Nam sinh Bách Khoa: Nhiều bạn học lại 3,4 lần... 'không quá ngạc nhiên'

Nguyễn Đức Huy (sinh năm 1995, Hải Dương) hiện đang là sinh viên chuyên ngành Công nghệ thông tin, trường đại học Bách Khoa Hà Nội.

Huy được nhiều bạn trẻ biết đến với hình ảnh một “con nhà người ta” chính hiệu khi vừa học giỏi, lại hoạt động ngoại khóa cực ấn tượng. Bảng thành tích đáng nể trong suốt quãng thời gian đi học của Huy đã khiến rất nhiều người khâm phục tài năng của anh chàng sinh viên trẻ tuổi.

nam sinh bach khoa nhieu ban hoc lai 34 lan khong qua ngac nhien
Đức Huy tham gia nhiều buổi tư vấn cho các tân sinh viên của trường

Cùng trò chuyện với chàng sinh viên điển trai, tài năng này và lắng nghe những tâm sự của anh về cách sắp xếp thời gian, bí quyết để cân bằng cuộc sống cũng như các cuộc thi và hoạt động xã hội nhé!

Nghe tới tên Trường đại học Bách Khoa Hà Nội, nhiều người phải thừa nhận đây là một môi trường học tập khá vất vả và khó nhằn. Với Huy, quan điểm của bạn như thế nào?

Bản thân mình nghĩ rằng nếu là sinh viên muốn điểm cao hoặc muốn tận dụng tối đa thời gian để học hỏi, trau dồi các kỹ năng xã hội thì sẽ đều vất vả hơn bình thường và phải sắp xếp thời gian rất khoa học mới đảm bảo được việc làm thêm, học thêm và học tập trên trường.

Đặc biệt với sinh viên Bách Khoa thì việc học lại một môn tới 3 - 4 lần là điều không quá ngạc nhiên. Cũng bởi vì giảng viên rất khắt khe và đều muốn mỗi sinh viên Bách Khoa ra trường phải thật chắc kiến thức cơ bản, nền móng để dù đi làm ở công ty nào cũng đều linh hoạt, đứng vững được.

4 năm theo học tại đây, bạn đã có rất nhiều hoạt động và thành tích đáng kể. Bạn làm cách nào để vượt qua được những “định kiến” của người khác về môi trường bạn đang theo học?

Chắc chắn là khi vào học Bách Khoa, mình cũng đã được nghe kha khá những lời “định kiến” rồi. Với mình, ngoài việc đăng ký dự thi các cuộc thi về kỹ thuật thì mình còn muốn thử sức với cả các cuộc thi về lãnh đạo và tranh biện tại các trường đại học khác, mà tiền lệ hiếm có đất cho Bách Khoa. Thế nên vào được chung kết, các bạn sinh viên trường khác đều ngạc nhiên và có cái nhìn mới về trường mình.

Sở dĩ quyết tâm như vậy bởi mình nghĩ kiến thức chuyên môn thầy cô có thể đào tạo được vững chắc nhưng để có được các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống và làm việc khác thì phải sang học hỏi hay đăng ký dự thi các chương trình của các trường như Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, đại học Hà Nội… thì mới đủ được.

Khi bắt đầu vào đại học, mình cũng lên kế hoạch tham gia hoạt động tại các ban mảng câu lạc bộ, đoàn hội tại trường trong 2 năm đầu sinh viên. Sau đó đến năm 3, năm 4 sẽ đăng ký tham gia các cuộc thi và xin làm thêm bởi khi đó sẽ tự tin, có kiến thức rồi. Còn đến năm thứ 5 sẽ tập trung học chuyên ngành thật chắc để tốt nghiệp.

Có như thế thì mới định vị được bản thân mình ở đâu và còn phải trang bị những gì để sẵn sàng làm việc sau này.

“Công thức” nào để bạn thu xếp thời gian, cân bằng mọi thứ và đạt được những thành công như hiện tại?

nam sinh bach khoa nhieu ban hoc lai 34 lan khong qua ngac nhien
Đức Huy phân bổ thời gian khoa học, ngoài thời gian học, hoạt động xã hội, vẫn có thể du lịch để trải nghiệm.

Mình luôn thích sự cân bằng trong cuộc sống nên học tập, làm việc và thư giãn luôn tồn tại trong một ngày của mình. Mình không thích thói quen làm cật lực và ngủ quá ít như các bạn Nhật Bản bởi khá “sợ” tàn phá tuổi trẻ và sức khỏe.

