Giá thịt lợn cứ cao quá, người tiêu dùng quay lưng không ăn nữa

"Giá thịt lợn nên ở một mức hợp lí mới kích thích sản xuất phát triển bền vững, còn giá cứ cao quá thì người tiêu dùng quay lưng không ăn nữa vì họ có rất nhiều lựa chọn khác như: tôm, trứng, cá…".

Bà con nông dân gánh phần lớn thiệt hại

Trao đổi với báo chí vào chiều cuối năm 2019 về dịch tả lợn châu Phi và tình hình tái đàn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước năm 2020, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, thừa nhận, năm nay chúng ta có điểm không may khi dịch tả lợn châu Phi tràn vào. Ở Trung Quốc – nước láng giềng với Việt Nam, họ còn gặp khủng hoảng vì dịch bệnh này.

"Ở Việt Nam, dịch tả lợn châu Phi bắt đầu từ ngày 1/2/2019. Qua quá trình ứng phó với dịch bệnh, chúng ta rút được ra rất nhiều bài học. Trong đó, bài học đầu tiên mà nhận được là về vấn đề an ninh lương thực, phải coi đây là nhiệm vụ số một trong sản xuất nông nghiệp. Lơ là một cái sẽ chết ngay”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Giá thịt lợn cứ cao quá, người tiêu dùng quay lưng không ăn nữa - Ảnh 1.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, dịch tả lợn châu Phi khiến chúng ta phải tiêu hủy gần 6 triệu con lợn, song đàn lợn hạt nhân vẫn giữ được an toàn và gần như nguyên vẹn.

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, đến giờ phút này tổng đàn lợn bị tiêu hủy gần 6 triệu con với sản lượng tương đương khoảng 340.000 tấn thịt. Song, điều xót xa nhất chính là thiệt hại này lại rơi vào phần lớn bà con nông dân, những người chăn nuôi nhỏ lẻ, yếu thế. Những cơ sở sản xuất lớn họ có đà để lấy lại lại được những gì đã mất.

Thời điểm cao nhất rơi vào tháng 5, tháng 6 năm 2019.  Tiêu hủy đỉnh điểm tháng 5 là 1,270 triệu con lợn, đến vừa rồi lượng lợn tiêu hủy giảm xuống chỉ 40.000 con, tức đã giảm được khoảng 97 so với thời kì cao điểm. Theo đó, có 80% số xã bệnh này không quay lại. Hiện cũng đã có 3 tỉnh có 100% số xã không có dịch quay trở lại.

Bộ trưởng Cường cũng cho biết tháng 10 năm 2019, khi dịch bệnh giảm, các địa phương đã có chủ trương tập trung tái đàn. Và điều đáng mừng là chúng ta giữ được lực lượng hạt nhân bao gồm 109.000 con lợn cụ kị, ông bà, giữ được 2,7 triệu lợn nái.

Ông Cường cho biết không chỉ giữ được đàn lợn cụ kị, ông bà, ngay cả những ngành dịch vụ trong hệ sinh thái ngành chăn nuôi vẫn giữ được nguyên. Đặc biệt, các tổ hợp chăn nuôi lớn, nhất là 17 doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện nay bị tổn thương một số rất nhỏ thôi, đa phần giữ được nguyên vẹn.

Tìm sinh kế mới cho người chăn nuôi nhỏ

Cũng theo Bộ trưởng Cường, dịch bệnh xảy ra, thiệt hại lớn, song chúng ta đã rút được ra được nhiều bài học kinh nghiệm từ cơ quan chỉ đạo cho đến người dân, trong đó hiểu được thế nào là chăn nuôi an toàn sinh học. Làm an toàn sinh học triệt để thì bệnh dịch này dù rằng chưa có vắc xin phòng ngừa vẫn giữ được đàn.

Giá thịt lợn cứ cao quá, người tiêu dùng quay lưng không ăn nữa - Ảnh 2.

Bộ trưởng Cường cho rằng các địa phương phải tìm sinh kế mới cho người chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, còn nếu để họ tái đàn trong khi không đủ điều kiện đảm bảo an toàn sinh học mà gặp dịch tả lợn châu Phi thì sẽ rủi ro rất lớn.

Đáng chú ý, từ tháng 10 đến nay rất nhiều tỉnh thông báo tái đàn thành công. Như vừa rồi đi thực tế ở Bắc Giang, gia đình chị Thái (chủ trang trại chăn nuôi lợn với quy mô hơn 10.000 con) chúng ta tới thăm cũng nuôi an toàn sinh học, kì này xuất ra 300 tấn thịt cho thị trường mùa Tết. Tỉnh Hưng Yên, Đồng Nai cũng đang tái đàn rất tốt.

Theo Bộ trưởng Cường, 17 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, theo tiến độ hiện nay thì khoảng tháng 2, tháng 3 năm 2020 họ sẽ trở lại trạng thái bình thường như thời điểm trước khi chưa có dịch, thậm chí có đơn vị cơ cấu đàn còn cao hơn. Song chúng ta phải quán triệt thật chặt vấn đề an toàn sinh học.

Song, ông cũng thừa nhận rằng vấn đề tái đàn ở những hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ cần phải đưa ra bàn bạc kĩ. Bởi, những hộ này không đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học được tốt như các cơ sở lớn.

“Chúng tôi khuyến nghị với các địa phương phải tìm sinh kế mới cho những đối tượng này. Có thể hướng họ chuyển đổi sang chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, chuyển sang cây trồng khác. Việc này rất khó khăn nhưng vẫn phải làm. Không để tình trạng các hộ nhỏ lẻ này thấy giá lợn tăng cao lại quay lại tái đàn rồi gặp rủi ro lần thứ 2”. Bộ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu, các địa phương không để tình trạng quá chú ý đến an toàn tuyệt đối mà không nghĩ đến sinh kế mới rồi để cho bộ phần này không có quyền làm.

Đề cập đến vấn đề nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2020, Bộ trưởng cho biết ngay từ đầu năm chúng ta đã có chủ trương đẩy mạnh nhóm sản phẩm khác như gia cầm, đại gia súc, thủy sản… Tổng sản lượng thực phẩm cuối năm do đó không thiếu, thậm chí đáp ứng đủ vấn đề xuất khẩu. Song, ông cũng thừa nhận, hiện đang bị thâm hụt ở cơ cấu thịt lợn.

Bộ trưởng Cường cũng cho biết hiện nay giá thịt lợn đang ở mức khá cao một phần do nguồn cung thiếu, phần nữa do giá thành sản xuất cao. Tuy nhiên, mấy ngày hôm nay giá bắt đầu hạ xuống, các  doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã giảm giá xuống còn 83.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng.

"Giá thịt lợn nên ở một mức hợp lí thì mới kích thích sản xuất phát triển bền vững, còn giá cứ cao quá thì người tiêu dùng quay lưng không ăn nữa, vì họ có rất nhiều lựa chọn khác như: tôm, trứng, cá…", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.


chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.