợi A phần lớn là hộ nghèo, thì hiện nay, số hộ khá, giàu trong xã chiếm hơn 50%, số hộ nghèo chỉ còn 3,8%. Đặc biệt, số hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm chiếm hơn 1/3 số hộ trong xã.
Anh Phạm Trung Dũng ở ấp Nhà Lầu 1, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Nhờ nuôi tôm gia đình mới khấm khá lên. Hiện nay thu nhập mỗi năm trung bình cũng cỡ 400-500 triệu so với trước kia là quá cao rồi. Ngày xưa thì khổ lắm".
Theo bà Nguyễn Hồng Hoa- Quyền Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, cánh Đồng Chó Ngáp thật sự chuyển mình khi chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau được Chính phủ chỉ đạo thực hiện hơn 20 năm trước. Nhờ đó, các con kênh từ thời pháp thuộc như Kênh 12, Dân Quân, Kênh xáng Phó Sinh – Cạnh Đền… được khơi thông, nước ngọt dẫn từ sông Hậu đổ về tháo chua, rửa phèn, làm ngọt hóa vùng đất này
"Từ sau khi có chủ trương ngọt hóa bán đảo Cà Mau, đưa cơ giới múc các con kênh, lấy nước để rửa mặn, xổ phèn, dần dần vùng cánh đồng Chó Ngáp này phát triển. Hiện nay thay đổi bằng những cánh đồng lúa xanh bát ngát, những vuông tôm sản xuất đạt năng suất rất cao. Hiện nay khoảng 80% dân xây dựng nhà kiên cố, đường xá cũng được quan tâm đầu tư đi lại cũng dễ dàng, đời sống của nhân dân thấy thay đổi rõ nét”, bà Hoa cho biết.
Không đơn thuần việc rửa mặn, xổ phèn có thể biến một cánh đồng hoang vu cỏ dại thành một cách đồng trú phú lúa, tôm. Điều này chỉ thực hiện được nhờ vào ý chí, nghị lực, sự chăm chỉ, cần cù, ý thức ham học hỏi, cầu tiến của người dân trên cánh cánh Đồng Chó Ngáp.
Nếu trước đây, người dân vùng này tìm đến nhiều nơi để học hỏi cách trồng lúa, nuôi tôm sao cho thành công, thì những năm gần đây, bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm của nông dân ở nhiều địa phương khác, người dân ở cánh Đồng Chó Ngáp còn lặn lội đến các viện, trường, gặp gỡ các nhà khoa học để tham khảo, nhờ tư vấn việc chọn lựa cây giống, con giống để nuôi , trồng phù hợp với vùng đất cùng kỹ thuật chăm sóc để đạt hiệu quả.
Chính nhờ vậy, mà nhiều nông dân nơi đây có thu nhập khá cao từ việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi.
Theo thống kê, hiện ở vùng lõi của cánh Đồng Chó Ngáp, tức ở 2 xã Ninh Thạnh Lợi và Ninh Thạnh Lợi A có hơn 200 hộ có mức thu nhập vào hàng tỷ phú và rất nhiều hộ có mức thu nhập 300 - 600 triệu đồng/năm.
Ông Trần Quốc An- còn gọi là Tư An ở ấp Ngô Kim, xã Ninh Thạnh Lợi cho biết hàng năm, ngoài thu nhập khoảng 500 triệu từ 2 vụ tôm, một vụ lúa, ông còn thu nhập hàng trăm triệu đồng từ việc nuôi thêm các loài động vật khác.
Năm 2016, ông được công nhận là Hội viên hội cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc. Năm ngoái, ông được công nhận là Hội viên hội nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc. Không chỉ ông Tư An, còn nhiều nông dân trên cánh Đồng Chó Ngáp đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi, gia đình văn hóa tiêu biểu…
Đồng Chó Ngáp những ngày này rực rỡ nắng vàng và gió chướng lồng lộng thổi, không khí đón Tết tràn ngập mọi nhà. Những người dân nơi đây đang nhộn nhịp tát đìa bắt cá.
Ông Tư An khoe 5 cái đìa của ông gom được hơn 3 tấn cá các loại. Ngoài ruộng một mớ để ăn Tết, số cá còn lại ông bán được gần 70 triệu đồng.
Mùa xuân về đây, nhìn những căn nhà khang trang nối nhau dọc theo các kênh, rạch, nhìn gượng mặt sạm nắng với nụ cười rạng rỡ của những triệu phú, tỷ phú chân đất, chúng tôi cảm thấy thán phục về sự vươn lên đổi đời ngoạn mục của những nông dân ở cánh Đồng Chó Ngáp, vùng đất trũng và phèn chua vào loại nhất nhì ĐBSCL./.
Chơi gì hôm nay: Hòa mình trong khí Tết cổ truyền ở Hội chữ xuân Mậu Tuất và chợ tết bao cấp
Ngày hôm nay (9/2) tại Hà Nội nổi bật với chuỗi sự kiện Tết cổ truyền, trong đó đặc sắc nhất là Hội chữ xuân ... |
Cách đón tết của người Trung Quốc
Tết Nguyên đán của Trung Quốc còn được gọi là Lễ hội mùa xuân, là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng nhất ... |