Người Sài Gòn hiến đất tiền tỉ mở hẻm: 10 năm gian nan hỏi ý kiến từng nhà

Bên cạnh hơn 1.000 hộ hiến đất mở hẻm, nhiều niềm vui khi những con hẻm đã được mở rộng thông thoáng, thì chính quyền vẫn đang miệt mài thuyết phục một số hộ dân ở các con hẻm quận 3, TP HCM do họ vẫn chưa đồng ý, còn lấn cấn và lo lắng không đủ tiền sửa nhà sau khi hiến đất.

Người dân mừng rỡ chờ đợi mở hẻm

Những ngày đầu tháng 9, một số con hẻm tại quận 3 (TP HCM) có xe chở đất, cát ra vào tấp nập. Những nhà có điều kiện thì gọi thợ, nhà không mấy khá giả thì tự tay đập bỏ hàng rào, bậc thang trước cửa để hiến đất mở rộng hẻm. Các hộ dân mừng rỡ vì sắp có đường mới, giải quyết những phiền toái của con hẻm chật chội, kéo theo đó là nhiều lợi ích trong tương lai.

Ông Nguyễn Trung Nam (43 tuổi, người tiên phong hiến đất mở rộng con hẻm 275 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3) cho biết nhìn thấy hiệu ứng tốt từ nhiều hẻm khác đã từng mở rộng nên ông nhiệt tình hưởng ứng.

Ông Nam tâm sự, từ khi thấy hẻm kế bên mở rộng khang trang, sạch sẽ ông đã mong muốn hẻm của mình cũng được như vậy. Do đó, khi vừa có chủ trương của phường, ông đã đồng ý luôn chứ không cần chờ chính quyền thuyết phục.

“Đất ở quận 3 có giá cao chót vót là điều không phải bàn cãi, nhưng 1 mét đất mà đổi lại nhiều lợi ích về sau thì hoàn toàn xứng đáng. Người dân lưu thông thuận tiện, xe chữa cháy, cứu thương ra vào hẻm thoải mái. Chưa kể giá trị nhà của người dân cũng được nâng lên khi mở rộng hẻm, hay cho thuê mặt bằng cũng có giá hơn. Nói chung kinh doanh tiện lợi, tính tất cả thì nhà nước cũng có lợi, dân cũng có lợi”, ông Nam vui vẻ nói.

Người Sài Gòn hiến đất tiền tỉ mở hẻm: 10 năm gian nan hỏi ý kiến từng nhà - Ảnh 1.

Người dân tự tay đập bỏ hàng rào, bậc cửa để làm đường. (Ảnh: Anh Lê)

Bà Nguyễn Kim Hồng (71 tuổi, người dân hẻm 1008 Trường Sa, phường 12, quận 3) cũng vui mừng sau bao năm chờ đợi dự án mở rộng đường mà người dân trong hẻm chủ động xin từ nhiều năm trước đã được chấp thuận.

Bà Hồng kể, trước đây mỗi lần mùa mưa là ngập nhà như cơm bữa, rác thải cũng theo nước trôi lềnh bềnh từ đầu đến cuối hẻm. Mỗi lần mưa xong, người dân lại phải cùng nhau quét dọn, xịt nước. “Nhà tôi cao vậy mà nước còn vô, nói không ai tin. Mưa lớn là phải để 2 viên gạch kê tủ lạnh lên, có bữa còn một chút xíu nữa là lút gạch. Còn mỗi lần mưa xong nhiều rác đến nỗi ông chở rác còn la nữa mà”, bà Hồng nhớ lại.

Người Sài Gòn hiến đất tiền tỉ mở hẻm: 10 năm gian nan hỏi ý kiến từng nhà - Ảnh 2.

Người dân ở hẻm 62 Lý chính Thắng (Phường 8, quận 3, TP HCM) hưởng ứng vận động của chính quyền. Anh Lê

Cũng do hẻm nhỏ, hệ thống thoát nước không hiệu quả nên cứ mùa mưa là dân trong hẻm lại chứng kiến nhiều câu chuyện bi hài. Bà Hồng kể, cách đây không lâu nhà hàng xóm có đám tang, mà nước mưa ngập gần tới quan tài khiến ai nấy một phen hú hồn. Đợt nọ, giữa hẻm có nhà bị cháy nhưng hẻm nhỏ quá xe không vào được, bà con trong hẻm chạy đôn đáo cùng nhau dập lửa.

