Đại úy Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội.
Tôi được biết Tổng cục Đường bộ VN đang chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có nâng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đến 40 triệu đồng, tước GPLX 2 năm.
Tuy nhiên, để đủ sức răn đe, phạt tiền hay tước GPLX dường như vẫn chưa đủ, và việc cưỡng bức người vi phạm phải lao động công ích có lẽ là cần thiết. Bởi ngoài việc xử lý vi phạm thì cần thiết phải có biện pháp giáo dục.
Quá trình tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm của CSGT cho thấy, ý thức của không ít người tham gia giao thông rất kém.
Họ liều lĩnh điều khiển phương tiện khi bản thân đã say mèm. Lái xe trong tình trạng đó, việc không xảy ra tai nạn chỉ là may mắn cho chính họ và những người tham gia giao thông khác.
Có một thực tế là nhiều người vi phạm sẵn sàng bỏ tiền ra nộp, dù số tiền gần 20 triệu đồng đối với mức vi phạm nặng nhất.
Nhưng việc xử phạt lần nào biết lần đó mà chưa có cơ chế xử phạt tăng nặng đối với những lần tái phạm vô tình khiến nhiều người coi thường và nhờn luật.
Vì vậy, tôi rất đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Nếu lái xe trong tình trạng say xỉn, gây tai nạn mức xử phạt hành chính, bắt buộc phải lao động công ích, còn nếu nghiêm trọng đương nhiên là phải xử lý hình sự. Tôi tin, vấn nạn này sẽ giảm rõ rệt.