10 năm cắt may ở Sài Gòn và “cú chuyển mình” đến thương hiệu Danva tại Hà Nội
Trò chuyện với anh Đặng Văn Tâm (chủ thương hiệu may suit cao cấp Danva) về thời trang veston mới thấy đằng sau những bộ suit của các quý ông là cả một câu chuyện về đạo đức và tài năng làm nghề của một người thợ may giỏi.
Anh Đặng Văn Tâm (áo xanh) đang lấy số đo cho một vị khách nước ngoài |
Anh Tâm bắt đầu theo đuổi nghề may đo cách đây hơn 20 năm về trước. Chàng thanh niên gốc Huế nhà nghèo đã sớm định hình cho mình một cái nghề để mưu sinh, đó là nghề may đo veston cho nam giới. Phiêu bạt tận vào Sài Gòn để học và làm nghề, anh Tâm may mắn được gặp một người thầy giỏi chuyên may vest nổi tiếng ở Nam Kì nên chẳng mấy chốc anh đã nắm vững những thao tác cơ bản của nghề “đóng vest”.
Thoắt cái đã 10 năm anh làm việc tại cửa hàng của ông chủ trong Sài Gòn, tay nghề lúc này đã có tiếng ở tiệm, khách đến may thường là những quý ông giàu có, sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu đồng để tặng cho mình một bộ vest may đo ưng ý. Khi đó ở miền Nam và miền Bắc phân định rõ hai “gu” thời trang vest khác biệt: Đàn ông miền Nam thì thích những kiểu dáng suit truyền thống, mặc thoải mái và không bị lỗi mốt, còn đàn ông ở Hà Nội thì lại ưa chuộng kiểu dáng Slimfit (dáng ôm sát body), anh Tâm có niềm đam mê với kiểu dáng Slimfit nhưng ở Sài Gòn không có “đất dụng võ” nên anh đã quyết định khăn gói ra Hà Nội bắt đầu lại từ tay trắng.
Phải thêm 10 năm nữa tạo dựng tên tuổi cho mình trong giới may đo cao cấp ở Hà Nội, anh Tâm mới mạnh dạn đứng ra xây dựng cho mình một thương hiệu riêng sau khi miệt mài xây dựng thành công cho các ông chủ tiệm suit nổi tiếng ở thủ đô.
Cửa hàng suit cao cấp Danva trong ngày khai trương |
Vui buồn chuyện “làm dâu trăm họ”
Anh Tâm chia sẻ: “Nghề may đo thoạt nhìn có vẻ an nhàn nhưng lại là một trong những nghề vất vả vì nó là nghề dịch vụ. Tôi đã từng tiếp không biết bao nhiêu kiểu khách hàng từ chính khách đến công chức. Nhìn chung, đa phần đàn ông thích may suit thì đều là những người có gu thời trang, tinh tế, cẩn thận và có cách ứng xử dễ chịu. Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít người mang tiền và địa vị ra hạch sách và yêu cầu phi lý”.
“Tôi nhớ mãi một vài vị khách ấn tượng trong đời. Người đó là một người thân cận của Cựu Thủ tướng, ông từng đến may đo rất nhiều lần ở cửa hàng tôi và đều hài lòng. Hôm đó chỉ vì chiếc quần dài hơn 1cm mà bỗng dưng ông cư xử rất khó chịu, trong khi chỉ cần lên gấu là xong. Nhưng không hiểu vì sao, ông lôi chức tước địa vị của mình ra để “dằn mặt” cửa hàng. Chuyện đó làm tôi thấy buồn, không phải người nào cứ có địa vị và tiền bạc là cư xử có văn hóa, chuyện đó cho tôi thêm kinh nghiệm để giao tiếp với khách hàng của mình”. Anh tâm sự.
Một sản phẩm do anh Tâm thực hiện |
"Làm nghề may không được quá mê tiền"
Với anh Tâm, làm nghề cắt may hay bất cứ nghề nào cũng cần có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề cắt may cũng không có gì nằm ngoài việc phải khó tính với chính mình. Khi thấy đường cắt, may không đẹp, thì phải biết tháo ra may lại cho đến khi nào đạt đến độ chuẩn, “chuẩn” ở đây nghĩa là đường cắt ôm sát thân, đường may nét, các phần ráp của các đường cắt đều khít, không xô lệch. Ngoài ra, việc lựa vải, chỉ, phụ kiện đều phải đạt chuẩn quốc tế, không được vì tham lam mà lựa đồ rởm cho khách rồi tính giá “trên trời”, làm như vậy là tự tay “cắt cơm” của mình, tự hủy hoại cái nghề của mình.
Anh Tâm tư vấn cho một vị khách để có một bộ suit ưng ý |
Nghề may ngoài năng khiếu thiên bẩm còn cần phải học rất nhiều đức tính khác thì mới có thể là một người thợ giỏi, đó là: Sự kiên nhẫn, ham học hỏi, đam mê với nghề và không quá mê tiền.
Lý giải về chuyện “mê tiền”, anh Tâm chia sẻ: “Trung bình một năm nghề cắt đem lại cho tôi thu nhập khoảng 200 triệu. Đó không phải là thu nhập quá lớn nhưng với một người thợ làm nghề như vậy là ổn cho cuộc sống, nếu bạn cảm thấy không hài lòng với thu nhập này thì bạn nên tìm một nghề khác, còn làm nghề may vì tiền mà làm ẩu thì tự mình hại mình, nghề này tuyệt đối không ẩu được, sản phẩm là sự nghiệp của mình, mình có thể “qua mặt” khách hàng dễ tính, chứ với người tinh tế, gu thẩm mĩ cao, bạn không thể qua mặt được họ, nên tốt nhất hãy làm việc thật có tâm”.
Hiện tại, anh Tâm đang từng bước gây dựng thương hiệu Danva của mình đến với khách hàng. Sở hữu lượng khách cũ trung thành và có cửa hàng mặt tiền tại phố cổ, cửa hàng của anh Tâm vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của các chính khách và dân công chức có thu nhập cao và gu thẩm mĩ tinh tế.