Luật sư (LS) Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM) cho biết theo thông tin hiện nay, vụ việc của Khaisilk đã được cơ quan chức năng tiến hành khởi tố vụ án nhằm xác định truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy đây không còn là một vụ án dân sự thông thường để người mua hàng của Khaisilk có thể tiến hành khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại.
Nếu cơ quan công an có kết luận bằng việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, và được Viện kiểm sát có quyết định truy tố vụ án ra tòa, thì như vậy vụ việc chính thức trở thành một vụ án hình sự. Theo đó quyền lợi của những người mua phải sản phẩm của Khaisilk có thể được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án này nếu họ có đơn yêu cầu bồi thường.
Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng lúc với việc giải quyết vụ án hình sự.... Trường hợp nếu chưa đủ điều kiện chứng minh thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”. Như vậy quyền lợi của những người bị thiệt hại vẫn được bảo đảm theo luật.
LS Phát cho rằng xét về bản chất, hành vi gian dối trong kinh doanh cũng chính là hành vi lừa đảo, chính doanh nghiệp/người bán hàng đã chủ động trong việc cung cấp thông tin sai sự thật, để người tiêu dùng tin rằng hàng hóa mà họ cung cấp có thông tin đúng với việc công bố thông tin trước đó, đúng với tag mà họ gắn hay đúng với các tiêu chuẩn mà pháp luật cho phép. Từ đó họ tạo được niềm tin của người tiêu dùng và chiếm đoạt tiền của người tiêu dùng.
Khách hàng nghi ngờ khăn lụa Khaisilk bị cắt mác Trung Quốc để dán mác Việt Nam - Ảnh: Đặng Như Quỳnh |
Thế nhưng ở đây, vì là các đơn vị kinh doanh, và trong bộ luật đã có “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Điều 156 BLHS 1999, nên hành vi của Khaisilk có thể bị truy cứu theo tội danh tại Điều 156 vì họ đã có yếu tố buôn bán hàng giả.
Mua nhầm hàng, phải làm sao?
Không riêng gì Khaisilk mà trên thị trường đang có nhiều mặt hàng, dịch vụ không đúng với chất lượng như những lời quảng cáo, nói nôm na như dân gian là “treo đầu dê bán thịt chó”. Từ đó biến quan hệ bình đẳng trong kinh doanh thành một sự gian dối trong kinh doanh, và người tiêu dùng vô tình trở thành những bị hại.
Trả lời câu hỏi người tiêu dùng phải làm sao nếu mua nhầm những mặt hàng như thế này, LS Phát nêu ý kiến: “Nếu thật sự hàng hóa kinh doanh theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” có nghĩa rằng hàng hóa đã có yếu tố làm giả. Như vậy nó là một tội danh trong bộ luật hình sự. Tất nhiên để thực tế kinh doanh gian dối thành một tội phạm, cần có sự đấu tranh phát hiện kịp thời, mà trước hết là từ người tiêu dùng”.
LS Phát đưa ra lời khuyên rằng, đầu tiên người tiêu dùng cần có kiến thức trong việc tiêu dùng, tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để phân biệt đâu là hàng giả, đâu là hàng thật trước khi quyết định mua. Trường hợp nếu phát hiện có yếu tố hàng giả, cần phải ngay lập tức làm đơn trình báo lên cơ quan công an, đơn vị quản lý thị trường, để họ tiến hành xác minh, điều tra.
Không nên chọn cách im lặng bởi nếu làm vậy có nghĩa là chúng ta thừa nhận và sống chung với cái xấu, nó không chỉ gây thiệt hại cho chính mình mà còn cho toàn xã hội.
Nếu sự việc chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người tiêu dùng có thể tiến hành một vụ kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại do “bị gian dối”. Nếu vụ việc là một vụ án hình sự, thì quyền lợi của những người tiêu dùng sẽ được bảo vệ trong khi giải quyết vụ án hình sự nếu người tiêu dùng có đơn yêu cầu.
Còn khi một doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thì doanh nghiệp, đơn vị có nguy cơ phải đối mặt với các tội danh tại Điều 156, 157, 158... Bộ luật hình sự 1999, khung hình phạt có thể lên đến tử hình.