Nạo vét luồng lạch bị biến tướng: 'Lỗ hổng pháp luật rất lớn'

Theo GS Đặng Hùng Võ, trên thực tế có sự biến tướng khi nạo vét để khai thác cát và chúng ta có lỗ hổng pháp luật rất lớn.

Như chúng tôi đã thông tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa thay mặt Chính phủ ký Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017.

Nội dung văn bản cho biết, trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra ngày 3/4, Chính phủ Quyết nghị một số vấn đề quan trọng.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dừng ngay việc cấp phép nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa có tận thu.

Bộ này chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông, bảo đảm thống nhất trong lập, phê duyệt quy hoạch và giao cho địa phương thực hiện cấp phép khai thác, trình Thủ tướng trong tháng 4/2017.

nao vet luong lach bi bien tuong lo hong phap luat rat lon
Một số phương tiện nạo vét trên sông Hồng, đoạn chảy qua địa phận huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua. Ảnh: Thủy Long

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến về vấn đề nói trên từ tháng 3 vừa qua. Ý kiến của Thủ tướng đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng truyền đạt lại tới cơ quan chức năng trong buổi làm việc tại Bộ GTVT hôm 21/3.

Tới phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp, Chính phủ đã thống nhất việc yêu cầu Bộ GTVT dừng cấp phép nạo vét lòng sông để giao cho địa phương quản lý.

Có thể nói, việc Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT dừng cấp phép nạo vét lòng sông để giao cho địa phương quản lý là quyết định hết sức cần thiết. Đây là chính sách giúp cơ quan chức năng dễ dàng hơn trong việc quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; hạn chế tình trạng lợi dụng giấy phép nạo vét để khai thác cát trái phép, sai phép.

Thời gian qua, nhiều cơ quan chức năng và các chuyên gia cũng hết sức ủng hộ việc Bộ GTVT dừng cấp phép nạo vét lòng sông để giao cho địa phương quản lý.

Điển hình, hôm 5/4, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có buổi làm việc tại huyện Phúc Thọ và Đan Phượng, TP Hà Nội. Buổi làm việc này nằm trong chương trình giám sát chuyên đề về nạn khai thác cát, sỏi trái phép, sai phép trên toàn quốc của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Tại buổi làm việc, báo cáo với Chủ tịch MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Linh Ngọc – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, bản chất là các doanh nghiệp nạo vét khai thác cát lên bán. Tuy nhiên, việc khai thác này lại được điều chỉnh bằng hai luật, đó là Luật Khoáng sản và Luật Giao thông Đường thủy nội địa. Theo ông Ngọc, đây là tình trạng “một hạt cát trên sông nhưng hai luật điều chỉnh”.

“Một hạt cát được điều chỉnh bằng hai luật sẽ khiến chúng ta khó quản lý. Hiện chúng tôi cũng có ý kiến đề xuất sửa đổi Quyết định 73/2013 của Thủ tướng Chính phủ (Về việc thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ GTVT quản lý) theo hướng việc nạo vét, duy tu luồng lạch sẽ giao cho địa phương quản lý,” ông Ngọc nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cũng từng nói về sự bất cập trong việc quản lý hoạt động nạo vét lòng sông.

Ông Võ cho biết, theo Luật Khoảng sản, thẩm quyền cấp phép khai thác khoảng sản là của địa phương, cụ thể UBND cấp tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, phía Bộ GTVT lại có quyền cho phép nạo vét luồng lạch.

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, đây là một lỗ hổng của pháp luật mà khi xây dựng luật pháp chúng ta không tính tới. Việc hai cơ quan cùng quản lý việc nạo vét luồng có thể gây chồng chéo, khó khăn trong công tác quản lý.

nao vet luong lach bi bien tuong lo hong phap luat rat lon
Sắp tới, việc cấp phép nạo vét luồng sẽ do các địa phương quản lý. Ảnh: Thủy Long

Đây cũng là một trong những lý do xảy ra tình trạng như trên sông Cầu, đoạn giáp ranh giữa tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang vừa qua. Cụ thể, cùng một dòng sông nhưng phía Bắc Ninh yêu cầu dừng nạo vét, còn phía Bắc Giang thì không.

“Tôi cho rằng, hệ thống pháp luật của chúng ta có lỗ hổng rất lớn. Nạo vét luồng lạch là tên khác, nhưng một lúc nào đấy họ lấn sang lấy cát chứ không phải nạo vét luồng lạch.

Trên thực tế có sự biến tướng khi nạo vét để khai thác cát. Chúng ta có lỗ hổng pháp luật. Nhưng có thể khi xây dựng luật, chúng ta chưa dự báo được diễn biến trên thực tế nên không phát hiện thấy lỗ hổng này.

Nếu phát hiện, trong Luật Khoáng sản phải có quy định là trong trường hợp nạo vét luồng lạch thì phải như thế nào?,” ông Đặng Hùng Võ bày tỏ quan điểm.

Cũng liên quan đến vấn đề nạo vét lòng sông, báo cáo với Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại buổi làm việc ở huyện Phúc Thọ nói trên, ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp thu hồi cát, Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) đã phê duyệt hồ sơ đề xuất, ký hợp đồng triển khai thực hiện với một số tổ chức để nạo vét trên các sông thuộc địa bàn Hà Nội.

