Một năm sau khi làm đám cưới ở tuổi 12, Mariam Nabatanzi sinh hạ một cặp sinh đôi trong sự vui mừng của gia đình. Bác sĩ cho biết buồng trứng của cô lớn bất thường nhưng khuyên rằng thuốc tránh thai có thể gây ra tác hại sức khỏe.
Vì vậy những đứa trẻ cứ liên tục chào đời.
Tổng cộng, cô Nabatanzi đã có 6 lần sinh đôi, 4 lần sinh ba và 5 lần sinh tư. Trong số này, 6 đứa trẻ đã ra đi khi vừa chào đời, nhưng may mắn là 38 người con còn lại đều khỏe mạnh và sống cùng mẹ trong 4 căn nhà chật chội làm bằng gạch xi-măng, bao quanh bởi vườn cà phê, ở một ngôi làng cách thủ đô Kampala của Uganda 50 km về phía bắc.
Số thành viên trung bình trong mỗi gia đình ở châu Phi ở mức lớn nhất so với các khu vực khác. Ở Uganda, tỷ lệ sinh trung bình trên mỗi phụ nữ là 5,6 trẻ, cao hàng đầu châu lục và nhiều hơn gấp đôi so với con số trung bình toàn cầu là 2,4.
Cô Mariam Nabatanzi (tóc đỏ) bên một số những đứa con của mình. Ảnh: Reuters.
Mặc dù vậy, với 39 thành viên, gia đình của cô Nabatanzi vẫn trở nên rất đặc biệt ở Uganda.
Lần gần nhất cách đây 2 năm rưỡi, Nabatanzi sinh đôi lần thứ 6 nhưng một em bé đã không thể sống sót. Chồng cô bỏ nhà ra đi và để mặc người vợ vật lộn chăm sóc cho đàn con đông đúc.
"Tôi lớn lên trong những giọt nước mắt, người đàn ông của tôi đã khiến tôi phải chịu nhiều khổ cực. Tất cả thời gian của tôi đều dành trông con và làm việc để kiếm một chút tiền", cô Nabatanzi chia sẻ.
Tuyệt vọng vì thiếu thốn, người phụ nữ 38 tuổi đã làm tất cả các công việc có thể, từ làm tóc cho tới trang trí tại các sự kiện, thu gom đồng nát, nấu rượu và bán thảo dược. Số tiền kiếm dùng để trang trải chi phí thức ăn, thuốc men, quần áo và học phí cho 38 người con.
Trên bức tường mục nát trong một ngôi nhà của người phụ nữ này là bức ảnh của các con cô đã tốt nghiệp.
"Mẹ tôi đã bị quá tải, công việc đang vắt kiệt sức lực của mẹ, chúng tôi luôn giúp đỡ khi có thể trong việc nấu nướng và giặt giũ, nhưng mẹ vẫn phải gánh vác gia đình. Tôi rất thông cảm với mẹ", Ivan Kibuka, con trai cả 23 tuổi của cô Nabatanzi cho biết. Chàng trai đã phải bỏ học cấp hai vì không đủ tiền.