Hàng loạt vụ việc liên quan đến ngân hàng thời gian qua khiến người dân e ngại khi gửi tiền và giao dịch với ngân hàng.
Sự cố tiền trong tài khoản bỗng dưng bị "bốc hơi" khiến cho nhiều khách hàng băn khoăn khi giao dịch ở hệ thống ngân hàng (Ảnh: Đình Tuệ). |
Nhằm cung cấp cho độc giả cái nhìn khách quan và toàn cảnh, PV Việt Nam Mới đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng để đưa ra những nhận định, khuyến cáo với các bên. Giúp hạn chế tối đa các sự cố tương tự như vừa qua.
TS Nguyễn Trí Hiếu: “Lỗ hổng” đến từ cả ngân hàng và khách hàng
Là một chuyên gia có nhiều năm công tác và nghiên cứu trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, ở thời điểm hiện tại tâm lý người dân khi sử dụng các dịch vụ của ngân hàng đều có những băn khoăn nhất định đang là một thực tế.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu (Ảnh: TL). |
Việc mới đây, các sự cố liên quan tới việc khách hàng tố việc mình bị mất một số tiền rất lớn (tới cả tỷ đồng) trong tài khoản ngân hàng thông qua các giao dịch “ảo” đang khiến cho tâm lý người dân vô cùng hoang mang.
TS Hiếu cho biết: “Vụ việc lần này không chỉ xuất hiện ở riêng nước ta, mà còn xuất hiện ở nhiều nước có nền tài chính phát triển trên thế giới. Từ việc mất tiền trong thẻ ATM, đến việc sử dụng các dịch vụ của Internet Banking. Vấn đề ở ta chính là thời điểm xảy ra nhiều sự kiện, người dân mới thấy lo lắng”.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, lịch sử ngành ngân hàng cho thấy, tài sản của cả ngân hàng và khách hàng đều có sự đảm bảo rất cao, bởi độ an toàn bảo mật vẫn kiên cố. Người dân không nên quá hoang mang.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy không có một thứ gì hoàn hảo 100% cả nên việc để xảy ra sự cố như khách hàng đã tố cáo thì cũng cần nhìn nhận khách quan rằng, ngân hàng cũng đã để lộ ra những “lỗ hổng” về bảo mật. Từ vấn vấn đề công nghệ thông tin đến quản lý nội bộ của ngân hàng như thế nào?
Ông Hiếu cũng cho rằng lỗi cũng là một phần ở khách hàng sử dụng dịch vụ:
“Chính khách hàng đôi khi còn không tuân thủ theo đúng khuyến cáo, quy định của ngân hàng. Ví như việc có thể vô tư cho người khác mượn thẻ ATM, chia sẻ mật khẩu hoặc đặt mật khẩu quá đơn giản. Thậm chí, còn đi vay tiền của các thành phần “xã hội đen” mà đưa cả thẻ ATM và mật khẩu để giao dịch. Lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng dịch vụ không theo đúng quy trình giao dịch nên rất có thể cũng gặp phải các rủi ro tương tự”.
Bên cạnh đó, TS Hiếu cũng cảnh báo, chỉ bằng một số thao tác đơn giản mà nhân viên của một khách sạn nào đó mà chúng ta ghé thăm, có thể dễ dàng lợi dụng khi ta đưa thẻ ATM để họ thanh toán. Họ có thể hoàn toàn dùng thủ thuật chụp lại hai mặt trước và mặt sau của thẻ, trên đó có ghi đầy đủ một số thông số cơ bản để lợi dụng nó dùng đi mua hàng một cách bình thường mà không cần phải làm giả thẻ.
Vì thế, vị chuyên gia ngân hàng khuyến cáo, khách hàng nên tuyệt đối tuân thủ vấn đề an toàn bảo mật thông tin tài khoản, thẻ ATM. Không chia sẻ mật khẩu hoặc cho ai mượn thẻ đi giao dịch, tránh tình trạng bị lợi dụng. Nên giao dịch với các tổ chức, cá nhân có uy tín. Đối với các ngân hàng, nên rà soát lại các quy định nội bộ. Tăng cường tính bảo mật cao và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực: “Người dân đừng quá hoang mang”!
Trao đổi quan điểm với Việt Nam Mới về thực trạng nêu trên, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV cho hay, trong bất cứ hoạt động kinh doanh nào cũng đều ẩn chứa những rủi ro. Và lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng cũng không phải là ngoại lệ.
Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực (Ảnh: TL). |
Ông cũng khẳng định, nói về an ninh và an toàn bảo mật trong hoạt động của các doanh nghiệp ngành ngân hàng là vô cùng nghiêm ngặt. Đơn cử như hệ thống bảo quản, cất giữ tiền của khách hàng được tổ chức, bố trí rất chặt chẽ bằng các lớp bảo mật. Tuy nhiên, rủi ro về khoa học công nghệ cũng rất phức tạp mỗi khi phát sinh. Từ đó đe dọa đến an toàn hệ thống.
Đồng quan điểm với TS Nguyễn Trí Hiếu về sự chủ quan của khách hàng khi sử dụng thẻ ATM, TS Cấn Văn Lực cũng góp ý thêm: “Trách nhiệm của ngân hàng và khách hàng là rõ ràng rồi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải hoàn thiện môi trường pháp lý. Các doanh nghiệp, ngân hàng cần phải nâng cao sự hiểu biết về pháp luật. Cần được đào tạo bằng các chương trình phổ biến kiến thức về tài chính”.
Có ý kiến cho rằng, có người của ngân hàng có dấu hiệu “móc ngoặc” với người bên ngoài tiến hành “rút ruột” tài sản của ngân hàng và khách hàng, theo ông Lực vẫn cần phải chờ kết luận của cơ quan Công an mới làm rõ được.