Nghịch lý Triều Tiên: Yếu nhưng vô cùng nguy hiểm

Nhiều thập kỷ qua, Triều Tiên là quốc gia nhỏ và nghèo duy nhất chống đối quyết liệt với nhiều đời tổng thống Mỹ liên tiếp dựa vào át chủ bài vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Lịch sử và những diễn biến nội bộ của Triều Tiên lâu nay buộc các nhà lãnh đạo nước này phải theo đuổi chương trình tên lửa và hạt nhân bằng mọi giá. Thế giới cũng không nhiều giải pháp để đối phó hay hạn chế Bình Nhưỡng, còn Tổng thống Obama từng cảnh báo Tổng thống Trump rằng Triều Tiên sẽ là mối đe dọa nguy hiểm nhất.

Lo sợ xáo trộn nội bộ

Chương trình vũ khí Triều Tiên thực chất là yếu tố trọng tâm của chiến lược để đối phó với mối đe dọa còn lớn hơn kẻ thù nước ngoài: duy trì sự ổn định nội bộ. Phần lớn giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Hàn Quốc và Triều Tiên hầu như ngang ngửa nhau về tốc độ phát triển kinh tế và chính trị. Cả hai nước đều tuyên bố họ mới là chính phủ xứng đáng để dẫn dắt người dân trên bán đảo.

nghich ly trieu tien yeu nhung vo cung nguy hiem

Quân nhân Triều Tiên trong lễ duyệt binh cuối tuần qua. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, đến thập niên 1990, Hàn Quốc chứng kiến sự thay đổi vượt bậc về kinh tế và nền chính trị, bỏ xa Triều Tiên.

Kể từ đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-il, cha của Kim Jong-un, ban hành chính sách "tiên quân" hay ưu tiên quân đội trước hết, đưa đất nước vào tình trạng sẵn sàng chiến tranh. Chính sách này tạo điều kiện giúp Triều Tiên duy trì lực lượng quân sự hùng hậu và thiện chiến, trấn an tình hình nội bộ và vận động tinh thần chủ nghĩa dân tộc.

B.R.Myers, một học giả nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Dongseo (Hàn Quốc) cho biết: "Giai đoạn đó, các nhà lãnh đạo Triều Tiên cảm thấy lo lắng về một khủng hoảng chính danh chứ không phải lo sợ bị tấn công từ bên ngoài, khiến họ phản ứng khiêu khích hơn trên trường thế giới".

Ngày nay, tình hình và chế độ lãnh đạo ở Bình Nhưỡng đã duy trì sự ổn định. Tuy nhiên, người dân thì luôn trong tình trạng cận kề chiến tranh.

Luôn sẵn sàng cho chiến tranh

Chiến tranh Triều Tiên về mặt kỹ thuật là chưa kết thúc do giữa các bên chưa chính thức ký hiệp ước hòa bình. Khi Liên Xô sụp đổ, Bình Nhưỡng bỗng trở nên đơn độc trong cuộc đối đầu với Mỹ và các đồng minh.

Ban lãnh đạo Bình Nhưỡng không muốn rơi vào tình trạng thống nhất như nước Đức (thống nhất Đông Đức và Tây Đức) mà họ có thể ở thế yếu nên tìm cách thể hiện các bên sẽ trả giá đắt nếu tính chuyện động binh.

Các vụ thử hạt nhân và tên lửa cùng nhiều diễn biến được cho là khiêu khích buộc các nước dè chừng Triều Tiên phải có trách nhiệm quản lý khủng hoảng tránh để tình hình xấu đi.

Thoạt đầu, các nhà phân tích cho rằng chương trình vũ khí Triều Tiên là một đòn mặc cả lớn đối với Mỹ. Nhưng sau nhiều năm thậm chí cố tình dấy lên nguy cơ chiến tranh, Bình Nhưỡng khiến các nước nhận ra rằng hạt nhân hay tên lửa của họ không chỉ hữu dụng về mặt biểu tượng mà còn là sự cần thiết chiến lược.

Sau khi dấy lên chừng ấy mối đe dọa với các nước láng giềng, Triều Tiên khó lòng mà bỏ ngang tham vọng vũ khí mà không lo ngại bị tấn công. Đây là điều có thể hiểu được, khi giải trừ quân bị có thể kéo theo hậu quả.

nghich ly trieu tien yeu nhung vo cung nguy hiem
Một tên lửa mà Triều Tiên giới thiệu trong sự kiện ngày 15/4. Ảnh: CNN.

Chấp nhận rủi ro khắc nghiệt

Các tính toán của Triều Tiên được cho là nhằm đạt đến mục tiêu cụ thể: Một quốc gia đủ mạnh để tồn tại sau chiến tranh tổng lực với Mỹ.

Đây cũng là mục tiêu của những cường quốc khác như Nga, Trung Quốc đặt ra khi đầu tư lớn vào nghiên cứu và chế tạo. Một nước nhỏ và nghèo như Triều Tiên khó lòng bì kịp, nên họ đánh cược bằng cách sẵn sàng chấp nhận rủi ro ở mức khắc nghiệt.

Các nhà quan sát cho rằng kế hoạch của Triều Tiên là chặn sự xâm nhập của Mỹ bằng cách phát động không kích tên lửa vào những cảng, phi trường mà quân đội Mỹ có thể tiến vào bán đảo Triều Tiên. Sau đó, Bình Nhưỡng đe dọa bắn tên lửa tới các thành phố lớn của Mỹ để buộc Mỹ phải lùi bước.

Bằng các tuyên bố này, Triều Tiên cũng có thể đồng thời đe dọa nhiều đối thủ trong thời bình.

