20 năm trước, Ngô Thanh Vân trở về Việt Nam và bắt đầu bén duyên nghệ thuật bằng vai trò người mẫu. Tiếp đó, cô thử sức với âm nhạc khi được sự dìu dắt của nhạc sĩ Quốc Bảo.
Với giọng hát không được đánh giá cao, nhan sắc không thuộc hàng mỹ nhân vì thế khi bước qua điện ảnh, không ai kỳ vọng cô làm nên chuyện.
Tuy vậy, Ngô Thanh Vân đã khiến khán giả, đồng nghiệp nể phục sau hàng loạt vai diễn, dự án điện ảnh đình đám. Đặc biệt, với Hai Phượng, cô đã tạo nên một dấu mốc cho phim hành động Việt sau 10 năm "ngủ đông".
Cô khẳng định yếu tố tạo nên thành công của bản thân không gì khác ngoài sự nỗ lực.
- Thành công của phim ‘Hai Phượng' có ý nghĩa như thế nào với chị?
Có thể nói, Hai Phượng là thành quả đỉnh điểm khi tôi cố gắng hết mình. Tôi đã dồn tất cả thời gian, công sức đến sức khỏe, tiền bạc cho dự án này từ những ngày đầu.
Mỗi khi bắt tay vào một công việc gì đó, tôi chỉ biết cố gắng, dốc hết sức lực. Còn việc có thành công, được khán giả yêu mến hay không là diễn biến nằm ngoài khả năng dự đoán.
Khi hoàn thành Hai Phượng và đem giới thiệu cho các nhà sản xuất, hầu hết mọi người đều đánh giá đây là bộ phim rất kén khán giả. Chưa kể phim được gắn mác NC 18 (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi).
Điều này khiến tôi chịu nhiều áp lực, lo lắng trong quá hình làm hậu kỳ, trau chuốt lại hình ảnh và quảng bá phim. Cảm giác này nặng nề hơn gấp 10 lần quá trình quay phim vất vả trước đó.
Đến khi phim được ra rạp, tôi lại có cảm giác nghi ngờ bản thân, tự hỏi liệu mình đã nắm được thị hiếu của khán giả hay chưa. Thời điểm đó, suất chiếu của phim hài quá nhiều, còn dòng phim hành động đã lâu rồi chưa có sản phẩm.
Đến hiện tại, tôi vẫn không nghĩ sẽ có cảnh khán giả "rần rần" kéo nhau đi xem phim của mình. Những ngày đầu công chiếu, tôi còn tự hỏi: "Khán giả đi xem thật sao?". Trong tôi là cảm giác mơ hồ, không tin đó là sự thật.
- Bản lĩnh, tự tin, nhiều kinh nghiệm nhưng chị vẫn còn quá nhiều cảm giác hoài nghi bản thân. Vì sao vậy?
Ít khi nào tôi dám tự hào về bản thân, chỉ dám ghi nhận cho đến khi có người nói. Như chia sẻ ở trên, tôi luôn làm hết sức mình trong mọi công việc. Trong quá trình làm nghề, tôi tin rằng khán giả luôn thấy ở Ngô Thanh Vân hiện lên rõ ràng nhất ở sự nỗ lực.
Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ mình quá giỏi ở lĩnh vực nào. Tôi không phải tuýp người cho rằng mình đã đứng ở đỉnh cao và có quyền vỗ ngực xưng tên.
Mẹ tôi là khán giả có thể nói là khó tính nhất từ trước đến nay, ít khi nào khen con gái. Nhưng lần này, mẹ đã nói với tôi và các anh em rằng: "Mừng cho bé Vân vì phim này thắng". Trong mắt mẹ, tôi khá "lận đận, lao đao", là phụ nữ nhưng chỉ biết lao đầu vào công việc mà không lo chuyện chồng con.
- Chị từng chia sẻ ước mơ được một lần chạm tay đến mặt trăng, vậy với "Hai Phượng", liệu chị đã thực hiện được giấc mơ đó chưa?
Theo tôi, đỉnh điểm của con người đều do chính bản thân họ đặt ra. Dĩ nhiên, chỉ chính họ mới biết mình đã chạm đến vạch đích đó hay chưa.
Khi còn trẻ, tôi luôn nghĩ vạch đích của mình là những giải thưởng, phải cầm được một chiếc cúp, vương miện trên đầu, phải nhận được một số tiền thưởng, xung quanh là pháo hoa thì mới được gọi là thành công.
