Báo cáo tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội của Savills Việt Nam cho thấy, tổng nguồn cung phân khúc văn phòng quý III đạt trên 2,1 triệu m2 từ 188 dự án, tăng 6% theo quý và 11% theo năm.
Văn phòng hạng B có nguồn cung lớn nhất với hơn một triệu m2, chiếm 50% thị phần. Dự án TechnoPark tại huyện Gia Lâm mới gia nhập thị trường đóng góp gần 120.000 m2 vào con số chung. Tăng trưởng nguồn cung văn phòng hạng B đạt 22% theo năm, xếp sau là hạng A với 3%.
“Giãn cách xã hội dẫn đến tình hình thị trường văn phòng chậm lại cho đến hết năm 2021. Tuy nhiên, nhóm các khách thuê lớn đang tận dụng cơ hội này để tái cấu trúc lại văn phòng làm việc và đàm phán để đạt được những chính sách tốt hơn”, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê thương Mại của Savills Hà Nội đánh giá.
Savills ghi nhận, nhiều chủ tòa nhà đã có các chính sách ưu đãi giá thuê ngắn hạn để hỗ trợ khách thuê trong mùa dịch.
Giá chào thuê trung bình thị trường trong một tháng đạt 20,8 USD/m2, giảm 2% theo quý và 2% theo năm. Hạng A đạt mức giá thuê cao nhất, đạt 33,4 USD/m2 với mỗi tháng. Giá thuê giảm chủ yếu đến từ văn phòng hạng B và hạng C, đều đã giảm 3% theo quý.
Công suất thuê đạt 85%, giảm 5 điểm % theo quý và 5 điểm % theo năm do dự án quy mô lớn hạng B là TechnoPark gia nhập thị trường.
Văn phòng hạng C vẫn đạt công suất cao nhất là 95%, theo sau là hạng B và hạng A. Hầu hết các tòa văn phòng giữ công suất ổn định. Việc giãn cách xã hội trong quý III/2021 đã làm hoạt động cho thuê văn phòng chậm lại khi các khách thuê chưa thể dịch chuyển hay mở rộng.
Savills dự báo tới năm 2023, hơn 537.000 m2 từ 21 dự án sẽ gia nhập thị trường, hầu hết từ văn phòng hạng B, chiếm 50% nguồn cung tương lai.
Phía tây sẽ cung cấp nguồn cung tương lai lớn nhất với 250.000 m2, tương đương với 47% thị phần, theo sau là khu vực nội thành với 36%.
Nguồn cung mới và cơ sở hạ tầng đang cải thiện sẽ đem lại lợi thế cho trục phía tây thành phố. Tuy nhiên, sự gia tăng của nguồn cung và tâm lý thận trọng có thể khiến công suất thuê trung bình giảm trong hai năm tới.
Các dự án đáng chú ý tới năm 2023 có thể kể tới dự án 36 Cát Linh, tòa nhà Techombank, dự án 27-29 Lý Thái Tổ, Lotte Mall và Tiến Bộ Plaza.
Trong thời gian tới, Savills đưa ra lưu ý rằng dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới các khách thuê về mặt tài chính, vì vậy, họ sẽ tập trung hơn vào cắt giảm chi phí bằng việc chọn các không gian làm việc đem lại hiệu quả về chi phí.
Vì vậy, không gian làm việc Coworking được tính đến, với các gói thuê khác nhau, điều khoản và quy mô linh hoạt, không phí vận hành so với các văn phòng truyền thống.
Số lượng không gian làm việc Coworking toàn cầu dự báo sẽ tăng lên 40.000 vào năm 2024, với tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 21,3%.
Nhiều dịch vụ không thiết yếu đã phải đóng cửa trong đợt dịch vừa rồi và các doanh nghiệp đã phải thực hiện làm việc tại nhà. Khi các công ty dần trở lại làm việc, họ có thể cần những không gian làm việc linh hoạt hơn. Với nhu cầu làm việc càng trở nên linh hoạt - trong tương lai đây có thể sẽ là mối đe dọa đối với các văn phòng truyền thống.
Bên cạnh đó, thị trường Coworking cũng chịu tác động từ việc gia tăng các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong 5 năm tới, Hà Nội đặt mục tiêu tạo ra 150.000 doanh nghiệp mới, tăng trưởng bình quân 10% mỗi năm.