Từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán truyền thống là dịp đoàn tụ gia đình, sum vầy cháu con đón chào năm mới. Mọi thành viên trong gia đình tập trung cùng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, trồng cây Nêu, gói bánh và mua sắm các vật dụng, đồ ăn thức uống.
Nếu như tại nhiều địa phương Bắc Bộ dịp gần Tết lại xuất hiện các phiên chợ mỗi năm chỉ họp một lần như: chợ hoa đào, hoa mai, chợ quất, chợ chữ, chợ đồ cổ… để phục vụ thú chơi Tết của người Việt. Các sản phẩm thủ công theo các nghệ nhân từ khắp các vùng ngoại đô ở Bắc Bộ tập trung về Hà Nội, tiêu biểu có thể nhắc tới tranh dân gian, hoa, cây cảnh...
Một không gian đón Tết của người đồng bằng Bắc Bộ (Ảnh: Hà Thảo). |
Thì tại Hà Nội, có chợ hoa xuân phố Hàng Lược, đào Nhật Tân, quất Quảng Bá. Người Hà Nội thường mua một cây quất lớn, đẹp, nhiều lộc bày ở gian hàng chính. Xưa kia, các cụ thường chơi đào cành, ngoài sân, giữa khoảng giếng trời, cắm một cành đào lớn, và để đến tận rằm tháng giêng.
Theo PGS. TS Đỗ Thị Hảo - Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho biết: “Người Hà Nội từ xưa đã cho rằng Tết mà không có câu đối và tranh thì gian nhà như thiếu sự hòa hợp của màu sắc, tức là thiếu sự thoải mái của tinh thần, thì cho dù cỗ bàn có sang đến đâu cũng chưa đủ không khí Tết. Người xưa treo câu đối đỏ và những bức tranh dân gian mộc mạc, thể hiện ước mơ về một cuộc sống thái bình, sung túc…”.
Hình ảnh ông Đồ bên câu đối đỏ không còn xa lạ với người Hà Nội xưa mỗi dịp Tết về. (Ảnh: Hà Thảo). |
Người Hà Nội xưa thường chơi chữ mỗi dịp Tết đến. Hình ảnh những ông đồ áo the khăn xếp, râu dài… ngồi nghiêm trang trên chiếc chiếu hoa trải trên vỉa hè đã trở thành rất đỗi thân quen và không thể thiếu mỗi khi xuân về.
Đến thời nay, người ta thường chơi đào cả cây hoặc chơi hoa Tết, thú chơi xa xỉ là hoa thủy tiên. Những người chơi hoa phải chọn thủy tiên làm sao cho được củ hoa đơn. Mỗi hoa như cái chén vàng đặt trên đĩa ngọc, hoa nở đều, không đâm dúi vào nhau và nở hàm tiếu đúng vào sớm mồng một Tết.
Trong mâm cơm cúng Tết, cũng được người Hà Nội chuẩn bị rất cầu toàn, tươm tất cho đến việc đón khách hay chọn người xông nhà đầu năm.
Hình ảnh tranh dân gian Đông Hồ. (Ảnh: Hà Thảo) |
Nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa mừng Đảng, mừng Xuân Đinh Dậu năm 2017, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, mang đến cho du khách và các bạn trẻ những giá trị đặc trưng trong nét sinh hoạt tết truyền thống của người Hà Nội nói riêng và vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung.
Các hoạt động được diễn ra như: triển lãm ba dòng tranh dân gian Hàng Trống - Kim Đồng - Đông Hồ, trình diễn thư pháp và vẽ tranh Tết, giới hiệu không gian đón Tết của người Hà Nội xưa và vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Nhiều bạn trẻ thích thú với tìm hiểu các dòng tranh dân gian của Việt Nam. (Ảnh: Hà Thảo) |
Nhìn chung lại, người Việt đón Tết không chỉ để vui chơi mà còn là cách thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ cha ông, lưu giữ các giá trị truyền thống từ nghìn xưa đề lại.