Ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển. |
Nhiều chính sách ưu đãi
Cho đến nay, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm chế biến mới chỉ đạt 7,6 tỷ USD với 521 dự án, trong đó Singapore dẫn đầu với 1,8 tỷ USD, Hà Lan 1,2 tỷ USD, Nhận Bản 0,58 tỷ USD... đầu tư của các đối tác lớn còn hạn chế.
Theo ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian vừa qua, ngành nông nghiệp phát triển mạnh, xuất khẩu hàng năm đạt trên 30 tỷ USD các mặt hàng nông sản thực phẩm. Bên cạnh đó, thị trường nội địa với trên 92 triệu dân, thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng với nhiều lợi thế ưu đãi về thương mại.
Việt Nam có nguồn nguyên liệu thô hết sức phong phú. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực trong ngành chế biến thực phẩm thời điểm này được hưởng ưu đãi về đầu tư như: sản xuất máy móc, công cụ, ưu đãi trong xuất khẩu, tìm kiếm thị trường...
Không chỉ phát triển toàn diện từ nguyên liệu đến nhà máy chế biến, lĩnh vực công nghiệp thực phẩm còn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài với nhiều yếu tố như: Thị trường có sức tiêu thụ lớn, xu hướng tiêu dùng và gia tăng thu nhập ngày càng tăng. Lượng thực phẩm tiêu thụ bình quân đầu người năm 2015 tăng khoảng 17% và sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.
Còn nhiều dư địa phát triển
Nhận định về tiềm năng đầu tư trong ngành công nghiệp thực phẩm, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, (Bộ Công Thương) cho rằng, với GDP tăng trung bình 6% trong giai đoạn 2010-2015, mội trường đầu tư Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư lớn, nhiều thương hiệu lớn.
Đặc biệt, dư địa về công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp thực phẩm còn lớn. Ước tính đến năm 2020 mới chỉ có khoảng 1.000 doanh nghiệp phục vụ 45% nhu cầu trong nước. Ngành công nghiệp thực phẩm cũng có nhiều lợi thế về xuất khẩu. Hiện nhiều nước trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga... đã cam kết cắt giảm và xóa bỏ nhiều dòng thuế với những mặt hàng thế mạnh Việt Nam.
Đực đánh giá là nước có nguồn nguyên liệu phong phú rất thích hợp cho ngành công nghiệp thực phẩm phát triển. |
“Mặc dù nông sản Việt Nam rất phong phú, đa dạng nhưng chúng ta mới chủ yếu xuất thô, chế biến sâu còn hạn chế. Bên cạnh đó tỉ lệ doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực này còn rất ít chỉ khoảng 1%, doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, chế biến cũng còn hạn chế, chủ yếu là sản xuất theo mô hình nông hộ”, ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết.
Để thúc đẩy FDI trong chế biến thực phẩm, theo các chuyên gia, các địa phương cần chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu nông sản cho nhà đầu tư gắn với các hình thức chuyển giao quyền sử dụng đất từ nông dân sang nhà đầu tư trên cơ sở thỏa thuận theo quy định của Luật đất đai hiện hành.