Trần Đặng Đăng Khoa (Sinh năm 1986) - Cái tên không còn xa lạ với những người mê xê dịch, được biết đến với mệnh danh "Chàng trai Việt cưỡi xe máy đi khắp thế gian". Từng đi xe máy qua 7 nước Đông Nam Á và mới đây chàng trai này tiếp tục hành trình với chuyến đi dài 600 ngày, đi khoảng 45.000 km qua ít nhất 30 nước trên khắp các châu lục như: Á, Âu, Mỹ, Phi, Úc, Nam Cực.
Chàng trai sinh năm 1986 Trần Đặng Đăng Khoa với hành trình dài 600 ngày, qua ít nhất 30 nước. |
Hiện tại, chàng trai đã đi được hơn 100 ngày, chính thức đặt những vết bánh xe đầu tiên lên châu Âu.
Tất cả các giấy tờ quan trọng như hộ chiếu, các trang chụp visa, dấu xuất nhập cảnh, bằng lái, giấy tờ xe, bảo hiểm du lịch…nên đem photo thành nhiều bộ và cất giấu nhiều nơi khác nhau.
Nên mang túi nhỏ ôm sát người đựng passport, tiền mặt, thẻ ATM... |
Đăng Khoa cũng cho hay "Mình mang bản gốc bỏ trong balo hoặc túi nhỏ nhét vào lớp áo trong cùng, các bản photo khác hai bộ cất trong hai balo khác, một bộ trong cốp xe".
Ngoài ra, bạn cũng nên scan hoặc chụp ảnh lại rồi bỏ vào laptop, ổ cứng, điện thoại backup, rồi đăng lên gmail, drive, dropbox…Nếu trong nhóm nhiều người thì cất chéo nhau, người này cất của người kia v.v…Trong trường hợp mất giấy tờ còn cái trình cảnh sát để xác nhận thân nhân, xác nhận nhập cảnh hợp pháp hoặc đến Đại Sứ Quán Việt Nam làm lại passport để xuất cảnh về.
Scan hoặc chụp tất cả giấy tờ và gởi vào email hoặc backup lên drive, dropbox |
Giấy tờ là vật tối quan trọng nên Đăng Khoa luôn cất giữu trong hai lớp túi nylon chống nước, để vào balo và trùm áo mưa balo lần nữa để chống mưa ướt, cũng như là một lớp bảo vệ an toàn khỏi những kẻ móc túi hay hạn chế rơi rớt đồ.
Một lưu ý nho nhỏ: Nếu ngủ dorm thì nên cất dưới gối.
Vào nước nào đóng dấu xong cũng chụp ảnh để backup phòng khi thất lạc. |
"Mình không bao giờ mang tất cả tiền mặt theo, trừ khi đi gần và rất ngắn, còn lại đều để vào thẻ ATM, đi đến đâu thì thanh toán thẻ hoặc tìm cây ATM rút." - Đăng Khoa cho biết thêm.
Thẻ ATM cũng nên làm ít nhất hai thẻ và hai ngân hàng khác nhau. Ví dụ như một thẻ ngân hàng Việt Nam, một thẻ nước ngoài vì các ngân hàng nước ngoài có dịch vụ hỗ trợ khách hàng nước ngoài tốt hơn cũng như có văn phòng ở nhiều nước.
Thẻ ATM và tiền mặt cũng nên chia ra cất nhiều nơi, cất trong người, trong balo, dấu trong xe... Tránh để các thẻ trong ví/ bóp tiếp xúc trực tiếp nhau vì dễ bị trầy xước, hư phần thẻ từ, cũng như không để dãy số lộ ra ngoài chỗ dễ thấy vì lí do an toàn. Để một lượng tiền mặt nhỏ trong túi riêng để cần thì rút ra thanh toán nhanh, không cần mở bóp hay balo ra, ngoài ra nếu được cũng trữ ít ngoại tệ mạnh như đồng USD hay Euro trong người vì đi đâu cũng đổi được.
Trước khi đi nên báo cho ngân hàng phát hành thẻ là sẽ rút ở nước ngoài nhiều nên đừng khóa (Do vấn đề an ninh).
