Người chăn nuôi thận trọng tái đàn

Sau tết Nguyên đán, người dân thường tập trung cho việc tái đàn và phát triển chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên, thời điểm này, thời tiết thay đổi đột ngột cộng thêm trên địa bàn tỉnh hiện đang có dịch lở mồm long móng ở huyện Mù Cang Chải, Lục Yên, Văn Yên khiến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp. Cùng đó, thời gian qua, giá thịt hơi xuống thấp, không ổn định, do đó, người chăn nuôi cần cẩn trọng trong việc tái đàn.
nguoi chan nuoi than trong tai dan
Hiện nay, gia đình anh Nguyễn Duy Hưng chỉ chăn nuôi cầm chừng để nghe ngóng giá cả và thị trường.

Hiện nay, tổng đàn gia súc chính của tỉnh đạt gần 627.000 con. Trong đó, đàn trâu đạt trên 106.300 con, đàn bò trên 27.600 con, đàn lợn trên 493.000 con; đàn gia cầm 4,6 triệu con.

Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2018, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 5.500 tấn. Từ trước tết Nguyên đán 2 tháng, giá lợn hơi đã có dấu hiệu tăng trở lại. Hiện, giá lợn hơi đang rơi vào khoảng từ 32 - 35 nghìn đồng/kg.

Với mức giá này, người chăn nuôi đã thu hồi được vốn và bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, giá lợn hơi thời gian tới rất khó dự đoán do vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Bởi vậy, đa phần các chủ trang trại, hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh vẫn đang nghe ngóng thị trường, chưa dám mạo hiểm đầu tư tái đàn sau tết.

Theo quy luật, mọi năm sau tết Nguyên đán, những trại lợn của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp thôn 6, xã Văn Lãng, huyện Yên Bình tăng cường tái đàn với mỗi trại vào từ 150 - 200 đầu lợn/lứa. Nhưng hiện nay, mặc dù các trại còn trống chuồng nhiều, nhưng ban giám đốc HTX thận trọng trong việc triển khai tái đàn tại các trại.

Ông Ngô Văn Hải - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thôn 6, xã Văn Lãng cho biết: "Hiện nay, HTX đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động chăn nuôi lợn. Chúng tôi có 10 trang trại chăn nuôi, mỗi trại nuôi từ 100 - 200 con/lứa nhưng không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Hiện nay, giá lợn lên xuống bất thường, nên năm nay ban giám đốc không cho phát triển đàn, mỗi trại chỉ vào 40 - 50 con/lứa”.

Trại chăn nuôi của anh Nguyễn Duy Hưng là xã viên của HTX thường xuyên chăn nuôi từ 150 - 200 đầu lợn/lứa. Trước tết, trại nhà anh Hưng xuất bán được gần 20 tấn lợn với giá từ 32.000 - 35.000 đồng/kg. Đến sau tết, đàn lợn thịt gần như không còn nhưng anh chỉ chăn nuôi cầm chừng. Anh Hưng cho biết: "Giá lợn hiện nay không ổn định, thị trường bấp bênh nên tôi chưa dám nuôi nhiều và mới chỉ vào 50 con để nghe ngóng giá cả, nhiều ô chuồng hiện còn để chống”.

Theo quy luật, thời điểm sau tết Nguyên đán, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thường tập trung vệ sinh chuồng trại, tìm mua con giống để tái đàn trở lại. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, giá thịt lợn hơi giảm hoặc lên xuống không ổn định, gây thua lỗ nặng nên nhiều hộ đã giảm đàn, thậm chí "treo chuồng”. Một số cơ sở chăn nuôi có tiềm lực về vốn, tự sản xuất được con giống thì mới tái đàn trở lại nhưng cũng đã giảm số lượng vật nuôi vì sợ tiếp tục thua lỗ.

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp đã và đang chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn bám sát cơ sở, khuyến cáo người dân duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm đủ cung cấp con giống phục vụ nhu cầu tái đàn khi thị trường ổn định trở lại. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi đầu tư số lượng tổng đàn phù hợp với điều kiện kinh tế, tránh tái đàn ồ ạt và đặc biệt không chủ quan với các loại dịch bệnh để bảo toàn tốt nhất đàn vật nuôi.

Trong tái đàn, ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi khi nhập giống gia súc, gia cầm từ ngoài tỉnh cần kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ, xác nhận giống đã được cơ quan thú y kiểm dịch, kiểm tra đầy đủ, không nhập con giống không rõ nguồn gốc hay con giống ở vùng có dịch để tránh thiệt hại và ảnh hưởng tới an toàn dịch bệnh trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng chỉ đạo các trạm thú y bám sát cơ sở, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin; đồng thời, tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, kiểm soát chất lượng con giống đầu vào; phát triển các mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại theo hình thức liên kết bao tiêu đầu ra với doanh nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phát sinh trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng cung vượt quá cầu hoặc khi giá lên cao, người chăn nuôi lại không có gia súc, gia cầm để bán, các địa phương trong tỉnh cần có chính sách hỗ trợ cho hộ chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học để kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ để phát triển chăn nuôi bền vững.

chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.