Ngòi nổ cho leo thang hạt nhân

Triều Tiên hoàn toàn biết rằng họ sẽ không trụ vững trước một cuộc tấn công tổng lực từ Mỹ, nên giải pháp duy nhất của nước này là dồn dập tấn công hạt nhân ngay từ lúc khởi đầu.

Triều Tiên cũng lo ngại Mỹ có thể nhanh chóng xóa sổ dàn lãnh đạo nước này bằng những vụ không kích chớp nhoáng, nên Bình Nhưỡng sẽ quyết ngăn chặn bằng hàng loạt trả đũa hạt nhân.

nghich ly trieu tien yeu nhung vo cung nguy hiem

Tên lửa tầm xa Unha-3 của Triều Tiên. Ảnh: AP.

Khi đó, điều nghịch lý là chính cái yếu thế của Triều Tiên lại hạn chế khả năng hành động của Mỹ. Tấn công phủ đầu hoặc không kích làm suy yếu chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên sẽ có nguy cơ "chọc giận" Bình Nhưỡng. Từ đó, với nỗi sợ về một chiến tranh toàn diện, Triều Tiên sẽ sẵn sàng châm ngòi cho xung đột hạt nhân.

Chính quyền Tổng thống Nixon từng đối mặt với vấn đề này vào năm 1969 khi Triều Tiên bắn hạ máy bay của Hải quân Mỹ khiến 31 người thiệt mạng. Dù Mỹ sẵn sàng dội bom ở nhiều nước khác, ông Nixon cho rằng ngay cả một động thái trả đũa biểu tượng với Triều Tiên cũng rất nhiều rủi ro.

nghich ly trieu tien yeu nhung vo cung nguy hiem
Tương quan lực lượng quân sự giữa 2 miền Triều Tiên. Đồ họa: Forbes.

Sức chịu đựng có một không hai

Nếu như Iran sẵn sàng nhượng bộ chương trình hạt nhân để đổi lại dỡ bỏ cấm vận, Triều Tiên đã chứng tỏ khả năng chịu đựng của nước này vượt xa Iran dù trải qua nhiều thiên tai và nạn đói.

Đó là lý do khiến nhiều nhà phân tích cũng hoài nghi việc tình hình có thể thay đổi ngay cả khi Trung Quốc sẵn sàng giúp sức và gia tăng áp lực với Triều Tiên. Dù Trung Quốc là nước trợ giúp kinh tế chủ yếu cho Triều Tiên, Bắc Kinh cũng từng đối mặt một số hành động khiêu khích từ Bình Nhưỡng khi họ cảm thấy mình bị thử thách.

Ngoài ra, chương trình vũ khí của một số nước như Iraq phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu hoặc sự trợ giúp từ bên ngoài. Trong khi đó, các vũ khí của Triều Tiên hoàn toàn do chính họ phát triển.

Điều này có nghĩa, dù cơ sở sản xuất hoặc lưu trữ có bị phá hủy hay đóng cửa, những kiến thức này của Triều Tiên vẫn duy trì và lưu truyền. Tấn công mạng chỉ có tác dụng kiềm hãm tiến độ của nó.

Triều Tiên được cho là đã triển khai hàng loạt tên lửa tầm ngắn và tầm trung khắp đất nước. Những kế hoạch không kích để tiêu diệt các vũ khí này sẽ khó mà thành công hoàn toàn và không vấp phải phản kháng nào từ Triều Tiên.

Trong khi đó, thủ đô Seoul với 25 triệu dân của Hàn Quốc chắc chắn sẽ là mục tiêu. Mọi kế hoạch không kích nhằm giải giáp Triều Tiên sẽ cần phải đặt yếu tố mức độ chấp nhận rủi ro đến đâu lên hàng đầu.

nghich ly trieu tien yeu nhung vo cung nguy hiem
Một nhà máy của Triều Tiên ở bên bờ sông đối diện thành phố Dandong của Trung Quốc. Triều Tiên đã chứng tỏ không khuất phục dù tình hình kinh tế xấu đi do thiên tai và cấm vận. Ảnh: AFP.

Lo ngại dẫn đến thảm họa

Mọi thỏa thuận để khiến Triều Tiên sẽ chấp nhận sẽ khiến Mỹ và các đồng minh chịu giá đắt. Triều Tiên có thể sẽ yêu cầu sự công nhận quyền được tiếp tục các chương trình vũ khí của họ; một tuyên bố từ Mỹ rằng chính phủ Triều Tiên là hợp pháp và Mỹ sẽ không tìm cách lật đổ; dỡ bỏ các cấm vận quốc tế; rút lui hoặc giảm số lượng binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc.

Joshua H. Pollack, biên tập viên tạp chí Không phổ biến vũ khí hạt nhân, nói mục tiêu của Triều Tiên là muốn kết thúc mối liên minh của Mỹ với các nước trong khu vực. Đó cũng là cách xóa đi những mối đe dọa đối với họ.

Tuy nhiên, việc Mỹ rút quân dù một phần hoặc đầy đủ cũng khiến quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản xấu đi, tăng cường vị thế cho Triều Tiên nhưng giảm dần ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á.

Daryl G. Kimball, giám đốc Hội Kiểm soát Vũ trang, cảnh báo tình hình sẽ càng xấu đi "nếu vòng xoáy hành động - phản ứng cứ lặp đi lặp lại. Nó không chỉ làm lu mờ triển vọng phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thậm chí còn gia tăng nguy cơ một cuộc chiến hạt nhân tàn khốc".

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.