Nhưng qua quá trình làm nghề, tôi nghiệm ra được một điều rằng đích đến của tôi là sự thỏa mãn bản thân chứ không thể quy đổi ra bất cứ giá trị vật chất nào.
Nếu Hai Phượng chỉ đơn thuần là một bộ phim hay, chưa chắc tôi đã có cảm giác đủ đầy. Nhưng điều mà bộ phim này đã làm được chính là đem lại sự tự hào cho khán giả. Mọi người có quyền được xem một bộ phim được thực hiện nghiêm túc và chuyên nghiệp.
Nói thật, nếu đem con số doanh thu ra, chưa chắc tôi có thể hiểu rằng phim thành công đến mức nào. Nhưng qua cách nhìn nhận của mọi người, khán giả và của cả những người trong nghề, tôi nhận ra mình đã làm được một điều gì đó. Đó mới là điều khiến tôi thật sự cảm nhận mình đã chạm đến đích đến. Tôi cảm thấy hạnh phúc.
- Còn thành công của "Dòng máu anh hùng" - bộ phim đưa chị lên danh xưng đả nữ của màn ảnh Việt - vẫn chưa đủ khiến chị thỏa mãn?
Cách đây 10 năm, bước ngoặt Dòng máu anh hùng cùng sự ra đời của danh xưng “đả nữ” khiến tôi rất vui. Nhưng thời điểm đó, tôi còn quá trẻ, chưa đủ chín chắn, sự trưởng thành nên chưa hiểu được hai chữ “hạnh phúc” như hiện tại.
Trước đây, tôi vui hay không? Dĩ nhiên là có. Nhưng từ cái vui đó tôi lại chưa biết được thế nào là tự hào, chưa biết trân quý những điều vô giá đó.
- Gặt hái nhiều, ắt hẳn phải đi cùng với sự trả giá ở khía cạnh nào đó. Với chị lần này là gì?
Đó là sức khỏe. Thời điểm tôi bị chấn thương trong những ngàyquay đầu tiên đã khiến tinh thần tôi lung lay thật sự. Ở tuổi này, tôi nói thật là rất sợ những vấn đề liên quan đến sức khỏe, từ đó càng ý thức việc phải có sức lực thì mới có thể làm tiếp.
Do đó, tôi đã phát biểu rằng đây sẽ là bộ phim hành động cuối cùng của mình để có thể tập trung lui về hậu trường, làm công việc sản xuất. Việt Nam vẫn còn rất nhiều diễn viên trẻ, có tài, có thể giúp điện ảnh trong nước đi lên.
- Được biết để hoàn thành "Hai Phượng", chị đã từ bỏ nhiều cơ hội trong các dự án lớn ở Hollywood. Có thể gọi đây là một sự "đánh đổi?
Trước đây, tôi nhận lời tham gia 3 dự án có thể nói là thuộc 3 đẳng cấp khác nhau về sản xuất là Ngọa hổ tàng long, Bright và Star war, với mong muốn học cách sản xuất chuyên nghiệp. Thực chất, trong các dự án đó, tôi chỉ tham gia vai nhỏ, có vai trò "background" (làm nền), không quá to tát.
Mỗi dự án đó, tôi phải dành 3- 6 tháng chuẩn bị cho khoảng hơn 10 ngày quay. Tôi nhận được số tiền cao, bằng cả năm thu nhập ở Việt Nam, tuy nhiên 3 tháng đó cũng rất vô vị và vai diễn cũng quá nhỏ bé. Tôi cảm giác, quãng thời gian đó mình không thể cống hiến bất cứ thứ gì.
Trở lại với Hollywood, sau 3 dự án đó, tôi quyết định không đóng phim Mỹ nữa mà trở về Việt Nam sản xuất. Tôi nghĩ đơn giản, “dù trong dù đục, quê nhà vẫn hơn”. Sau những học hỏi ở nước ngoài, tôi biết cân đo đong đếm, phát huy những gì mình tốt nhất. Nhờ vậy mà Hai Phượng mới được ra đời với hạn chế những khiếm khuyết nhất có thể.
Còn việc phát triển ở Hollywood, tôi nghĩ một cách thực tế rằng mình phải cố gắng rất nhiều, rất nhiều nữa. Muốn vươn lên ở thị trường này, bạn phải leo lên những bậc thang rất cao một cách chăm chỉ. Được giao vài vai nhỏ không đồng nghĩa với việc bạn sẽ bước lên một đẳng cấp cao hơn. Khó lắm.
