Hội thảo “Chương trình quốc gia phòng chống ung thư: Vai trò của giám sát và đánh giá”. Ảnh: ĐT |
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết, Việt Nam đang đối mặt với bệnh tật kép: Bệnh lây nhiễm, mới nổi và bệnh không lây nhiễm, trong đó ung thư với 100 loại khác nhau đang là vấn đề báo động và là một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Theo Phó giáo sư Khuê, việc gia tăng các bệnh nhân ung thư có thể do biến đổi khí hậu, lối sống thay đổi, do ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm nhưng cũng có thể bởi tiến bộ khoa kỹ thuật giúp phát hiện sớm bệnh, người dân có ý thức đi khám hơn.
Hơn 30% các ca tử vong nguyên nhân do ung thư có thể được ngăn ngừa bằng cách thực hiện các lối sống lành mạnh, đặc biệt là không sử dụng thuốc lá. Cũng có thể tiêm chủng để phòng các ung thư gây ra do các nhiễm trùng như HBV, HPV. Việc phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả, bao gồm giảm đau và chăm sóc giảm nhẹ sẽ làm tăng tỉ lệ sống sót do ung thư.
Phó giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám Đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Nghiên cứu phòng chống ung thư đánh giá ung thư đang trở thành thảm họa sức khỏe thầm lặng. PGS Thuấn cho biết 80% bệnh nhân ung thư có liên quan đến môi trường sống hàng ngày trong đó bao gồm cả lối sống thiếu khoa học, các thói quen sinh hoạt xấu như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và không an toàn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo ung thư sẽ trở thành nhóm bệnh chủ yếu (chiếm 54% nguyên nhân gây tử vong) đe dọa đến sức khỏe con người trong khi nhóm bệnh nhiễm trùng sẽ bị đẩy xuống hàng thứ yếu (chỉ chiếm 16%)
Để phòng và kiểm soát ung thư tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống bệnh ung thư giai đoạn 2015-2025 cùng với nhiều giải pháp toàn diện như xây dựng chính sách, kế hoạch hành động, sàng lọc, phát hiện sớm, điều trị và quản lý bệnh; tăng cường hoạt động về truyền thông giáo dục sức khoẻ, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế và thiết lập hệ thống giám sát...
Kết quả điều tra của dự án phòng chống ung thư giai đoạn 2010 – 2015 cho thấy ý thức của người dân về phòng chống ung thư đã được nâng cao đáng kể. Trên 90% người dân biết hoặc nghe nói đến bệnh ung thư trong khi 1 nghiên cứu năm 2008 cho thấy tỷ lệ này ít hơn 50%.
Năm 2016 là giai đoạn đầu tiên thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống ung thư, việc thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát về ung thư là rất cần thiết, quan trọng. Hệ thống này cần bảo đảm cung cấp các thông tin y tế thường xuyên, kịp thời, phân tích về các chỉ số sức khoẻ; chia sẻ, phổ biến thường xuyên các kết quả theo dõi, đánh giá. Đây là những thông tin quan trọng cho việc lập kế hoạch và thực hiện các chính sách, can thiệp y tế.