Ngôi vị 'công xưởng của thế giới' đang dần lung lay với Trung Quốc

Trung Quốc vẫn là “công xưởng của thế giới” khi chiếm khoảng 30% sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, việc tăng chi phí lao động khiến thị trường này không còn hiệu quả về mặt chi phí như trước. Theo Savills, đây chính là cơ hội để Việt Nam thu hút dòng vốn FDI.

Theo nhận định từ Savills, sau ba năm bị gián đoạn bởi đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu đang có những chuyển biến tích cực, dần trở lại trạng thái ổn định.

Theo đó, chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, đường hàng không đã trở lại mức trước đại dịch Covid-19; tàu chở container không còn tình trạng xếp hàng bên ngoài các cảng lớn và vấn đề “trễ hàng từ nhà cung cấp" của các doanh nghiệp cũng được cải thiện.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngành logistics, sản xuất và các ngành công nghiệp khác đã khôi phục hoàn toàn. Đại dịch và những biến động địa chính trị đã phơi bày sự mong manh của chuỗi cung ứng và tập trung hơn vào khả năng phục hồi. Trong khi đó, chi phí vẫn là yếu tố then chốt của các doanh nghiệp trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Cũng theo ghi nhận của Savills, các doanh nghiệp trên toàn cầu đang có những thay đổi trong cách tiếp cận về chuỗi cung ứng. Xu hướng này không chỉ đến từ việc họ phải đáp ứng với các căng thẳng địa chính trị và mô hình kinh tế mới mà còn được thúc đẩy bởi những thay đổi trong chính sách chiến lược của các chính phủ trên thế giới. 

Đặc điểm nổi bật duy nhất trong hơn 20 năm qua là sự bùng nổ về toàn cầu hóa, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Dù vậy, điều này đã được hạn chế dần do nhiều nước có xu hướng đề cao hơn về vấn đề an ninh và bảo hộ thương mại. Các chính phủ cũng đang tìm cách tăng năng suất nội địa đồng thời bảo vệ các ngành kinh tế chiến lược quan trọng.

Những biến động địa chính trị này có thể ảnh hưởng đến dòng vốn quốc tế đổ vào thị trường bất động sản. Điều này đã bắt đầu xảy ra ở một số nơi trên thế giới. Ngoài ra, những thách thức toàn cầu này cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về các loại bất động sản thương mại, đặc biệt là logistics và sản xuất, trên khắp các thị trường Mỹ, Châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn là “công xưởng của thế giới” khi chiếm khoảng 30% sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, việc tăng chi phí lao động ở Trung Quốc đồng nghĩa với việc thị trường này không còn hiệu quả về mặt chi phí như trước, đặc biệt khi các chính sách khuyến khích doanh nghiệp hồi hương và những lo ngại về an ninh toàn cầu đang diễn ra.

Hiện, nhiều công ty có cơ sở tại Trung Quốc đang tìm cách mở rộng hơn là thay thế các nhà máy hiện có. Chẳng hạn, Apple đã công bố kế hoạch đa dạng hóa ra khỏi Trung Quốc.

(Ảnh minh hoạ: Báo Chính phủ)

Trong bối cảnh này, các quốc gia như Việt Nam và Indonesia có thể được hưởng lợi nếu các công ty bắt đầu tìm kiếm các trung tâm sản xuất chi phí thấp khác ở châu Á, đặc biệt là trong các ngành lao động tập trung và ngành công nghiệp với lợi nhuận thấp. Ấn Độ cũng mang lại tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ cho các nhà đầu tư bất động sản thương mại trong tương lai.

Nhận xét về xu hướng, ông John Campbell, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ BĐS Công nghiệp Savills Việt Nam, cho biết Việt Nam đang được số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Cụ thể, ở khu vực phía Bắc đang chứng kiến nguồn cầu trong ngành công nghiệp điện tử ở mức cao. Còn tại miền Nam, Savills cũng ghi nhận nhu cầu rất đa dạng, từ logistics, hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm, thực phẩm và đồ uống.

Về mặt quốc gia, Savills ghi nhận số lượng doanh nghiệp châu Âu tăng so với trước COVID-19 như Đức, Pháp. Đây là kết quả của các hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam. Các nhà đầu tư châu Á cũng quan tâm đến thị trường miền Nam, như Đài Loan đang có mong muốn đầu tư.

Ông John Campbell dự báo nửa cuối năm nay sẽ ghi nhận những triển vọng tăng trưởng. Bất chấp các dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu, các tín hiệu vẫn được kỳ vọng khá tích cực.

“Mặc dù có nhiều sự trì trệ trong việc ký kết hợp đồng cho thuê mới nhưng nhiều công ty nước ngoài đã và đang cân nhắc Việt Nam trong năm nay, và họ vẫn đang tìm cách gia nhập thị trường.

Nửa đầu năm ngành sản xuất gặp khó khăn, sản xuất công nghiệp giảm sút. Song tình hình đang dần thay đổi, kỳ vọng nửa cuối năm sẽ có nhiều tín hiệu triển vọng hơn cho với các nhà sản xuất, nhà đầu tư và các công ty logistics. Hy vọng đến cuối năm sẽ là một cú lội ngược dòng phát triển ngoạn mục”, ông nhấn mạnh.

chọn
[Photostory] Một doanh nghiệp sắp làm dự án nhà ở trên khu đất 2,7 ha cạnh Vinhomes Smart City
Dự kiến từ tháng 5/2024, Confitech sẽ bắt đầu GPMB để triển khai xây dựng Khu nhà ở Tây Mỗ tại quận Nam Từ Liêm để hoàn thành vào tháng 12 năm nay. Khu đất dự án này có quy mô 2,7 ha, nằm tiếp giáp khu liền kề của Vinhomes Smart City