Sẽ thuyết phục nhiều hộ còn lấn cấn

Qua nhiều cuộc họp với chính quyền, hầu như các hộ dân đều nắm được lợi ích của việc mở rộng hẻm. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn còn lấn cấn vấn đề số tiền hỗ trợ không đủ để đập bỏ và sửa sang lại nhà cửa. Đặc biệt là những gia đình khó khăn, việc bỏ tiền túi ra làm lại nhà là điều không thể.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trang Ngọc Phấn (hẻm 144 Lý Chính Thắng, phường 7, quận 3) cho biết gia đình ông không đồng ý hiến đất vì cho rằng đất nhà ông đang ở xưa nay vẫn vậy, không “ăn gian” của nhà nước tấc nào. Ông cho biết theo kế hoạch, nhà ông phải hiến 6 tấc bề ngang, nhưng tiền điền bù chỉ là 5,2 triệu đồng nên ông không hài lòng.

Ông Phấn kể, thu nhập từ nghề chạy xe ôm của ông chỉ đủ nuôi vợ con nên nếu hiến đất xong sửa lại nhà không biết lấy chi phí từ đâu. “Tôi không cần gạch bông làm đẹp gì hết, chỉ cần xây tường lên, tráng xi măng trong ngoài rồi xong, còn chuyện lót gạch tôi sẽ từ từ làm lại. Không phải tôi không chấp nhận chủ trương của phường mà tôi không đồng ý với thỏa thuận mà phường hỗ trợ”, ông Phấn cho hay.

Cùng chung nỗi niềm trên, gia đình bà Huỳnh Mai Thu Thảo, 50 tuổi, sống tại hẻm 275 Nguyễn Đình Chiểu (phường 5, quận 3, TP HCM) cũng đang băn khoăn việc hỗ trợ sau khi hiến đất.

Người Sài Gòn hiến đất tiền tỉ mở hẻm: 10 năm gian nan hỏi ý kiến từng nhà - Ảnh 3.

Sau cuộc vận động của chính quyền, nhiều hộ dân ở quận 3, TP HCM quyết định hiến đất “vàng” mở rộng hẻm. Anh Lê

Bà Thảo tâm sự, nhà bà rất nhỏ nên hiến đất xong sẽ không có chỗ để xe, phải gửi ở ngoài, vậy là tốn thêm một khoản phí. Số tiền để sửa sang lại nhà sau khi hiến đất cũng khiến bà phải lo lắng.

Gia đình bà Trần Thị Bé (76 tuổi) là một trong 3 hộ dân vẫn chưa đồng ý hiến đất mở hẻm 62 Lý Chính Thắng (quận 3, TP HCM). Bà Bé cho biết hộ khẩu của bà chung với nhà em trai nên việc quyết định hiến hay không phải có sự đồng ý của cả hai. Sau khi bàn bạc, hai chị em bà Bé quyết định hiến đất với điều kiện phường phải đền bù một số tiền đủ để sửa lại nhà cửa theo thỏa thuận.

“Nói thật nhà tôi thuộc nhà khó khăn, tôi tuổi đã cao, không làm ra tiền nên không có tiền để bù vào để sửa chữa. Phường chỉ nói hỗ trợ nhưng chưa biết bao nhiêu, mà nói hỗ trợ thì cũng không đúng, tôi chỉ muốn chính quyền đến gặp cả tôi và em tôi để thỏa thuận đền bù hợp lý thì chúng tôi sẽ hiến đất”, bà Bé nói.

Đi hỏi ý kiến từng nhà

Ông Trần Văn Đức, Bí thư chi bộ khu 4, kiêm Trưởng ban Vận động hiến đất phường 8, quận 3 cho biết chủ trương mở rộng hẻm đã có từ năm 2004 nhưng mất nhiều thời gian do công tác vận động không hiểu rõ tâm nguyện của người dân.

Đầu năm nay, ông Đức quyết tâm đứng ra kêu gọi người dân hiến đất làm đường. Cụ thể ở hẻm 62 Lý chính Thắng, ông đã gửi giấy đến từng và đến nhà để hỏi ý kiến của từng gia đình.

Người Sài Gòn hiến đất tiền tỉ mở hẻm: 10 năm gian nan hỏi ý kiến từng nhà - Ảnh 4.

Gia đình nào không mấy khá giả thì tự tay đập bỏ cổng để hiến đất. Anh Lê

Ông Đức chia sẻ: “Nếu nhà nào đồng ý mà có điều kiện thì mình giải thích rằng phần đất này là đất của nhà nước, trong lộ giới giải tỏa hẻm. Nhà nước cho nhân dân tạm sử dụng trong thời gian nhà nước chưa sử dụng. Cái này không phải bồi thường gì hết mà giải tỏa phần đất đó phục vụ công cộng, làm đường chống ngập chứ không phải nhà nước đi bán mà bồi thường. Và tùy từng gia đình kết cấu nhà ra sao phường sẽ có hỗ trợ chi phí để dân sửa sang nhà cửa”.

