Nên chọn khu vực nào ở Hà Nội để đầu tư bất động sản?

Theo chuyên gia, trong bối cảnh quĩ đất nội đô ngày càng eo hẹp, các nhà đầu tư nên tham khảo các khu vực mới phát triển của Hà Nội như Gia Lâm, Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm,...

Trong mắt các nhà đầu tư bất động sản (BĐS), nếu TP HCM là thị trường rất được quan tâm thì Hà Nội lại có sức hút riêng biệt nhờ sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng.

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho biết, theo tiêu chuẩn mặt bằng chung tại Việt Nam, Hà Nội có lượng dân số trung lưu lớn và con số này vẫn còn đang tăng nhanh. Tính liên kết và giá trị BĐS của Thủ đô đang được cải thiện nhờ sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, nguồn cung các dự án BĐS hiện đại của Hà Nội đang tăng lên và các chủ đầu tư trong nước đang tập trung cung cấp ra thị trường các BĐS tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, dân số ngày càng tăng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng nguồn cầu cho các dự án nhà ở tại Hà Nội.

Có thể kể đến một số chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài đang hoạt động tại Hà Nội như Keppel Land, CapitaLand, Mistsubishi Estate, Gaw Capital Partners và Hongkong Land.

Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội đánh giá, sự phát triển của thị trường BĐS Hà Nội trong những thập niên vừa qua đã mang lại cho Thủ đô một diện mạo mới.

"Hà Nội tiếp tục khẳng định tiềm năng đầu tư trong tương lai từ nguồn cầu lớn được tạo ra bởi cơ sở hạ tầng, dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh, triển vọng thu hút FDI lớn,… và đặc biệt từ nguồn cung có thể được hình thành chủ yếu với quĩ đất còn tại các khu vực vành đai", bà Hằng cho hay.

Đầu tư bất động sản Hà Nội lúc này: Chọn khu vực nào? - Ảnh 1.

Nguồn cung căn hộ tương lai tại Hà Nội. (Nguồn: Savills)

Các chuyên gia Savills cũng dự báo, trong nửa cuối năm 2020, khoảng 24.200 căn hộ từ 4 dự án hiện tại và 18 dự án tương lai sẽ ra mắt thị trường. Trong đó, 68% đang trong quá trình xây dựng và 32% đang làm móng. Các quận/huyện dẫn đầu nguồn cung bao gồm Từ Liêm với 45% thị phần, Gia Lâm với 32% và Hoàng Mai với 9% thị phần.

Khu vực ngoại thành là điểm sáng

Nửa đầu năm 2020, thị trường BĐS Hà Nội không nằm ngoài vòng xoáy tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Trong đó, phân khúc nhà ở đang chứng kiến sự sụt giảm nguồn cung lẫn cầu trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, xét trong dài hạn, thị trường nhà ở tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn được đánh giá có nhiều triển vọng bởi nguồn cầu lớn.

Đầu tư bất động sản Hà Nội lúc này: Chọn khu vực nào? - Ảnh 2.

Thị trường nhà ở Hà Nội vẫn được đánh giá có nhiều triển vọng bởi nguồn cầu lớn. (Ảnh: Hạ Vũ)

Chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến mới đây, ông Nguyễn Đức Thêm, Quản lí kinh doanh bộ phận kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội cho biết, dịch COVID-19 tái bùng phát lần này đã không ảnh hưởng quá mạnh đến thị trường BĐS, do Chính phủ đã có kinh nghiệm hơn.

"Giá nhà trên thị trường sơ cấp tại Hà Nội không có quá nhiều biến động. Trong khi đó, giá BĐS thứ cấp lại đang có xu hướng giảm do làn sóng cắt lỗ từ các nhà đầu tư. Nguyên nhân là do tác động của dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính đã buộc phải thanh lí sản phẩm bất động sản", ông Thêm cho biết.

Cũng theo đánh giá của vị chuyên gia này, thị trường BĐS nhà ở Hà Nội đang ổn định và không có quá nhiều biến động. Đặc biệt, thị trường hiện nay không có nhiều sự lựa chọn mặc dù nhu cầu vẫn có. Do đó, những dự án tốt, có đầy đủ pháp lí, chủ đầu tư uy tín, sản phẩm tốt,... thì chắc chắn sẽ không có chuyện giảm giá.

Một trong những nguyên nhân tác động đến giá bán trong thời gian tới theo ông Thêm, đó là dân số tại khu vực Hà Nội đang có xu hướng tăng. Điều này tất yếu sẽ kéo theo sự gia tăng của nhu cầu về nhà ở. Trong khi đó, quĩ đất trung tâm ngày càng eo hẹp,...

Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, vị này cho rằng, các nhà đầu tư phải căn cứ vào khả năng tài chính của mình. Đặc biệt, không nên vay ngân hàng để đầu tư trong bối cảnh hiện tại

"Còn với những nhà đầu tư có tiềm lực, nên tham khảo các khu vực mới, các địa bàn mới thay vì khu vực nội đô cũ. Bởi vì hiện nay quĩ đất nội đô rất eo hẹp, một khi quĩ đất đã hết thì rất khó để phát triển dự án. Mà nếu có cũng thì giá rất đắt, gần như chỉ bán cho những người có nhu cầu ở thực", ông Thêm nhận định.

Theo vị chuyên gia này, các nhà đầu tư nên cân nhắc các khu vực, các quận mới như Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm,... bởi khả năng sinh lời tốt trong tương lai.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần lưu ý đến hạ tầng đi kèm ở những khu vực này. Bởi hạ tầng cơ bản là một yếu tố cực kì quan trọng, sẽ quyết định rất nhiều đến vấn đề tăng giá của bất động sản.

Đánh giá chung về triển vọng thị trường thời gian tới, chuyên gia Savills cho biết, đã khoảng hai năm, từ cuối năm 2018 đến nay, toàn bộ nguồn cung trên thị trường nhà ở có dấu hiệu sụt giảm bởi một số nguyên nhân.

"Sắp tới, khi tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước được kiểm soát, những vấn đề liên quan đến hành lang pháp lí của tất cả các phân khúc được đưa ra một cách cụ thể, chắc chắn nhiều chủ đầu tư sẽ đẩy mạnh tiến trình để ra hàng", ông Thêm nói.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.