Sau khi hoàn thành mọi thứ, mình dành thời gian cuối ngày để tổng kết lại những việc đã làm được. Nếu như không thấy làm được việc gì giá trị, mình sẽ tự xấu hổ với bản thân nhiều lắm. Sau đó mình lên danh sách những việc phải làm ngày hôm sau, luôn có mức độ ưu tiên khác nhau để có định hướng làm việc hiệu quả và nhanh nhất. Một phương pháp nhỏ anh đồng nghiệp đã chia sẻ với mình là luôn mang cuốn sổ nhắc việc để ghi chép, tránh bỏ sót thông tin.

Vậy nên, trong một ngày bình thường mình vẫn có thời gian tập gym, đọc sách và chuẩn bị bữa tối với gia đình. Còn khi nào bận quá thì chắc chắn phải hủy rồi.

Tham gia rất nhiều cuộc thi, chương trình, hoạt động bạn có những kỉ niệm đặc biệt ấn tượng nào không?

Mình thích tham gia các cuộc thi vì được gặp các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau và đặc biệt được làm việc chung với sinh viên trường khác. Ấn tượng nhất là khi tham gia cuộc thi “Tài năng lãnh đạo” do trường đại học Hà Nội tổ chức. Bởi hồi đó tham gia mình mới là sinh viên năm 3 đại học mà vượt qua những 5 vòng thi để vào chung kết, điều vô cùng hạnh phúc.

Hơn 2 tháng thi và chờ đợi kết quả các vòng là những ngày hồi hộp, căng thẳng và vui nhất. Một tháng liền “ăn chung, ngủ chung, làm chung” với các bạn sinh viên đại học Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, đại học Hà Nội sống với dự án, mình học được rất nhiều bài học, kinh nghiệm.

Một phần là các bạn khối ngành kinh tế, quản lý có những kỹ năng mà mình chưa có nên thấy “được lời” với bản thân, một phần đặc thù chương trình về “lãnh đạo” nên gần như qua dự án đòi hỏi phải vận dụng đủ các kỹ năng. Càng vào những vòng trong, càng là những bạn sinh viên rất “cứng” rồi, nhiều lúc căng thẳng muốn bỏ cuộc.

Lúc đó phải ra ngoài thực nghiệm, đi phỏng vấn người dân, làm phóng sự, làm slide thuyết trình và cả hàng loạt những ấn phẩm truyền thông, tìm hiểu về những lĩnh vực mình chưa từng biết, có những lúc cãi nhau vì bất đồng quan điểm.

Thế rồi mọi thứ đã ổn trở lại. Chính vì nhờ những giây phút đó mà tất cả trở nên hiểu nhau hơn, biết nhường nhịn, khiêm tốn hơn. Mình tin những kiến thức ấy đều hữu dụng khi đi làm và chỉ có ai chịu vận động, thử sức mới có được.

Không chỉ tham gia hoạt động ở trường, các cuộc thi mà bạn còn rất năng nổ trong các công tác thiện nguyện. Chia sẻ một chút về hoạt động này nhé!

Mình thấy bản thân rất may mắn khi va vấp cuộc sống từ những năm đầu tiên đại học. Khi tham gia tổ chức sự kiện mình đã được các anh chị trong nhóm rủ đi phát đồ ăn đêm, quần áo rét cho những người vô gia cư tại địa bàn Hà Nội. Từ đó mình được rủ làm từ thiện ở các chương trình lớn hơn.

Cảm thấy vừa xúc động và bất ngờ bởi chưa bao giờ mình nghĩ ngay tại trung tâm thủ đô lại có nhiều người vô gia cư đến thế. Có những người đi nhặt rác, có những người chờ đợi để được thuê bốc vác, có những người lên thăm người thân ốm ở bệnh viện không có tiền phải ngủ ngoài đường…

Rồi sau này mình được tham gia chương trình Trung thu cho các em thiếu nhi tại bệnh viện, phát cháo từ thiện tại bênh viện E… Gần đây nhất là chuyến nấu cơm từ thiện, chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm điều dưỡng bệnh nhân tâm thần Thụy An, Ba Vì (Hà Nội). Câu lạc bộ mình tham gia ngoài nấu 600 suất cơm chay, còn cắt tóc, cắt móng tay cho các bệnh nhân.

nam sinh bach khoa nhieu ban hoc lai 34 lan khong qua ngac nhien
Huy cùng người thân hạnh phúc trong một lần "ẵm" giải thưởng

Được trực tiếp trò chuyện, mình mới hiểu được phần nào, bệnh nhân tâm thần họ cũng biết vui, biết buồn, họ cũng có những cảm xúc như chúng ta, nếu ta có thời gian để lắng nghe thì họ cũng sẽ sẵn sàng mở lòng.

