Nguy cơ khôn lường từ việc hôn và mớm cơm cho trẻ

Một nụ hôn cũng tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường về sức khỏe của trẻ.

Mới đây, trên trang cá nhân, chị P.N. trú tại TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ về việc con gái gần 1 tuổi của chị phải nhập viện do sốt. Sau khi nhập viện, bé được bác sĩ chẩn đoán mắc tay chân miệng. Tuy nhiên sau đó bệnh tình của bé nặng hơn, môi nứt chảy máu, không ăn được, sút cân nhanh nên được chỉ định xét nghiệm tủy. Bác sĩ thông báo kết quả, bé bị viêm màng não và đang điều trị tích cực.

“Trên thế giới đã khuyến cáo là không mớm đồ ăn hay hôn trẻ nhỏ, đã có những em bé không qua khỏi do hành động đó của người lớn. Trong nước bọt có thể truyền rất nhiều bệnh và diễn biến khôn lường khi vào cơ thể trẻ. Vậy mà họ vẫn phủ nhận, và đổ lỗi lại cho người mẹ không biết chăm con.

Không một ai có thể thấu được cảm giác đau đớn tột cùng của người mẹ khi chỉ được đứng sau cánh cửa phòng chờ bác sĩ chọc lấy dịch tuỷ của con. Nghe tiếng kêu cứu của con, con khóc mẹ khóc..

Không ai khác hiểu được cảm giác nhìn vết thương tứa máu k ngừng của con, nhìn con bé yếu lả đau đớn trên tay vì không thể ăn được mà phải điều trị kháng sinh mạnh”, chị N. chia sẻ.

nguy co khon luong tu viec hon va mom com cho tre
Nhiều bệnh lý nguy hiểm có thể lây truyền qua nụ hôn. Ảnh: Nidokidos

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi trên Vietnamnet, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, xét về mặt lý thuyết, tất cả những bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp, lây truyền qua nước bọt hoặc tiếp xúc trực tiếp đều có thể lây qua nụ hôn. Trong đó các bệnh lây qua đường hô hấp phổ biến như vi khuẩn lao, vi khuẩn não mô cầu hoặc virus cúm, sởi, quai bị...

Bệnh lây qua tiếp xúc, phổ biến là virus Herpes, chúng có thể gây các vết loét, mụn nước dạng herpes trên da, thường ở vùng bán niêm mạc hoặc virus có thể xâm nhập, tồn tại dạng “ngủ” âm thầm trong người, đến khi có điều kiện thuận lợi sẽ tái hoạt động gây chốc mép, zonar, thậm chí viêm não do herpes.

Virus cytomegalo (CMV) cũng thuộc nhóm Herpes cũng lây lan qua nước bọt. Nhiễm CMV thường không gây bệnh nghiêm trọng, tuy nhiên nếu bào thai bị nhiễm CMV có thể có những rối loạn phát triển nghiêm trọng. Ngoài ra ở những người có sức đề kháng kém chúng có thể gây tổn thương phổi, gan, hoặc bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng.

Tuy vậy, BS Cấp cho biết, mặc dù hôn chỉ là con đường lây truyền thứ yếu vì ít trường hợp xảy ra nhưng khi người lớn đang mắc các bệnh hô hấp, cúm, tay chân miệng... cần tránh tiếp xúc với trẻ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai khẳng định, các mẹ không nên nhai cơm mớm cho trẻ, bởi trẻ sẽ có nguy cơ lây nhiễm hàng trăm bệnh khác nhau. Trong miệng của người lớn có hàng trăm, hàng nghìn vi khuẩn, virus cộng sinh. Trẻ nhỏ, sức đề kháng yếu nên khi có cơ hội xâm nhập, vi khuẩn, vi rút sẽ lây lan và trẻ phát bệnh rất nhanh.

Theo bác sĩ không phải cứ người lớn nào có biểu hiện hoặc được chẩn đoán mắc bệnh có thể lây qua đường hô hấp, tiêu hóa mới truyền bệnh cho trẻ. Trên thực tế, có rất nhiều người mang bệnh mà không biết, được gọi là người mang trùng nghĩa là trong cơ thể họ đã có sẵn mầm bệnh. Chính vì thế, khi nhai cơm mớm cho trẻ người lớn có thể vô tình truyền bệnh sang cho bé.

Một nguy cơ nữa các mẹ có thể truyền bệnh cho con qua việc nhai cơm là các bệnh về răng miệng. Thống kê của ngành y tế cho thấy có đến hơn 90% người Việt Nam mắc các bệnh về răng miệng nên nguy cơ truyền bệnh cho trẻ là rất lớn. Ngoài ra, người bị các bệnh mạn tính như HIV, viêm gan B,C cũng có thể truyền bệnh cho trẻ qua việc nhai cơm, dù trường hợp này hiếm khi xảy ra.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.