Du khách Trung Quốc tại Ginza, Tokyo, Nhật Bản. Xu hướng du lịch nước ngoài dịp Tết gia tăng ở Trung Quốc do thu nhập được cải thiện và sự mở rộng của mạng lưới bay quốc tế. Ảnh: Bloomberg |
"Bố mẹ tôi đều chán nản không khí ngày tết với chỉ ba con người trong ngôi nhà ở Thượng Hải. Mặt khác, chi phí cho chuyến đi Nhật cũng xấp xỉ việc di chuyển đến các nơi nổi tiếng trong nước", Shi, 30 tuổi, nhân viên một tổ chức phi chính phủ tại Bắc Kinh, giải thích lý do cho việc xuất ngoại.
Vài năm trở lại đây, Shi cùng người thân rời Trung Quốc đến Singapore, Thái Lan, Malaysia và Mỹ vào kỳ nghỉ Tết âm lịch kéo dài khoảng một tuần. Truyền thống mới cho phép gia đình cô thoát khỏi cảnh tắc đường kéo dài, chen chúc trên tàu xe, sự quá tải trong các cửa hàng giáp Tết và cả các công việc lặp đi lặp lại khi đón năm mới tại quê hương.
Theo Bloomberg, du lịch nước ngoài có xu hướng gia tăng những năm gần đây, khi thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể cộng với sự mở rộng mạng lưới các chặng bay quốc tế. Năm nay, lượng khách bay quốc tế được kỳ vọng đạt mốc 6 triệu người, với các chuyến tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam gần như kín chỗ.
"Tết âm lịch là mùa đỉnh điểm trong năm đối với các hãng hàng không Trung Quốc. Đây là một trong hai cơ hội được nghỉ dài ngày hiếm hoi trong năm của người dân nước này", Steve Saxon, đối tác của công ty tư vấn McKinsey&Co có trụ sở tại Thượng Hải, nhận xét.
Thống kê của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc cho thấy, khoảng 58,3 triệu người đi máy bay trong dịp Tết (bao gồm cả khách bay nội địa), tăng 10% so với năm ngoái. Đây là khoảng thời gian ngành hàng không nước này thu về tới 20% thu nhập trong năm.
Khách Trung Quốc đứng đầu danh sách du khách các nước tới Nhật Bản năm 2016. Ảnh: Bloomberg |
Cũng như Shi, Xi Chunhui quyết định thực hiện hành trình đi Macau, Singapore và Hong Kong 11 ngày cùng một người bạn thay vì đoàn tụ gia đình ở tỉnh đông bắc Trung Quốc.
"Tết âm lịch năm nào cũng giống nhau với những điều quen thuộc tới nhàm chán. Vả lại, tôi không nghĩ việc mình không bên cạnh sẽ làm mọi người mất vui", Xi, 27 tuổi, biên tập viên một tờ báo mạng ở Bắc Kinh, chia sẻ.
Những người trẻ tuổi như Xi luôn mong muốn bước chân tới các vùng đất mới lạ. Chọn lựa du lịch được xem là hệ quả của chính sách một con kéo dài của chính quyền trung Quốc được huỷ bỏ cách đây không lâu, theo Catherine Lim, một nhà phân tích tại Singapore.
"Khi quy mô gia đình thu nhỏ tối đa, thực sự không có nhiều việc để làm vào ngày tết. Mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, muốn được tiêu tiền để khám phá những nơi chốn mới mẻ hơn là đổ tiền vào các món đồ hiệu", Lim nói.
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới năm 2015, khoảng 128 triệu người Trung Quốc chi 292 tỷ USD cho các chuyến đi du lịch thế giới. Các thị trường đang ra sức thu hút du khách Trung Quốc bao gồm Nhật Bản, Australia, Israel, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) với ưu đãi đặc biệt về visa.
Tại Nhật, năm ngoái số lượng du khách Trung Quốc tăng 28%, đạt 6,4 triệu người. Trong thời gian lưu trú, họ chi tiêu khoảng 12,8 tỷ USD để mua đồ điện tử, hàng hoá xa xỉ, mỹ phẩm và kem đánh răng được cho là có chất lượng tốt hơn quê nhà.
Gia đình Shi cũng không phải ngoại lệ. Trong suốt một tuần ở Kyoto và Tokyo, họ dự định sẽ mua sắm thật nhiều mỹ phẩm, áo quần, sản phẩm công nghệ cao tại nước bạn.
"Bố mẹ rất hào hứng về chuyến du lịch năm mới. Còn tôi hy vọng có thể chi tiêu trong khoảng 80.000 nhân dân tệ trong lần này", Shi nói.