Trong số 172 hộ tại hẻm 62 Lý Chính Thắng, ban đầu có 33 hộ không đồng ý. Đối với những gia đình này, ông Đức đến từng nhà để thuyết phục. Sau khi gặp ông, 30 hộ đã đồng ý hiến đất, 3 hộ còn lại vẫn chưa đồng thuận vì những lí do riêng như: kinh tế không đủ sửa nhà, thành viên trong nhà chưa thống nhất.

Ông Đức đã đến nói chuyện với gia đình bà Bé và giải thích rằng thực ra số đất đó là đất của nhà nước. Chính vì vậy không thể nói là đền bù được, chính quyền chỉ có thể hỗ trợ để nhà bà sửa sang lại.

“Tôi cũng nói với bà ấy nếu không đồng ý thì chúng tôi sẽ để nhà đó lại. Sau này những đường điện, cáp  người ta làm ngầm hết, còn nhà bà Bé và những nhà chưa đồng ý buộc phải để những đường này ở trên. Tôi mong người dân đồng thuận hết để cả hẻm khang trang, sạch sẽ hơn”, ông Đức bày tỏ.

Về giải pháp với những hộ chưa đồng ý giao mặt bằng hiến đất mở hẻm, ông Đức cho biết không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ của dự án mở rộng hẻm. Theo đó, trong trường hợp đến thời gian thi công mà những hộ này chưa trả lại mặt bằng thì họ phải tự bỏ tiền ra làm đường điện, cáp ngầm xuống đất. Chính vì vậy, UBND phường và quận đã thống nhất phương án kêu gọi hỗ trợ từ những gia đình khá giả để bù lại cho hộ dân khó khăn hơn. Và một số hộ cũng đã đồng ý nhường lại số tiền này để những hộ khó khăn có điều kiện sửa sang nhà cửa sau khi hiến đất.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Trọng Tuấn, Bí thư Quận ủy quận 3, cho biết, việc người dân đồng thuận là yếu tố quan trọng để mở rộng hẻm nhưng không phải trường hợp nào cũng đợi 100% đồng thuận rồi mới khởi công. Thực tế trước đó, cũng có nhiều trường hợp như hẻm 62 Lý Chính Thắng, người dân chưa đồng thuận hết nhưng ủy ban vẫn khởi công vì số đông người dân trong hẻm đã thống nhất.

"Khi khởi công như vậy có quá trình tháo dỡ, thi công. Lúc này người dân sẽ thấy thực tế về mặt mỹ quan là hẻm đẹp hơn, rộng hơn, đường dây điện, cáp quang được ngầm hóa,… Từ những thực tế đó lãnh đạo phường tiếp tục vận động các hộ chưa đồng thuận. Người dân lúc này thấy tận mắt được những lợi ích nên sẽ ủng hộ", ông Tuấn giải thích.

Theo ông Tuấn, trong các cuộc mở rộng hẻm, người dân vừa là người hiến đất vừa là người chỉnh trang nhà cửa của mình và vận động chính hàng xóm cùng nhau hiến đất để đem lại lợi ích chung. Khi hẻm rộng hơn, việc đi lại sẽ thuận lợi hơn, làm ăn, sinh hoạt tốt hơn, mĩ quan đô thị đẹp hơn, an toàn hơn, mặt đường và hệ thống thoát nước cũng được nâng cấp nên giá trị nhà ở tăng lên. Trường hợp những hộ khó khăn không đủ điều kiện sửa sang nhà cửa sau khi hiến đất thì phường sẽ linh hoạt vận động doanh nghiệp, mạnh thường quân hay chính người dân trong hẻm đó để hỗ trợ lẫn nhau.

Ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3, TP HCM cho biết, từ đầu nhiệm kì 2015 – 2020 đến nay, quận 3 đã có 34 tuyến hẻm được mở rộng, tổng diện tích đất được mở rộng là 9.389,62m2, tương ứng số tiền 444,7 tỉ đồng với 1.172 hộ dân cùng tham gia thực hiện.

Thông qua công tác mở rộng hẻm, quận đã lắp đặt tại mỗi hẻm được mở rộng 1-2 trụ cứu hỏa, ngầm hóa hệ thống điện, viễn thông, lắp đặt hệ thống camera giám sát và wifi miễn phí trong khu dân cư.

"Từ những con hẻm chỉ đủ hai xe máy chạy ngược chiều lưu thông, mùa mưa triều cường nước ngập triền miên, việc đi lại cũng như xử lý sự cố về cấp cứu, PCCC hết sức khó khăn thì nay nhiều tuyến hẻm trên địa bàn quận 3 đã được mở rộng khang trang, đời sống người dân và bộ mặt đô thị được cải thiện", ông Bình cho hay.



chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.