Người Trung Quốc trút giận lên Amazon vì vấn đề Hong Kong

Các hashtag có nội dung "Áo phông Amazon" đã trở thành chủ đề thịnh hành thứ 4 trên Weibo (mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc) vào ngày 14/8, thể hiện phản ứng dữ dội mới nhất của người dân Trung Quốc đối với các công ty nước ngoài đề cập tới những vấn đề liên quan đến tình trạng lãnh thổ của Hong Kong.
Người Trung Quốc trút giận lên Amazon vì vấn đề Hong Kong - Ảnh 1.

Người biểu tình tại sân bay Hong Kong ngày 13/8. (Ảnh: AFP).

Tờ Global Times cho biết người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã trút giận lên gã khổng lồ mua sắm trực tuyến, sau khi phát hiện trang web Amazon.com đăng bán những chiếc áo phông có in dòng chữ ủng hộ biểu tình ở Hong Kong.

Nhiều người cáo buộc trang mua sắm trực tuyến trên không quan tâm tới cảm xúc của người Trung Quốc. "Amazon vừa mới rời khỏi Trung Quốc đúng không? Chúng ta phải dạy cho công ty này một bài học", một bình luận trên Weibo cho biết.

Gã khổng lồ thương mại điện tử đã đóng cửa thị trường nội địa Trung Quốc trên trang web Amazon.cn vào tháng 7, nhưng một số mặt hàng ở nước ngoài vẫn có thể được vận chuyển vào nước này. Những chiếc áo phông có khẩu hiệu nhạy cảm trên được rao bán trên các cửa hàng Amazon Mỹ.

"Amazon luôn luôn và sẽ tiếp tục thừa nhận chính sách 'một quốc gia, hai chế độ' lâu đời và được công nhận rộng rãi. Ở mỗi quốc gia chúng tôi hoạt động đều có các luật khác nhau và chúng tôi sẽ tiếp tục tôn trọng luật pháp địa phương nơi chúng tôi kinh doanh", công ty ra tuyên bố ngày 15/8.

Amazon không phải thương hiệu duy nhất khiến người Trung Quốc phẫn nộ vì các vấn đề chính trị ở quốc gia này. Nhiều người nổi tiếng ở đại lục đã cắt hợp đồng với một số nhãn hiệu thời trang trong tuần này, sau khi người dùng mạng xã hội chỉ ra việc các thương hiệu trên phát hành trang phục ám chỉ Hong Kong và Đài Loan tách biệt với Trung Quốc.

Versace, Calvin Klein và những thương hiệu khác từng phải xin lỗi trên các tài khoản truyền thông xã hội Trung Quốc hoặc quốc tế sau khi phạm phải những sai lầm trên.

Căng thẳng gia tăng ở Hong Kong do các cuộc biểu tình nổ ra từ tháng 6 nhằm phản đối dự luật dẫn độ, cho phép dẫn độ nghi phạm sang các khu vực chưa kí thỏa thuận, bao gồm Trung Quốc đại lục. Bất chấp Trưởng đặc khu Carrie Lam tuyên bố "dự luật đã chết", người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường, và đưa ra các yêu sách với chính quyền Hong Kong như rút hoàn toàn dự luật dẫn độ và khởi động quá trình cải cách chính trị đang bị đình trệ của đặc khu, lãnh đạo Carrie Lam từ chức.

Trong những ngày gần đây các cuộc biểu tình ngày càng diễn biến phức tạp, buộc chính quyền Trung ương phải lên tiếng cảnh báo sẽ không "khoanh tay đứng nhìn" nếu chính quyền Hong Kong không kiểm soát được khủng hoảng biểu tình.


chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.