Người dân vay mua nhà đất thấp nhất 5 năm

Dư nợ cho vay tiêu dùng - tự sử dụng bất động sản chỉ tăng hơn 1% năm 2023, mức thấp nhất 5 năm qua, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước.

Thông tin này nêu tại báo cáo Ngân hàng Nhà nước gửi Đoàn giám sát của Quốc hội về phát triển thị trường bất động sản và nhà ở xã hội 2015-2023.

Tín dụng bất động sản, gồm cho vay tiêu dùng và kinh doanh, chiếm khoảng 15-21% tổng dư nợ nền kinh tế.

Thông thường, vay kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 30% và tiêu dùng là 70% tổng dư nợ tín dụng rót vào địa ốc. Nhưng năm ngoái tỷ trọng này lần lượt là 38% và 62%. Tức, nhu cầu vay mua nhà đất giảm.

Việc này cũng được thể hiện qua con số tăng trưởng tín dụng giữa nhu cầu vay kinh doanh và tiêu dùng. Cụ thể, năm ngoái, tín dụng vay kinh doanh tăng hơn 35%, còn tiêu dùng chỉ thêm 1% - mức thấp nhất 5 năm qua.

Diễn biến này cho thấy nhu cầu vốn đang tập trung vào phía cung thị trường, tức các nhà phát triển, đầu tư bất động sản. Trong khi đó, người dân không có nhu cầu vay mua nhà đất.

Thị trường bất động sản khu Đông, TP HCM. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng nêu thị trường bất động sản chưa có nguồn vốn dài hạn ổn định dành cho các doanh nghiệp, dự án. Bởi, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn lĩnh vực này tăng nhanh, từ 24% lên 34% sau 8 năm.

Điều này khiến các ngân hàng đối mặt với rủi ro kỳ hạn khi cho vay. Lý do, các dự án bất động sản thường có thời gian thu hồi vốn dài, trong khi vốn của các tổ chức tín dụng là ngắn hạn. "Chênh lệch kỳ hạn có thể dẫn đến rủi ro cho hệ thống ngân hàng khi người vay không trả nợ đúng hạn", báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nêu.

Để có thêm nguồn lực, kênh huy động vốn dài hạn cho bất động sản, cơ quan này đề nghị Bộ Tài chính rà soát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Các chủ đầu tư cũng cần có giải pháp chủ động về dòng tiền, nâng cao năng lực tài chính để giảm sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn vay ngân hàng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng bất động sản có xu hướng tăng nhanh trong 8 năm qua. Đơn cử, dư nợ này đạt 400.000 tỷ đồng vào 2015-2016. Sau đó một năm, mức này lên 529.000 tỷ, tương đương tăng trên 9,2%

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát (2020 - 2021), tín dụng lĩnh vực này vẫn thêm lần lượt trên 12% và 15,7%. Đến cuối năm ngoái, tăng trưởng tín dụng bất động sản đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 11,8%.

chọn
ĐHĐCĐ KSF: Hướng đến thành cổ đông chiến lược của SCG, dồn lực cho siêu dự án Wonder Tower tại Ciputra
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo KSF cho biết, trong ba năm tới sẽ tập trung hoàn thành ba dự án Golden River, Sky City và Wonder Tower. Trong ba năm tới doanh nghiệp cần tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng, doanh thu dự kiến trên 50.000 tỷ đồng.