Ngân hàng đầu tiên thông tin về gói vay ưu đãi lãi suất nhà ở xã hội

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) vừa công bố triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Chương trình nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đi đôi với kiểm soát rủi ro; tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp sở hữu nhà ở đảm bảo chất lượng và phù hợp với điều kiện kinh tế. 

Agribank công bố triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. (Ảnh: TTXVN).

Theo đó, chương trình được triển khai từ ngày 3/4/2023 đến khi doanh số giải ngân đạt 30.000 tỷ đồng, nhưng không quá ngày 31/12/2030. Thời gian ưu đãi lãi suất đối với chủ đầu tư là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu, đối với người mua nhà là 5 năm.

Agribank cho biết lãi suất ưu đãi áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm và đối với người mua nhà là 8,2%/năm. Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng/lần, Agribank sẽ thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi triển khai chương trình.

Đối tượng vay vốn theo chương trình là chủ đầu tư dự án và người mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định.

Đáng chú ý, ngoài hạn mức vay theo quy định, nếu khách hàng là người mua nhà có tài sản bảo đảm bổ sung, sẽ được áp dụng mức vay tối đa bằng 85% tổng mức đầu tư của phương án.

Trước đó, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã chủ động hạ lãi suất huy động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp; điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản vay kinh doanh bất động sản; triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 tổ chức chiều 3/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương làm việc với 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) và đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại và ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP bắt đầu thực hiện từ ngày 1/4.

 "Các ngân hàng thương mại cho khách hàng vay vốn để thực hiện chương trình bằng nguồn vốn tự huy động của chính ngân hàng. Ngân hàng thương mại có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng theo quy định của pháp luật về cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho hay.

Ngoài 4 ngân hàng thương mại nhà nước, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, các ngân hàng thương mại khác khi tham gia Chương trình thì cần thực hiện theo hướng dẫn và có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước tham gia Chương trình và gửi văn bản đăng ký khai thác thông tin về chương trình cho Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.