Smartphone trở nên phổ biến, đó là xu hướng toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Nhưng có điểm tôi thấy lạ rằng người Việt sẵn sàng chi quá nhiều tiền cho điện thoại, điển hình là bỏ vài chục triệu ra để mua iPhone đời mới.
"iPhone là mẫu điện thoại cao cấp mà ngay cả với người nước ngoài, khi sắm sản phẩm này họ cũng rất cân nhắc", đó là nhận xét của anh bạn tôi với hơn bốn năm sống và làm việc tại Đức, "nhưng về Việt Nam, hình như iPhone trở thành hàng bình dân mà ai ai cũng đang sở hữu".
iPhone là mẫu điện thoại cao cấp, đắt tiền nhưng phổ biến tại Việt Nam.
Kể ra anh bạn tôi nói đúng vì quan sát một chút là thấy iPhone rất phổ biến với người dùng trong nước. Ngồi quán trà đá vỉa hè, năm chiếc điện thoại rút ra chắc có đến bốn chiếc là iPhone mà thường là từ iPhone 6 trở lên. Ngay cả các bạn học sinh, nhóm vẫn chưa làm ra tiền, vẫn thoắt thoắt bấm trên màn hình chiếc điện thoại mặt sau có logo "Táo Khuyết".
Xét theo thu nhập bình quân trên đầu người, càng thấy sự chênh lệch lớn. Con số này tại Mỹ năm 2016 là hơn 60.000 USD, tức là họ chỉ mất khoảng một tuần làm việc là có thể mua được một chiếc iPhone X giá 1.150 USD (khoảng 26 triệu đồng). Đối chiếu sang Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là 2.215 USD, tức trung bình một người mất nửa năm làm việc mới đủ tiền mua iPhone X.
Mà iPhone tại Việt Nam giá đâu có rẻ như ở Mỹ hay các nước khác. Lúc nào máy về đợt đầu cũng cao chót vót, giá gấp 3-5 lần công bố của hãng. Ấy nhưng toàn "cháy" hàng, giá cao cũng không có mà mua. Nói đâu xa, ngay cả cái màu sắc cũng đủ khiến iPhone trở nên đắt đỏ. Chắc không nhiều nơi như Việt Nam mà giá iPhone màu này lại đắt hoặc rẻ hơn màu khác.
Người Việt chọn iPhone chắc lẽ vì nó là chiếc điện thoại tốt nhưng có thể một phần cho bằng bạn bằng bè. Người ta có iPhone X, mình cũng phải lên đời dù mới mua iPhone 8 Plus trước đó một tháng. Nếu không đủ tiền thì có thể ứng lương, vay bạn bè, mượn tạm đâu đó hoặc giờ ở cửa hàng nào cũng bán trả góp không cần chứng minh tài chính.
Vì phải nhất định là iPhone đời mới nên khi không đủ tiền, người Việt tìm đến iPhone đã qua sử dụng. Cũng vì tâm lý "sính" Apple, chấp nhận mua máy cũ mà hàng dựng, máy được mông má lại vẫn có đất sống. Hay như iPhone khoá mạng cũng bán "như tôm tươi" tại Việt Nam, dù dùng máy lock thì sóng kém, bị khoá nhiều tính năng.
Đã dùng qua một số mẫu điện thoại, có cả iPhone và tôi thấy với người dùng bình thường thì cũng không nhất thiết phải sắm smartphone quá đắt tiền. Người Việt đừng nên quá trọng hình thức mà phải gồng gánh mua bằng được iPhone. Khoản tiền tiết kiệm được bạn có thể đầu tư được rất nhiều việc, bởi tính trung bình nó cũng là bằng cả nửa năm làm của rất nhiều người Việt.