Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo phải tạo mọi điều kiện cho thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo lưu thông, tránh hiện tượng găm hàng, thổi giá lên cao bất thường tại Hội nghị "Triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất, đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi", diễn ra hôm qua (26/12).
Số liệu cập nhật mới của Cục Thú y về tình hình dịch tả heo châu Phi trên cả nước cho biết từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 24/12/2019, số lượng heo bị tiêu hủy trên cả nước gần 6 triệu con, tổng trọng lượng khoảng 341.000 tấn, chiếm 9% tổng trọng lượng heo của cả nước.
Ứớc tính sản lượng thịt heo cả năm 2019 đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018, gồm giảm khoảng 9% do thiệt hại của dịch tả và gián tiếp do chưa tái đàn.
Hiện nay, theo số liệu của Cục Thú y, đàn heo cả nước còn khoảng 25 triệu con, trong đó đàn nái là 2,7 triệu con. Các doanh nghiệp tập trung nhiều nguồn lực đầu tư giữ đàn heo cụ kị, ông bà, hiện còn khoảng 109.000 con chưa bị dịch, cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn.
Song song đó, các loại thực phẩm khác nhằm tăng cường thay thế một phần thịt heo cũng tăng đáng kể. Tổng sản lượng các loại thực phẩm trong năm 2019 đã tăng hơn 726.000 tấn so với năm 2018, trong đó, thịt bò tăng 8.600 tấn, thịt dê, cừu tăng 4.100 tấn, thịt gia cầm tăng 193.000 tấn, thủy sản tăng 430.000 tấn.
Bộ Nông nghiệp nhận định nhiều địa phương đã chỉ đạo nuôi tái đàn heo có kết quả tốt như Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai...
Các doanh nghiệp lớn có chuỗi thịt heo đã và đang mở rộng hàng trăm điểm bán thịt chất lượng, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố, để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trước, trong và sau Tết Canh Tí 2020.
Theo Cục Thú y, chính quyền cơ sở và các cơ quan thú y địa phương cần kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn, tăng cường hướng dẫn, giám sát tình hình chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh, đồng thời, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn và phát triển đàn heo của địa phương.
Cục Thú y cũng đề nghị các địa phương, các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát vận chuyển heo giống và sản phẩm thịt heo đã qua chế biến sâu theo quy định hiện hành.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tại Việt Nam trong thời gian dịch tả châu Phi diễn biến phức tạp, đồng thời, cho rằng các doanh nghiệp phải có sự chia sẻ, có trách nhiệm với thị trường hiện nay.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng các doanh nghiệp chăn nuôi nước ngoài tại Việt Nam đang nhờ thị trường tiêu thụ lớn với 100 triệu dân, có mức tiêu thụ thịt heo chiếm cơ cấu rất cao, tới 60-70%.
Theo ông, ngoài năng lực của doanh nghiệp, còn phải có điều kiện tiên quyết là sự đồng thuận của chính sách, tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Vì vậy trong bối cảnh khó khăn của chăn nuôi heo, các doanh nghiệp phải có tinh thần chia sẻ, có trách nhiệm với thị trường, không cố tình găm hàng đẩy giá để thu lợi trong ngắn hạn.
Bộ trưởng đề nghị trong hoàn cảnh hiện nay, các doanh nghiệp chăn nuôi heo phải đóng vai trò dẫn dắt, đặc biệt là dẫn dắt về giá, làm chủ sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi, tạo sự ổn định thị trường 100 triệu dân, tiến tới xuất khẩu, trở thành cường quốc về chăn nuôi.
Các bộ ngành, địa phương thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá các mặt hàng thực phẩm, nhất là giá thịt heo, để người sản xuất và người tiêu dùng biết. Đồng thời, hỗ trợ các hộ tái đàn trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu về an toàn dịch bệnh.
Kinh doanh 05:00 | 30/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 29/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 28/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 27/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 26/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 25/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 24/08/2024
Kinh doanh 05:00 | 23/08/2024