“Tuy nhiên, công tác giám sát triển khai còn hạn chế cũng là nguyên nhân để các đơn vị nạo vét lợi dụng khai thác cát trái phép,” ông Hùng nói.

Trước đó, khoảng một năm trở lại đây, chúng tôi thường xuyên di chuyển trên một số tuyến sông tại phía Bắc nước ta để điều tra về tình trạng khai thác cát trái phép, sai phép.

Khoảng thời gian này, chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp có giấy phép nạo vét luồng, tận thu sản phẩm trên sông nhưng không chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

Trong đó, có tình trạng doanh nghiệp thi công sai vị trí được cấp phép. Nạo vét luồng là hoạt động nhằm khơi thông luồng, dòng chảy ở khu vực giữa sông. Tuy nhiên, có đoạn dự án lại xuất hiện phương tiện khai thác cát hoạt động ngay sát bến bãi, bờ kè.

Theo quy định, hoạt động nạo vét luồng chỉ được phép thực hiện vào ban ngày (từ 6h00 tới 18h00), không được thực hiện vào ban đêm. Tuy nhiên, tại nhiều đoạn dự án, ban ngày doanh nghiệp nạo vét, nhưng ban đêm vẫn xuất hiện tàu thuyền khai thác cát rầm rộ.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp thi công vượt quá số lượng phương tiện đã đăng ký, sử dùng phương tiện không có số hiệu.

Đặc biệt, chúng tôi còn nhận thấy, nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu tận thu sản phẩm vượt khối lượng được cấp phép. Điều này có thể nhận thấy mâu thuẫn ngay trên hồ sơ cấp phép cho doanh nghiệp nạo vét luồng.

Ví dụ, trước đây, Công ty TNHH Đầu tư phát triển TM&DV Nhật Anh được cho phép thi công từ Km 194 + 050 đến Km 195 + 000 trên sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn Hà Nội. Đơn vị này được thi công trong thời gian 2 tháng (từ 1/11/2016 tới 31/12/2016); khối lượng cát được thu hồi là 40.140m3; công suất nạo vét, thu hồi 898m3/ngày.

Tuy nhiên, Công ty Nhật Anh lại được cấp phép nạo vét, tận thu với số lượng 1 tàu cuốc, 2 tàu hút, 3 tàu chở hàng khô, dự phòng 1 tàu cuốc và 1 tàu hút. Theo chúng tôi tìm hiểu, chỉ cần 1 tàu cuốc và 1 tàu hút cùng hoạt động trong một ngày (từ 6h00 sáng tới 18h00) đã có thể khai thác được khoảng 5.000m3 cát.

Với công suất thực tế này, có thể chưa tới 10 ngày là Công ty Nhật Anh có thể nạo vét, tận thu được khối lượng 40.140m3 theo hồ sơ cấp phép như đã nói ở trên.

Với việc cấp phép số lượng phương tiện nhiều và thời gian dài, nhiều khả năng công ty này sẽ khai thác số cát lớn gấp nhiều lần khối lượng theo hồ sơ cấp phép.

Vậy khối lượng cát khai thác vượt giấy phép (nếu có) này thì cơ quan có thẩm quyền có nắm được hay không? Nếu cơ quan chức năng không quản lý được vấn đề này thì rõ ràng một khối lượng lớn khoáng sản Quốc gia đã bị ăn cắp, trong khi tiền thuế của Nhà nước cũng bị thất thoát.

Thời điểm cuối năm 2016, chúng tôi và nhiều cơ quan báo chí khác đã gửi nhiều bài viết, hình ảnh, video clip thể hiện rõ các vấn đề nói trên cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khi cơ quan này vào cuộc, thực hiện chương trình giám sát chuyên đề về nạn khai thác cát, sỏi trái phép, sai phép trên địa bàn toàn quốc.

Chỉ sau một thời gian ngắn, chương trình giám sát của MTTQ Việt Nam đã lập tức phát huy hiệu quả. Bằng chứng là, hiện tình hình khai thác cát trái phép, sai phép đã giảm đi đáng kể.

Đặc biệt, hiện nay trên sông Hồng và sông Đuống, đoạn chạy qua địa bàn TP Hà Nội hầu như không còn xuất hiện tàu thuyền khai thác cát trái phép. 6 dự án đang còn phép nạo vét lòng sông trên địa bàn TP Hà Nội hiện cũng đang tạm dừng thi công.

Hiện nay, theo đề nghị của MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn tương rà soát, bổ sung các văn bản liên quan đến hoạt động quản lý, khai thác có cát sỏi lòng sông.

Trong đó, dự kiến vòng trong 3 tháng tới, Bộ này sẽ hoàn thành việc xây dựng Thông tư hướng dẫn quy trình điều tra, thăm dò cát sỏi lòng sông.

Thông tư này dự kiến sẽ có quy định khối lượng cát, sỏi cụ thể được phép khai thác trên một dòng sông trong một năm. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các địa phương trong việc tổ chức đấu giá khai thác cát, sỏi; đảm bảo công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có hướng dẫn cụ thể về hành vi khai thác cát trái phép, sai phép như thế nào là nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Đây sẽ là văn bản quan trọng để lực lượng công an có căn cứ để có thể truy tố trường hợp khai thác cát trái phép.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.