Luôn trữ tiền địa phương trong người, có thể đổi trước lúc nhập cảnh hoặc ngay sau nhập cảnh. Nên tải app đổi tiền để check tỉ giá trước khi đổi. |
"Do mình đi xa nên mang cả 3 chiếc điện thoại, một chiếc để dùng, chụp ảnh, v.v…một chiếc để làm GPS dẫn đường treo trước xe, một chiếc có pin tốt để trong balo phòng hờ mất cả 2 cái kia. Đến nước nào mua sim nước đó, và mua cả gói data để dùng các mục đích như:
Check-in chụp hình.
Có số điện thoại để gọi hỗ trợ khẩn cấp cho cảnh sát, cứu hộ hoặc cảnh sát du lịch ở các nước. Các số này đến thì tìm và lưu sẵn. Ngoài ra cũng lưu sẵn số hotline hỗ trợ người Việt ở nước ngoài, số người thân gia đình hoặc bạn thân, số hotline của bên bảo hiểm và Isos cứu hộ quốc tế liên kết với công ty bảo hiểm. Các số hotline này bạn nên để ở mục Emergency Call ở màn hình lock, trong trường hợp bị tai nạn bất tỉnh thì họ không cần mở khóa vẫn có thể gọi được cho các hotline này.
Sim 3G có data cho du khách rất rẻ, như ở Georgia không giới hạn cuộc gọi trong nước, gọi nước ngoài 50 phút, rất hiệu quả nếu có sự cố khẩn cấp |
Dùng internet trên điện thoại để book phòng, xem thông tin địa điểm, tình hình đường sá, an ninh ở nơi sắp đến thế nào, cũng như dùng google translate phiên dịch qua tiếng địa phương để giao tiếp hoặc nhờ sự hỗ trợ.
Ngoài ra nếu cẩn thận hơn nữa thì nên viết hẳn ra một tờ giấy các hotline trên và thông tin liên hệ khi cần thiết vào giấy, bỏ trong bao chống nước rồi nhét vào balo, bóp tiền, bao đựng hộ chiếu hoặc chỗ dễ thấy. Cũng có thể chụp ảnh tờ giấy này rồi dùng làm màn hình khóa để ai cũng đọc được dù không cần mở.
Trên điện thoại, bạn cũng nên down các app về sơ cứu y tế cơ bản để cần tham khảo hoặc đọc lúc rảnh rỗi, mà tốt nhất là cứ học hoặc tập trước sơ cứu căn bản ở nhà cho chắc.
Bạn nên tải luôn các app maps offline (Như app maps.me rất tốt, có bản đồ để xem đường đi, đánh dấu các điểm tham quan, địa chỉ hostel, xem tài xế có đi đúng đường hay đi chỗ nào lạ không, dùng tìm cây xăng, nhà nghỉ, quán ăn v.v…)
Ngoài ra google maps mới cập nhật tính năng live location sharing (Chọn người tin tưởng mình muốn share vị trí) thì người đó sẽ luôn biết mình đi đâu, lần cuối thấy là khi nào, hoặc các bạn trong group đi với nhau có thể biết vị trí của nhau phòng khi lạc nhau.
Lưu số cảnh sát địa phương để nhờ hỗ trợ khi cần. |
Đăng Khoa cũng cho hay "Mình đi một mình vừa đi vừa làm nhiều thứ cùng một lúc chưa kể đến việc đồ đạc, tư trang cũng rất nhiều, không thể ngủ ở dạng phòng dorm được, nên lựa chọn an toàn và tốt nhất với mình là dạng phòng riêng".
Tới nơi xong cũng nên chụp ảnh cái card của guest house hoặc địa chỉ ở ngoài để có gì tìm về được, nhưng tốt nhất là đánh dấu vào maps trên điện thoại cho nhanh, cần chạy xe về hoặc chỉ đường cho taxi chở về tận nơi luôn.
Lúc đi từ bàn tiếp tân vào thì cũng để ý xem cầu thang bộ và lối thoát hiểm ở đâu, hoặc nếu ở tầng cao thì lúc xuống đi thang bộ xuống để biết vị trí cầu thang thoát hiểm.
Để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối trong chuyến đi, hãy luôn ghi nhớ những lưu ý này. |
Nhật ký hành trình Trần Đặng Đăng Khoa
'CẨM NANG DU LỊCH'