Gỡ khó cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở Bình Dương

Nhiều doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro trong quá trình triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn.

Một góc khu chung cư nhà ở xã hội Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, Bình Dương. (Ảnh: TTXVN).

Thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP do Chính phủ ban hành ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, thời gian qua, Bình Dương đã có nhiều giải pháp nhằm ổn định thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản.

Tỉnh đã đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương về các quy định liên quan đến công tác phát triển nhà ở. Qua đó, Bình Dương kỳ vọng, thị trường bất động sản tỉnh năm 2023 sẽ có khởi sắc và khơi thông nguồn vốn để các dự án được đẩy nhanh tiến độ, đưa nguồn cung mới ra thị trường.

Doanh nghiệp gặp khó

Nhiều doanh nghiệp về bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro trong quá trình triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn.

Theo một doanh nghiệp phát triển về bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đối với thủ tục pháp lý đầu tư dự án nhà ở, bất động sản còn gặp khó khăn, vướng mắc dẫn đến thời gian thủ tục kéo dài, ảnh hưởng đến tính hiệu quả của dự án đầu tư.

Theo đó, về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị (bao gồm quy hoạch vùng, quy hoạch chung và quy hoạch phân khu) khi xem xét chủ trương đầu tư, nhất là dự án nhà ở cao tầng, các dự án phát triển đô thị với quy mô lớn, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội còn gặp vướng mắc, do thời điểm lập quy hoạch đã lâu, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, thủ tục điều chỉnh quy hoạch cho từng cấp quy hoạch, sự phù hợp về trình tự giữa quy hoạch cấp thấp và quy hoạch cấp cao hơn còn mất nhiều thời gian, nhiều bước nên không kịp thời thu hút đầu tư.

Ngoài ra, tỉnh còn nhiều dự án không triển khai được do vướng quy định về phương pháp xác định giá thị trường, cơ chế và thủ tục xác định giá đất hiện nay còn mất nhiều thời gian. Một số dự án nhà ở, bất động sản chậm triển khai kéo dài do vướng thủ tục pháp lý (điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, năng lực của nhà đầu tư,...) gây lãng phí nguồn lực đất đai, tài chính và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại địa phương.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, Bình Dương đang tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; trong đó, ưu tiên các dự án hạ tầng giao thông kết nối, chỉnh trang đô thị, kéo theo đó là nhu cầu về nhà ở, các loại hình dịch vụ, văn phòng...

Đặc biệt, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu công nghiệp VSIP III, góp phần thúc đẩy phân khúc bất động sản công nghiệp. Điểm sáng của thị trường bất động sản 2023 chỉ có thể đặt kỳ vọng vào việc tháo gỡ những vướng mắc pháp lý và khơi thông nguồn vốn để các dự án được đẩy nhanh tiến độ, đưa nguồn cung mới ra thị trường.

Kịp thời gỡ khó

Ông Võ Văn Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, việc kinh doanh bất động sản và phát triển nhà ở cần phải ổn định, lành mạnh, bền vững.

Theo đó, tỉnh Bình Dương đã kiến nghị bộ, ngành Trung ương hướng dẫn về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, xác nhận đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư nhà ở; xây dựng thống nhất quy trình thực hiện dự án đầu tư nhà ở áp dụng trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị cần bổ sung chế tài đối với chủ đầu tư dự án nhà ở chung cư vi phạm nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, về đất làm nhà ở xã hội, nên bỏ quy định doanh nghiệp phải trích 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại để xây nhà ở xã hội, chỉ nên xây nhà ở xã hội ở đô thị loại 1, loại 2. Đối với các đô thị loại 3, loại 4 và loại 5 nên giao UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định khu vực cần thiết xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú.

Ngoài ra, để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn vào các dự án nhà ở xã hội, nên ban hành chế độ ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án.

Song song đó, UBND tỉnh Bình Dương còn đề xuất phát triển các tổ chức tài chính, đẩy mạnh sự phát triển của các trung gian tài chính, khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm tài chính bất động sản; phát triển các quỹ đầu tư bất động sản, quỹ phát triển nhà ở, quỹ tiết kiệm nhà ở… Ngày 13/2/2023, UBND tỉnh Bình Dương đã thành lập Tổ chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Ông Ngân cho biết thêm, Sở xây dựng tỉnh Bình Dương cũng rà soát, đề xuất, cấp có thẩm quyền xữ lý các quy định pháp luật còn chồng chéo, bất cập, gây cản trở trong quá trình triển khai dự án bất động sản thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Bình Dương còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp  triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” của Trung ương; Đề án “Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Cùng đó, tỉnh chủ trì xác định các khu vực ưu tiên đầu tư theo Chương trình – Kế hoạch phát triển nhà ở cho các giai đoạn, nhằm đảm bảo cân bằng cung – cầu đối với thị trường nhà ở, bất động sản. Chú trọng kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại phù hợp với từng đối tượng có nhu cầu nhà ở.

Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, rà soát các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, bất động sản đang triển khai trên địa bàn tỉnh; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với từng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư như chưa hoặc chậm triển khai để chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cụ thể, rõ ràng các vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ trong trường hợp vượt thẩm quyền…Dự kiến, Sở Xây dựng tỉnh sắp tới sẽ mời từng doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, từ đó mới đề xuất hướng giải quyết.

Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu để đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án bất động sản.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động tích cực trong việc đẩy mạnh việc thực hiện rà soát điều chỉnh, trình phê duyệt các quy hoạch, các dự án chậm triển khai, chậm đền bù làm cơ sở thu hồi đối với các dự án theo thẩm quyền, triển khai thực hiện hiệu quả các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, bất động sản trên địa bàn.

Còn phía bên Thanh tra, Công an tỉnh cũng xây dựng kế hoạch tổ chức thanh tra đề xuất xữ lý theo quy định, đối với các dự án bất động sản không triển khai, phối hợp Công an tỉnh và các cơ quan liên quan tiếp nhận xử lý đơn khiếu nại, tố cáo(nếu có).

Điều tra xử lý đối với các trương hợp kinh doanh bất động sản vi phạm quy định pháp luật. Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin về những khó khăn, vướng mắc, tình hình khiếu kiện, tố giác liên quan đến các dự án đất nền, dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Dương để kịp thời khắc phục giải quyết.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – chi nhánh tỉnh Bình Dương tăng cường số hoá để cung ứng vốn tín dụng kịp thời cho nền kinh tế; cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiệm theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp, khả thi của thị trường và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả, có khả năng trả nợ và phát triển.

Các doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp có liên quan tích cực, chủ động tái cơ cấu lại phân khúc sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán…phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thật sự và có tính khả thi.

Cùng đó, tích cực, chủ động, tập trung nguồn lực  phối hợp, triển khai thực hiện theo các quy định pháp luật và hướng dẫn của các sở, ngành, địa phương đối với dự án bất động sản đang gặp khó khăn, vướng mắc.

chọn
Bất động sản tuần qua (28/4 - 4/5): Ba luật lớn kỳ vọng hiệu lực sớm, TP HCM dừng dự án BT của Phát Đạt
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có thể hiệu lực sớm từ 1/7; điểm mới về thành lập cụm công nghiệp từ 1/5; loạt doanh nghiệp tiến vào Thái Nguyên... là những thông tin thị trường và dự án nổi bật tuần qua.