Khi về Việt Nam, tôi nói thẳng với công ty quản lý của mình tại Mỹ rằng trong 3 tháng đó, tôi có thể làm được rất nhiều việc, 6 tháng có thẻ bắt đầu 2 dự án. Do đó, nếu không có vai OK hoặc vai quá nhỏ, tôi xin được từ chối đi casting.
- Không chỉ thành công ở Việt Nam, chị còn phát hành phim ở Mỹ, bán cho Netfix… Chị đã xây dựng mối quan hệ quốc tế thế nào?
Chúng tôi quay xong Hai Phượng vào tháng 5 năm ngoái và đến tháng 9 thì hoàn thành khâu hậu kỳ. Tuy nhiên, thời điểm đó, lịch phát hành phim tại Việt Nam quá chật chội, quá nhiều phim Việt được ra mắt trải dài xuyên suốt dịp Giáng sinh kéo đến Tết Nguyên đán.
Do đó, tôi và ê-kíp quyết định chờ đợi một điểm rơi thích hợp. Trong 5, 6 tháng chờ đợi đó, tôi cầm Hai Phượng đi Mỹ, đi LHP Cannes. Nói đúng hơn, tôi phải gõ cửa từng nhà phát hành mà mình may mắn có mối quan hệ trước đó để giới thiệu, mở phim của mình cho họ xem.
Sau khi xem Hai Phượng, họ rất ngỡ ngàng, không ngờ một bộ phim Việt lại làm được như vậy. Họ chúc mừng tôi và nhận phát hành ngay.
- Tự đến Cannes nhưng để đi "buôn", có thể hiểu Ngô Thanh Vân của hiện tại không còn mặn mà với thảm đỏ, hào quang phù phiếm?
Tôi đã đến độ tuổi mà những hào nhoáng bên ngoài không còn quan trọng nữa, chuyện có trang điểm hay không cũng không còn quan trọng. Bây giờ, việc ngồi mấy tiếng làm tóc, trang điểm khiến tôi rất khó chịu.
Tôi giống như muốn cả thế giới biết rằng: "Ngô Thanh Vân là như vậy đó". (cười) Nếu đọc được những chia sẻ này, chắc chắn mẹ tôi sẽ rất buồn vì bà mẹ nào mà không muốn con gái mình đẹp.
Nhưng biết sao được, tôi cảm thấy mình đã bước vào giai đoạn được mọi người nhìn nhận từ những sản phẩm chứ không phải những thứ phù phiếm. Nói chung, tôi hiện tại không cần chứng minh, chứng tỏ gì cả.
Hơn nữa, tôi nghĩ mình phải chấp nhận bản thân trước khi muốn người khác chấp nhận mình. Nếu tôi già thì cứ để già tự nhiên thôi. Nhưng tôi thấy mọi người vẫn nhận ra mình dù chỉ trang điểm nhẹ.
- 10 tuổi, phải xa gia đình, trở thành trẻ tị nạn để vượt biên sang Na Uy sinh sống, quãng thời gian trưởng thành nơi xứ người đóng góp những gì để làm nên Ngô Thanh Vân hiện tại?
Quãng thời gian đó lúc nào cũng ghi đậm sắc nét trong lòng, bởi đó là lần đầu tôi hiểu được cảm giác nếm trải cuộc đời.
Tôi rời Việt Nam lúc 10 tuổi, còn rất nhỏ. Tôi từ một cô bé có đầy đủ mọi thứ rồi mất hết tất cả, cảm giác rất kinh khủng. Tuy nhiên, tôi có may mắn khi Na Uy là một đất nước rất hiền lành.
Dù vậy, cảm giác cô độc là điều không thể tránh khỏi. Bạn hãy tưởng tượng cảm giác bước ra đường chỉ thấy tuyết phủ trắng xóa, dân cư thưa thớt. Trong hoàn cảnh đó, nỗi cô đơn càng bị đẩy lên đỉnh điểm, dễ khiến con người xa xứ bị trầm cảm.
Nhưng cũng nhờ nếm trải cuộc đời khá sớm nên tôi đã luyện cho mình cá tính cứng rắn cũng như sức chịu đựng mạnh mẽ hơn.
- Mới đây, khi nhắc lại câu chuyện này trong một bộ phim tài liệu, những giọt nước mắt hiếm hoi đã xuất hiện trên má chị. Có cảm giác sự ám ảnh của chia ly, mất mát vẫn còn tồn tại ở thì hiện tại?
