Theo Bộ NN-PTNT, lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 31/1/2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 8.570 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5.982.679 con, tổng trọng lượng là 341.957 tấn. Song, đến nay, dịch bệnh này đã được kiểm soát tốt, nhiều địa phương tập trung tái đàn nhanh, hiệu quả.
Đến nay, thống kê của các cơ quan quản lí chuyên ngành thú y các địa phương và doanh nghiệp chăn nuôi lớn, cho thấy tổng đàn lợn cả nước là trên 24 triệu con, trong đó có khoảng 2,7 triệu con lợn nái. Từ tháng 1/2020, Việt Nam bắt đầu có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn, và sẽ tăng cao từ tháng 2/2019.
Từ thực tế tái đàn ở các địa phương, Bộ NN-PTNT dự báo khả năng đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho năm 2020 khoảng hơn 4 triệu tấn (trong điều kiện kiểm soát tốt được dịch bệnh, nhất là bệnh DTLCP).
Cụ thể, tháng 2/2020, dự báo lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường đạt khoảng 330.000 tấn; tháng 3 khoảng 350.000 tấn; tháng 4 khoảng 360.000 tấn; tháng 5 khoảng 360.000 tấn; tháng 6 khoảng 365.000 tấn.
Quý III/2020, dự báo lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường đạt 1,098 triệu tấn; quý IV là 1,145 triệu tấn.
Trong khi đó, để bù đắp thiếu hụt, Việt Nam đã gia tăng lượng thịt lợn nhập khẩu. Tổng sản lượng các loại thịt nhập khẩu trong năm 2019 tăng 17%, riêng thịt lợn tăng 63% so với năm 2018. Việt Nam đang không giới hạn định mức (không cấp quota) về số lượng thịt lợn nói riêng, cũng như các sản phẩm động vật được phép nhập khẩu.
Năm 2019, có 600 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Trong đó, 150 doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn (tăng 50 doanh nghiệp so với năm 2018).
Bộ NN-PTNT đã tổ chức họp với các doanh nghiệp để bàn giải pháp thúc đẩy nhập khẩu; đồng thời chỉ đạo các cơ quan thú y tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác kiểm dịch thịt lợn nhập khẩu.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động làm việc, trao đổi với hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm thịt có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các doanh nghiệp, khó khăn hiện nay là do bệnh DTLCP xảy ra ở nhiều quốc gia nên nguồn cung thịt lợn bị ảnh hưởng lớn. Các nhà xuất khẩu thường sản xuất dựa trên kế hoạch và hợp đồng đã kí trước đó tối thiểu từ 3-5 tháng. Trong khi, thời gian vừa qua là kì nghỉ Noel và Tết dương lịch của các nước xuất khẩu, vì thế các nhà máy giết mổ gia súc và các doanh nghiệp xuất khẩu thường đóng cửa.
Đặc biệt, Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề do bệnh DTLCP nên cần rất nhiều thịt lợn. Giá thịt lợn ở nước này hiện rất cao, nên các doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng mua thịt lợn nhập khẩu với giá cao hơn (20-30%) so với các doanh nghiệp Việt Nam, và họ thường mua với số lượng rất lớn. Ngoài ra, các nước đã kí hợp đồng xuất bán thịt lợn cho doanh nghiệp Trung Quốc ngay từ đầu năm 2019.
Với thị trường Mỹ, ngoài vấn đề giá, thuế nhập khẩu cao, hiện nay, lượng thịt lợn cũng không dồi dào, việc tìm được các nguồn cung cấp với giá hợp lí gặp khó khăn.
Chưa kể, dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra tác động lớn đến hoạt động thương mại, kể cả việc đi lại của các doanh nghiệp sang các nước để tìm kiếm, đàm phán nhập khẩu thịt lợn.
Do đó, Bộ NN-PTNT đề xuất Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các nguồn hàng thịt lợn với giá hợp lí tại Hoa Kỳ và tại các nước. Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ; đồng thời chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện trong việc thông quan hàng thịt lợn nhập khẩu.
Kinh doanh 05:00 | 30/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 29/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 28/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 27/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 26/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 25/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 24/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 23/08/2024