Người tiêu dùng và doanh nghiệp hưởng lợi gì từ Hiệp định UKVFTA?

Ngày 11/12/2020, lễ kí kết kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Vương quốc Anh và Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định UKVFTA) đã diễn ra tại Hà Nội. Theo đó, Việt Nam sẽ có những thuận lợi lớn từ chính sách giảm thuế.

Người tiêu dùng được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao trong nước và hàng nhập khẩu

Người tiêu dùng, chuỗi cung ứng, doanh nghiệp hưởng lợi gì từ Hiệp định UKVFTA? - Ảnh 1.

Người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hàng hóa chất lượng với cả sản phẩm trong và ngoài nước.(Ảnh minh họa: Báo Thanh Niên).

Những cam kết về dịch vụ - đầu tư, mua sắm chính phủ, những quy định cụ thể về mở cửa thị trường sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Anh tiếp cận thuận lợi hơn vào thị trường Việt Nam.

Thông tin từ Báo Chính phủ, người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ Anh trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và năng lượng sạch.

Khi hàng hóa Anh Quốc nhập khẩu với mức thuế giảm thì Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội nhập khẩu hàng hóa chất lượng tốt, giá cả hợp lý đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn hàng hóa.

Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện môi trường, logistics, tài chính và kinh tế số trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Doanh nghiệp có thêm cơ hội phát triển từ nguồn vốn đầu tư và nguồn nhân lực Anh Quốc

Theo báo Chính phủ, thị trường Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn, là cửa ngõ để các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập vào thị trường ASEAN rộng lớn với trên 630 triệu dân, GDP của khu vực 2560 tỷ USD.

Việt Nam có GDP tăng trưởng 6-8%/năm, tăng trưởng xuất nhập khẩu 12%/năm, môi trường đầu tư tương đối tốt, đứng thứ 9 về mức độ hấp dẫn đầu tư.

Theo Bộ Công Thương, UKVFTA mang lại cơ hội hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại từ các doanh nghiệp Anh.

Ngoài ra Hiệp định cũng khích lệ các quan hệ hợp tác song phương khác với Anh trong các lĩnh vực hỗ trợ phát triển như kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo.

Các lĩnh vực mà Anh có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác trong thời gian tới là năng lượng tái tạo, sản xuất tiêu dùng bền vững, giảm phát thải hiệu ứng nhà kính.

Trong khuôn khổ các Quỹ tài chính xanh của Vương quốc Anh và Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng các dự án sản xuất thực hiện chuyển đổi năng lượng có hàm lượng phát thải carbon thấp.

Các dự án này không chỉ có ý nghĩa về phát triển kinh tế mà còn hướng tới phát triển bền vững các giá trị sống, môi trường sống tốt hơn cho người dân Việt Nam.

Nhiều nhóm ngành có cơ hội xuất khẩu nhanh các hàng hóa vào thị trường Anh nhờ giảm thuế

Người tiêu dùng, chuỗi cung ứng, doanh nghiệp hưởng lợi gì từ Hiệp định UKVFTA? - Ảnh 2.

Hàng hóa Việt Nam có cơ hội xuất khẩu vào thị trường Anh Quốc thuận lợi hơn nhờ Hiệp định UKVFTA. (Ảnh minh họa: Báo Thanh Niên).

Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh Elizabeth Truss nhấn mạnh, điểm nổi bật trong Hiệp định UKVFTA, 99% thuế xuất nhập khẩu sẽ được xóa bỏ sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan (trong vòng 7 năm).

Bao gồm thuế đối với máy móc thiết bị và dụng cụ cơ khí - các sản phẩm đứng đầu trong danh mục hàng hóa Anh xuất khẩu sang Việt Nam và dược phẩm - đứng thứ hai trong danh mục xuất khẩu.

Các ảnh hưởng này rõ rệt với các loại biệt dược, thuốc chuyên dụng (nhóm thuốc có bảo hộ độc quyền, Việt Nam chưa sản xuất được), tăng tính cạnh tranh hơn trong các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện Việt Nam.

Theo Tạp chí Tài chính, hiện nay hàng hoá Việt Nam chỉ chiếm không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD (2019) của Anh. Hiệp định UKVFTA sẽ có tác động tích cực thúc đẩy sản lượng và tốc độ xuất khẩu ở nhiều nhóm ngành.

Cụ thể, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025. Tác động về sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030.

Một số mặt hàng may mặc xuất khẩu lớn nhất sang Anh gồm: Bộ comple, áo jacket, blazer cho phụ nữ hoặc trẻ em gái, áo khoác ngoài, áo choàng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái; áo bó, áo chui đầu, áo cài…

Với ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là thủy sản, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu vào Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Các nhóm hàng có lợi thế sớm nhất trong nhóm thủy, hải sản là tôm và một số loại cá (cá tra).

Với mặt hàng gạo có lợi thế cạnh tranh với Thái Lan, Trung Quốc, Anh cam kết sẽ rà soát nâng lượng hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực.

Nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sẽ có mức thuế suất về 0% trong vòng 5 năm (gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2-10%).

Mặt hàng rau quả, Hiệp định UKVFTA khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả.

Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như: Vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Anh thuận lợi hơn vì thị hiếu tiêu dùng các sản phẩm trái cây nhiệt đới lớn.

Ngoài ra, do các tác động của đại dịch Covid-19, nhu cầu của thị trường Anh về các sản phẩm điện tử, thiết bị y tế, dụng cụ xét nghiệm, đồ bảo hộ bệnh viện cũng tăng nhanh. Với cơ hội tiếp cận thị trường từ Hiệp định UKVFTA, xuất khẩu các mặt hàng này cũng được thúc đẩy mạnh mẽ.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.