Đoàn công tác về thăm và trao quà cho lớp học xóa mù chữ. |
Sinh sống ở khu vực khó khăn, lại là đồng bào dân tộc thiểu số nên người dân xã Long Sơn (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) chỉ lo việc đồng áng mà bỏ qua chuyện học. Nên trong các lần giao dịch, làm giấy tờ người dân không biết chữ không thể kí tên mà phải dùng tay điểm chỉ.
Nhận thấy những khó khăn trên, UBND xã đã có chủ trương, đề xuất lên UBND huyện để mở lớp xóa mù chữ và được chấp thuận. Đến tháng 7/2013, UBND xã đã phối hợp với trường Tiểu học Kim Đồng mở lớp xóa mù chữ cho người dân nơi đây.
Học viên đa số là phụ nữ trung niên suốt ngày tất bật với công việc đồng áng, riêng đàn ông vì nhiều lý do nhưng chủ yếu là ngại nên không đến lớp. Với nước da ngăm đen vì nắng gió, nhiều chị vẫn còn lem luốc vì lỡ công việc đồng áng rồi chạy thẳng đến lớp. Có người còn địu con để tiếp thu con chữ.
Ngồi chăm chú nhìn những trang sách và nắn nót viết từng nét chữ, chị Hoàng Thị Thắng (SN 1967) chia sẻ: “Mình chỉ mới theo học lớp xóa mù chữ vào năm nay nhưng rất vui và phấn khởi. Đến đây, được các cô dạy, được biết cái chữ, lên làm giấy tờ không phải đóng dấu vân tay như trước nữa. Giờ mình có thể viết, kí tên nên cảm thấy tự tin hơn nhiều”.
Chị Thắng còn cho biết, lúc mới bắt đầu vào học chị gặp rất nhiều khó khăn, vì gần nửa cuộc đời chị chưa một lần được cầm bút viết. “Bao nhiêu năm làm nương rẫy, mình chỉ biết cầm cuốc, trồng trọt nên khi cầm bút viết run lắm. Ngày đầu chưa quen nên chữ mình xấu lắm, đọc còn không ra cơ, nhưng giờ đỡ hơn nhiều rồi”, chị Thắng cười vui.
Hay như trường hợp cụ Hà Thị Séo (lô 2, thôn Tây Sơn, xã Long Sơn) tuy đã 75 tuổi nhưng vẫn chăm chỉ đến lớp mỗi ngày mặc cho mưa gió.
“Tôi thích đi học lắm, đến đây đông người nên vui. Chứ thứ 7 chủ nhật không được học lại buồn, chỉ mong đến thứ 2 để được đi học thôi. Trước đây, chồng tôi cấm không cho đi học nhưng tôi quyết tâm đi. Mới đầu cũng xấu hổ vì mình lớn tuổi nhất lớp mà không biết chữ, nhưng nghĩ lại phải biết con chữ để còn làm việc này việc kia, rồi còn làm gương cho con cháu nữa chứ”, bà Séo tâm sự.
Nhiều học viên đã lớn tuổi nhưng vẫn đi học chuyên cần. |
Bà Séo mang cuốn vở Toán được cô giáo chấm điểm cho chúng tôi xem, bà khoe những điểm cô chấm đúng, những chỗ cô khen. Gương bà lúc đó mặt ánh lên sự vui mừng và hạnh phúc.
“Đi học có thêm bạn bè, có người nói chuyện, chia sẻ kiến thức nên thích lắm. Những người đi học trước chỉ dạy cho tôi nhiều, còn kêu tôi đi học mới biết nhiều cái hay chứ ở nhà không biết gì đâu nên khiến tôi có động lực đi học hơn”, bà Séo thổ lộ.
Vừa qua, ông Phạm Sỹ Bỉnh, Phó vụ trưởng vụ Giáo dục Thường xuyên và ông Trần Sỹ Thành, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cùng đoàn công tác giáo dục đã có chuyến thăm lớp học xóa mù chữ tại đây. Đoàn công tác từ bất ngờ này qua bất ngờ khác khi các học viên dù đã lớn tuổi nhưng vẫn chăm chỉ đến lớp mỗi ngày.
“Việc học con chữ đối với trẻ nhỏ đã khó nay với người trung niên lại càng khó khăn hơn, nhưng không vì thế mà việc học giảm sút. Đồng bào nơi đây đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để học con chữ. Bên cạnh đó cùng với sự đầu tư, góp sức của chính quyền địa phương và giáo viên trường Tiểu học Kim Đồng đã góp phần duy trì 3 khóa học. Chúng tôi hy vọng thầy cô giáo sẽ vận động được nhiều học viên đến lớp hơn nữa”, ông Phạm Sỹ Bỉnh nói.