Lúc đầu làm những việc đó thì mình khá sợ hãi vì cảm thấy thiếu an toàn, đúng là có những lúc họ không kiểm soát được hành vi của bản thân thế nhưng nếu biết nhẹ nhàng nói chuyện thì sẽ dần xóa được khoảng cách.

Có tham gia làm thiện nguyện mình mới hiểu, cuộc đời này vẫn còn nhiều mảnh đời bất hạnh, mình vẫn cần cố gắng hơn nữa để giúp đỡ được nhiều người.

nam sinh bach khoa nhieu ban hoc lai 34 lan khong qua ngac nhien
Đức Huy cùng các thành viên tình nguyện

Thẳng thắn chút nhé, liệu bạn có đang chịu áp lực nào không khi “tham” qua nhiều thứ?

Đúng là nhiều lúc mình thấy bản thân quá “tham”, thực sự vẫn có nhiều ngày mình chỉ được ngủ 5 tiếng và phải bỏ tập gym, đọc sách. Việc hủy các cuộc hẹn đi chơi, ăn uống với bạn bè là thường xuyên, Hoặc thậm chí các bạn nhắn tin tán gẫu trên mạng xã hội mà có khi mấy ngày sau mình mới trả lời được nên là bị trách khá nhiều.

Chia sẻ một chút rằng mình thường có thói quen tải các bài giảng Phật Pháp vào điện thoại rồi nghe lúc rảnh nên trong bản thân luôn muốn học đức hạnh “khiêm hạ” và cống hiến không ngừng. Đó một phần cũng là kim chỉ nam cho mình làm mọi việc trong cuộc sống, luôn giữ mình ở vị trí “thấp” hơn mọi người, vừa để học hỏi, vừa để được phục vụ cho cộng đồng. Quả thực, thực hành những điều đó, mình thấy chưa bao giờ là thiệt mà lại gặp được nhiều duyên tốt trong cả công việc lẫn học hành.

Với nhiều thành tích như vậy, bạn thấy bản thân cần cải thiện điều gì để tốt hơn nữa?

Thực ra mình chưa dám nhận là nhiều thành công đâu, tuổi trẻ như mình thì còn phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Một phương pháp mình học được từ các công ty Nhật Bản thường áp dụng là “Kaizen” tức là cải thiện tới mức tốt hơn, nên bản thân luôn nghĩ mình cần phải sửa đổi tốt hơn thì sẽ tự tìm được điều cần phải học hỏi. Riêng mình thì sẽ cố gắng học thêm một ngoại ngữ thứ 3 và học tốt chuyên ngành của mình, ấy là mục tiêu lớn nhất hiện tại rồi.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian chia sẻ. Chúc bạn tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa!

Họ và tên: Nguyễn Đức Huy

Sinh năm: 1995 Quê quán: Xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Ban tổ chức các chương trình: - “Chào tân sinh viên K13 – Timeline” năm 2013

- Cuộc thi “SVBK 2015” - trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tổ chức năm 2015

- Cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Việt – Đức 2015” của Đại học Leipzig (CHLB Đức) với Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức năm 2015

- Chương trình “STEM robot show 2015” – Học viện giáo dục STEM năm 2015

- Cuộc thi “We code 2016” – Học viên giáo dục STEM năm 2016

- Đạt giải Xuất sắc trong cuộc thi hùng biện “Nam sinh viên chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình” do trường đại học Bách Khoa Hà Nội và Hội Liên Hiệp phụ nữ tổ chức năm 2015

- Giải ba cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu Khoa học năm học 2015 – 2016” do trường đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức năm 2016

- Giải ba cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Việt Đức 2016” được tổ chức trong dự án Praxis partnership Program của Đại học Leipzig (CHLB Đức) với trường đại học Bách Khoa Hà Nội, phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp tổ chức năm 2016

- Giải ba cuộc thi “Tài năng lãnh đạo 2016” do câu lạc bộ DEL HANU, đại học Hà Nội phối hợp với công ty FPT tổ chức năm 2016

- Hiện đang trong Top 8 cuộc thi “FBA Innovation Challenge” do đội ENACTUS FTU HANOI tổ chức dưới sự bảo trợ chuyên môn của Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Ngoại Thương

- Nhận giấy khen cán bộ Đoàn học tốt do Hiệu trưởng trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội khen tặng năm học 2016 - 2017

chọn
Hình ảnh cầu Tam Tòa nối Nam Định - Ninh Bình sau 7 tháng thi công
Cầu Tam Tòa vượt sông Đáy trên tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình sau 7 tháng thi công đã dần thành hình.