Mỗi dịp Tết về, chỉ có trẻ con là háo hức còn người lớn thì lúc nào cũng tất bật với bao nỗi lo. Thậm chí, với nhiều người, Tết còn là nỗi ám ánh lớn trong năm. Bởi lẽ, Tết đồng nghĩa với việc phải dọn dẹp nhà cửa, tốn nhiều tiền để chuẩn bị quà cáp biếu xén rồi mừng tuổi các con các cháu, mua sắm đồ để làm cỗ. Chị em phụ nữ thì tối ngày bên mâm cơm, làm cơm rồi rửa bát, còn các anh thì ngồi nhậu, từ tân niên tới tất niên. Bảo là nghỉ dài ngày nhưng làm gì có ai rảnh mấy ngày Tết đâu?
Tết đến là cả một đống việc đang chờ (Ảnh minh họa) |
Tôi không hiểu, tại sao Tết cứ ở nhà với những “điều bắt buộc hiển nhiên”? Càng lớn, lấy chồng rồi sinh con tôi càng đâm ra ghét Tết, chỉ mong cái ngày này qua mau mau. Quê chồng ở xa nên năm nào hai vợ chồng cũng phải thu xếp sớm để về quê nội, tất bật dọn nhà, gói bánh chưng rồi làm cơm tất niên.
Mà ở quê, họ hàng coi trọng ngày Tết nên ăn uống 3 bữa đều rất linh đình, chỉ khổ đám con dâu cứ vùi mặt vào làm cỗ rồi rửa bát. Thoát mấy ngày Tết, vợ mệt mỏi phờ phạc đâm cáu gắt, chồng thì uống nhiều rượu bia, hại dạ dày còn con thì khóc lóc vì ốm đau, đi xa liên tục mấy ngày lại không ăn uống điều độ. Thật chẳng khác gì đánh trận! Năm nào vào dịp này là vợ chồng tôi cũng phải có vài ba trận cãi nhau bởi bao thứ đổ lên đầu, tốn kém bao tiền mà chẳng giải quyết được gì.
Nhìn người nước ngoài đón Tết mà thèm (ảnh minh họa) |
Ngẫm mình rồi lại nhìn ra thế giới mà thèm, ở nước ngoài, Tết người ta sum họp với gia đình có ngày sau đó đi chơi, đi du lịch để hưởng thụ cuộc sống. Cứ bảo hội nhập quốc tế, nhưng không biết đến bao giờ Việt Nam mới tiến bộ được nếu cứ giữ khư khư mãi những cái lạc hậu.
Biết là truyền thống nhưng Tết chỉ cần gia đình sum họp, ăn cơm tất niên rồi đón mùng 1 bên nhau, thăm nội ngoại tôi nghĩ là đủ rồi. Còn mấy ngày nghỉ sau đó cả gia đình có thể đi du lịch đâu đó để thư giãn. Thăm họ hành thì lúc nào thăm chẳng được, mà thân nhau cũng đâu phải bởi vài ba câu chào hỏi xã giao chẳng nên chuyện ngày Tết.
Lì xì thì khỏi nói, xưa đấy là tục lấy may đầu năm còn nay chỉ gọi là cái lễ có đi có lại, anh lì xì con tôi thì tôi đáp trả lại con anh. Giờ thử mừng tuổi tờ 2 – 3 nghìn lấy may đầu năm xem có ai thèm không hay lại mang tiếng kẹt xỉ, không biết sống?
Nhiều phong tục ngày Tết giờ chỉ mang tính hình thức (ảnh minh họa) |
Mấy năm trước, tôi kiên quyết bàn với chồng Tết cả nhà đi thăm ông bà ngoại trước còn chỉ về quê nội mấy ngày, mùng 2 đi du lịch. Từ đó, tôi thấy Tết mới đúng nghĩa ngày vui, từ vợ chồng tới con cái đều mong Tết. Nhưng không hiểu sao mấy bà hàng xóm cứ lời ra tiếng vào kêu vợ chồng tôi sống ở thành phố có khác, chẳng giống ai cả, bất hiếu, sau này con cái nhìn vào học tập thì biết…
Tôi nghe rồi cũng cho qua nhưng nghĩ sao cùng phận gái, đã chẳng cảm thông cho nhau thì thôi mà họ còn muốn tất cả phải vất vả. Có ai bắt họ phải thế đâu, cứ cặm cụi việc nhà mấy ngày Tết xong than vãn, trách móc mà thấy nhà người khác đi chơi lại nói này nói nọ. Đúng kiểu không dám làm nhưng thấy người khác sướng thì lại tức con mắt.
Lựa chọn đi du lịch ngày Tết để cả gia đình thoải mái (ảnh minh họa) |
Ở nước ngoài việc đi du lịch Tết là hết sức bình thường. Thậm chí các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, tôi thấy phong trào đi du lịch ngày Tết giờ cũng phổ biến. Đầu năm là dịp nghỉ ngơi thư giãn và giải trí, còn cách họ chọn giải trí như thế nào thì tùy mỗi người, đâu phải cứ ru rú ở nhà rồi lặn lội đi nhà bác nọ đếm thăm chú kia mới là Tết.
Tôi thấy đó chỉ là cái vỏ bọc hình thức bên ngoài còn tình cảm thì vun đắp cả năm rồi, tốt xấu gì mấy ngày Tết? Tại sao không thể đi du lịch đâu đó cho thư thả? Chỉ những ai cổ hủ mới ở nhà mấy ngày Tết.
(Bài viết mang quan điểm cá nhân)