Bất kỳ cảm giác nào cũng có thể theo mình dai dẳng, phụ thuộc vào việc bản thân mình có cho phép điều đó hay không?
Cho đến nay, càng làm được nhiều điều, càng có tuổi, sự cô độc ngày càng hiện lên rõ hơn. Nhưng điều này không phải là vấn đề, nói thật, tôi đã quen rồi.
- Thành công của chị hiện tại khiến khán giả phải so sánh chị và những người đồng nghiệp khác, có cùng xuất phát điểm. Cảm giác của chị thế nào khi bỏ xa họ?
Từ trước đến nay, tôi không bao giờ tính chuyện hơn thua với ai. Tuy nhiên, tôi lại có thói quen nhìn người khác có gì mà mình chưa có. Từ đó, tôi đặt ra những mục đích và phấn đấu. Nếu làm được rồi lại đi tiếp.
Hơn nữa, khi làm nghề, điều quan trọng nhất không phải là bạn mạnh hay yếu hơn người khác, mà bạn phải là người kiên định và biết nỗ lực. Điều đó giúp tôi có niềm tin rằng mình có thể không thắng ở sản phẩm này nhưng rồi sẽ thắng ở sản phẩm khác.
Rất may mắn khi điều này đã xảy ra với Hai Phượng. Và chính hai chữ "nỗ lực" cũng là yếu tố quan trọng nhất để có tôi ngày hôm nay, ngồi ở vị trí này.
- Vượt mặt, chiến thắng người khác quan trọng với chị ra sao?
Tôi chỉ nhìn người khác phấn đấu chứ không nhìn ở hướng ngược lại. Có lẽ cũng vì vậy mà tôi chỉ thấy người ta hơn mình ở nhiều điểm. Hơn nữa, họ không có mục tiêu giống mình, vì sao mình phải nhìn họ?
Bản thân tôi hiểu mình tốt và còn yếu ở điểm nào, từ đó liên tục đặt ra cho mình các câu hỏi và tìm cách khắc phục. Ví dụ, tôi luôn hỏi vì sao phim Việt không được phát hành ở Mỹ hoặc chỉ được phát hành rất lâu sau đó trong phạm vi nhỏ. Do đó, khi có cơ hội, tôi quyết tâm mày mò để tìm ra câu trả lời cho bằng được.
- Chị nghĩ gì về câu nói Ngô Thanh Vân giỏi hơn cả những người đàn ông?
Tôi không bao giờ dám nói ra điều đó vì ngoài xã hội còn có người này, người kia. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình cũng giỏi hơn một số người đàn ông. (cười)
- Sau những nỗ lực và sự kiên trì đó, Ngô Thanh Vân đã có trong tay những gì?
Tôi không thiếu gì hết, nhưng nhìn lại, cũng có thể tôi chẳng có gì cả. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng sự thật là vậy. Bản chất qua bao nhiêu năm phấn đấu, cái tôi có là danh tiếng và sự nghiệp. Nói thẳng ra, hai điều này không mang lại cho tôi thứ gì, nhưng nhờ nó mà tôi lại biết thế nào là sự tự hào và ghi nhận của khán giả.
Ngoài ra, tôi không giàu, không có gia đình, con cái. Tiền bao nhiêu tôi cũng đầu tư cả vào phim rồi.
- Hỏi thật, sự hưởng thụ, nghỉ ngơi liệu có tồn tại trong suy nghĩ của chị?
Có chứ, tôi vẫn dành thời gian cho bạn bè, tán gẫu, uống với nhau vài ly rượu. Tôi cũng đam mê trượt tuyết và thường có những chuyến đi sau mỗi dự án.
- Trong một trò chơi trên mạng, khi được đề nghị chọn điều phù hợp với mình, chị đã chọn "one night stand" - tình một đêm thay cho "mối quan hệ lâu dài". Lý do của chị là gì?
Sự nghiệp, công việc của tôi ở thì hiện tại có lẽ hơi khó để đầu tư cho một mối quan hệ lâu dài. Chuyện tìm được người nào nhẫn nhịn, nhẫn nại và phù hợp với tôi cũng không đơn giản. Mỗi lần gặp mẹ, tôi đều nhận được những câu hỏi, thúc giục về chuyện kết hôn còn tôi thì luôn tìm cách "né".
Còn trò chơi kia, trong vòng 3 giây phải đưa ra câu trả lời, tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ. (cười to).
Ảnh: Thuận Thắng