Ngành cảng biển tiếp tục gặp khó trong năm nay do tâm lý người tiêu dùng hạn chế chi tiêu

Mirae Asset nhận định, người tiêu dùng lo ngại suy thoái kinh tế và tâm lý hạn chế chi tiêu nhiều khả năng sẽ tác động đến nhu cầu XNK hàng hóa và sản lượng thông quan khiến cho ngành cảng biển ảm đạm trong năm nay.

Tâm lý hạn chế chi tiêu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động ngành cảng biển năm nay

Chứng khoán Mirae Asset vừa có báo cáo cập nhật về tình hình ngành cảng biển trong quý I, cụ thể, đơn vị trên cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay, giá trị xuất nhập khẩu (XNK) ghi nhận sụt giảm, ước đạt 210,7 tỷ USD (giảm 13,6% so với cùng kỳ). 

Trong đó, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt đạt 108,5 tỷ USD (giảm 11,8%) và 102,2 tỷ USD (giảm 15,4%). Theo Mirae Asset, giá trị XNK liên tục giảm từ đầu năm nay phản ánh sự suy yếu về tiêu dùng ở các thị trường chính, giá trị xuất khẩu hàng hóa trong quý I sang các thị trường chính như Mỹ (giảm 21%), Nhật (đi ngang), Hàn Quốc (giảm 5%), Trung Quốc (giảm 16,4%), Canada (giảm 21,4%) hầu hết đi lùi, trái ngược với tốc độ tăng trưởng cao trong cùng kỳ 2022. 

Giá trị xuất khẩu tăng trưởng âm ở các mặt hàng chủ lực như điện tử, máy tính và linh kiện (giảm 9%), điện thoại (giảm 17,3%), máy móc thiết bị (giảm 6%), dệt may (giảm 19,3%), giày dép (giảm 16,3%), gỗ và sản phẩm gỗ (giảm 31,3%). Riêng phương tiện vận tải ghi nhận tăng trưởng tốt, khi tăng 12,8% so với cùng kỳ.

Bên cạnh giá trị XNK, sản lượng thông quan cảng biển cũng ghi nhận giảm đáng kể, cụ thể, trong quý I, tổng khối lượng thông quan cảng biển Việt Nam ước đạt 165,2 triệu tấn (giảm 8%).

Trong đó, khối lượng hàng xuất khẩu ước đạt 42,5 triệu tấn (giảm 7,5%), hàng nhập khẩu là 48,8 triệu tấn (giảm 4,8%), hàng nội địa là 73,5 triệu tấn (giảm 10,3%), hàng quá cảnh là 375.000 tấn (giảm 6,9%). 

Xét về sản lượng container, tổng khối lượng ước đạt 5,2 triệu TEU (giảm 17,6%). Trong đó, sản lượng container xuất khẩu ước đạt 1,8 triệu TEU, nhập khẩu là 1,7 triệu TEU, nội địa là 1,7 triệu TEU.

(Nguồn: Mirae Asset).

Mirae Asset cho biết thêm, các chỉ số niềm tin tiêu dùng ở các thị trường chính hầu như không thay đổi và tiếp tục ở mức thấp trong 4 tháng đầu năm, dù các thị trường vẫn ghi nhận tăng trưởng GDP thực.

Người tiêu dùng lo ngại suy thoái kinh tế và tâm lý hạn chế chi tiêu nhiều khả năng sẽ tác động đến nhu cầu XNK hàng hóa và sản lượng thông quan ảm đạm trong năm nay.

 Tăng trưởng giá trị XKN Việt Nam. (Nguồn: Mirae Asset).

Chi phí bào mòn lợi nhuận các doanh nghiệp ngành cảng biển

Sự yếu đi của hoạt động XNK được phản ánh rõ rệt trong kết quả kinh doanh quý I của các công ty cảng biển niêm yết chủ chốt. 

Các công ty có hoạt động chính là khai thác cảng như CTCP Gemadept (GMD), CTCP CTCP Container Việt Nam (VSC), CTCP Cảng Đình Vũ (DVP) ghi nhận doanh thu thay đổi không đáng kể và biên lợi nhuận hoạt động sụt giảm, kéo theo suy giảm mạnh lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ (trừ DVP do có thu nhập bất thường). 

Cụ thể, đối với CTCP Gemadept, trong quý I, công ty ghi nhận doanh thu tăng lần lượt 2,5% so với cùng kỳ, đạt 901,9 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng tăng đáng kể lên mức 47,2%.

Song, lợi nhuận từ các công ty liên kết sụt giảm mạnh 83% khiến biên lợi nhuận hoạt động suy giảm còn 33,5% (từ 38,5% trong quý I/2022). Kết quả, Gemadept ghi nhận lợi nhuận ròng ở mức 254,8 tỷ đồng, giảm 20,4%. 

Mirae Asset cho biết, nhờ thoái vốn khỏi cảng Nam Hải Đình Vũ, Gemadept có thể ghi nhận một khoản lợi nhuận bất thường khoảng 1.000 tỷ đồng trong năm nay. 

Đơn vị chứng khoán trên dự báo, năm nay sản lượng và doanh thu cảng biển của Gemadept sẽ không đổi, nhưng doanh thu từ logistics có thể giảm, tổng doanh thu và lãi sau thuế năm nay của công ty lần lượt là 3.785 tỷ đồng, giảm 3,3% và 2.389 tỷ đồng, tăng 107%.

Đối với CTCP Container Việt Nam, quý I, doanh nghiệp ghi nhận nhận doanh thu 467 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Song, nhu cầu logistics và thông quan giảm dẫn đến chi phí tăng và gây áp lực giảm tỷ suất lợi nhuận gộp, giảm xuống 29,4%.

Ngoài ra, các chi phí trong kỳ của công ty lần lượt tăng cao khiến, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm 61%, còn 42,8 tỷ đồng. 

Theo dự phóng của Mirae Asset, trong năm nay do công suất tăng, doanh thu của Container Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên 2.230 tỷ đồng. Song, chi phí hoạt động và chi phí tài chính tăng tạo áp lực làm biên lợi nhuận sau thuế giảm 52,4% còn 187 tỷ đồng.

Mirae Asset cho biết thêm, việc sản lượng chung suy giảm cũng làm gia tăng sự cạnh tranh giá ở các cụm cảng biển, tác động tiêu cực lên biên lợi nhuận. 

Đối với những công ty hoạt động chủ yếu ở mảng vận tải biển như CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH), áp lực từ sản lượng suy giảm cùng với giá vận tải biển trở về mức thấp giai đoạn 2011 - 2019 sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận trong các quý tiếp theo của năm nay.

Cụ thể, trong quý I, Xếp dỡ Hải An đạt doanh thu 655 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ, song, giá vận tải biển ở mức thấp cũng như nhu cầu vận tải suy yếu khiến biên lợi nhuận gộp cả công ty sụt giảm mạnh về mức 29,4%, trong khi cùng kỳ ở mức 52%.

Kết quả công ty đạt lợi nhuận sau thuế 126,4 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ.

Sau khi tăng vọt trong năm 2022, Mirae Asset cho rằng, kết quả năm nay của Xếp dỡ Hải An sẽ trở lại mức của năm 2021 do giá vận chuyển đã hạ nhiệt. Mirae Asset dự báo doanh thu và lãi ròng của công ty lần lượt là 2.824 tỷ đồng (giảm 12%) và 414,4 tỷ đồng (giảm 50%). 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.