Nhà báo Thu Hà: Tôi vẫn ân hận vì ngày xưa cho con vào trường công lập đó

Đưa ra rất nhiều quan điểm đa chiều về trường công và trường tư, sau tất cả, nhà báo Thu Hà kết luận rằng, không có trường nào là tốt nhất, chỉ có những trường phù hợp nhất.
 

Chọn trường công hay trường tư vẫn luôn là câu chuyện nóng chưa bao giờ hạ nhiệt với các bậc phụ huynh. Trên mạng xã hội cũng thường xuyên xuất hiện những cuộc tranh cãi, các bậc phụ huynh “đua nhau” thể hiện quan điểm của bản thân. Có người thì một mực khẳng định, trường công tối ưu hơn hẳn. Có kẻ lại khăng khăng, trường tư mới là sự lựa chọn hàng đầu.

Trước đó, bà mẹ trẻ Nguyễn Hương Linh đã đưa ra quan điểm, trường công lập quá tuyệt vời và nhiều ưu điểm. Chị cho rằng, thay vì nai lưng ra trả vài trăm triệu một năm cho trường quốc tế thì hoàn toàn có thể cho con học trường công lập với giá bằng 1/5. Số tiền còn lại dùng để đưa con đi du lịch, cho con học đàn, học vẽ...

Thế nhưng, nữ nhà báo Thu Hà lại có những góc nhìn khác. Chị chia sẻ, vẫn cảm thấy ân hận vì ngày xưa mẫu giáo đã cho con vào một ngôi trường công lập không tốt. Hãy cùng lắng nghe những quan điểm của nữ nhà báo để phần nào có cái nhìn đa chiều về vấn đề đang nóng này.

Những đánh giá trường công – trường tư khiến nhiều người tán đồng

“Nghe các mẹ đang nóng quanh chuyện chọn trường cho con. (Gọi tắt là trường quốc tế nhưng có trường chỉ là tăng cường tiếng Anh, trường song ngữ, và trường quốc tế 100%. Học phí khác nhau, chương trình, bằng cấp, và chất lượng khác nhau. Thôi nói gọn là trường tư, để phân biệt với trường công). Xu Sim thì đã học qua cả trường công và trường tư. Và tôi thì đang hài lòng với trường tư.

nha bao thu ha toi van an han vi ngay xua cho con vao truong cong lap do

Nhà báo Thu Hà

Giờ nghĩ lại tôi vẫn ân hận vì ngày xưa mẫu giáo đã cho Xu vào ngôi trường công lập đó. Lớp 42 học sinh, 3 cô giáo. Trường mới xây dựng, cơ sở vật chất rất tốt, sân rộng, khuôn viên rất đẹp. Vườn trường rất đẹp nhưng không được vào chơi. Trang trí trong lớp nhiều đồ sứ và phale, đồ chơi gọn gàng ngăn nắp, nhưng chỉ để Sở về chấm. Các con thường xuyên phải ngồi yên trên ghế. Xu khó ăn, nên bị cô đánh nhiều lần, và có lần bị nhốt vào thang máy vận chuyển thức ăn. Cô rất giỏi trong việc cấm tụi trẻ con mách ba mẹ. Xu chuyển trường mấy năm mới dám kể hết với tôi.

Nhưng cũng có những giáo viên và trường công lập rất tốt như cô Minh trường MN4, Quận 3. Xu học lớp 2 rồi mà nhắc cô Minh vẫn khóc vì nhớ.

Hồi lớp 1, 2, 3 Xu Sim học tiểu học công lập. Cũng đủ vấn đề, như giáo viên dạy các con phải nói dối khi Sở về thanh tra. Viết lem bị xé vở bắt viết lại từ đầu, nhà vệ sinh bẩn, quá tải, thiếu nước thiếu giấy...

Tuy nhiên, đọc các bài viết thấy nhiều mẹ kỳ vọng vào trường quốc tế quá. Ở đâu cũng có trò ngoan trò hư, và phần lớn thì chỉ cần gặp ba mẹ là có thể hiểu ngay tại sao.

Tôi 17 năm làm báo Hoa học trò, tiếp xúc với nhiều thế hệ học sinh, cũng từng cộng tác với trường quốc tế, tôi hiểu kha khá từ bên trong.

Ngay cả những trường quốc tế học phí 30 - 50 triệu/tháng, vẫn có những học sinh có vấn đề, vẫn có học sinh chửi bậy, đánh bạn, vẫn có những học sinh bị trầm cảm và phải nghỉ học.

Vẫn có học sinh phải chạy show đi học thêm. 3h chiều tan thì 3h15 đi học piano, nhảy, vẫn có gia sư Toán, tiếng Anh.... (nhất là học sinh Hàn Quốc và Việt Nam).

Có học sinh ở Quận 1, Quận 3 cách trường có 5km cũng ở nội trú. Bởi “về nhà chẳng có ai, ba mẹ đi làm tới khuya mới về và đi công tác liên tục, nên em buồn lắm!”.

Nhiều mẹ nói muốn chuyển con ra trường quốc tế để cho con học được tự tin. Tuy nhiên, trong trường quốc tế vẫn có những học sinh rất nhút nhát. Nếu trường quốc tế mà có Ban giám hiệu Việt Nam và hay khoe thành tích thì giáo viên vẫn đánh phạt học sinh, xé vở xé bài quăng xuống đất như thường.

Nhiều bạn bè tôi đã từng lo lắng là trường tư nhiều con nhà giàu, dễ bị kỳ thị, phân biệt. Nhưng bạn bè Xu Sim lại rất dễ thương, thậm chí vô tư hơn, ngây thơ hơn, ít mập hơn, và dậy thì chậm hơn ở trường công. Tôi cũng thân với nhiều phụ huynh của bạn con hơn. Phần lớn người giàu thì lại quan tâm tới việc giáo dục con, và người nghèo hơn đang bỏ bê con nhiều hơn (tất nhiên cũng có ngoại lệ).

Không có trường nào là tốt nhất, chỉ có những trường phù hợp nhất

nha bao thu ha toi van an han vi ngay xua cho con vao truong cong lap do

Chị Thu Hà với cuốn sách nhiều bà mẹ săn tìm để... học cách dạy con

Cá nhân tôi chọn trường tư vì tôi thấy Xu Sim khổ đủ rồi, 2 nàng ấy xứng đáng được ngồi học có máy lạnh, xứng đáng học lớp ít hơn 20 học sinh, xứng đáng có nhà vệ sinh sạch sẽ, xứng đáng được nói năng, chạy nhảy thoải mái, được thức dậy trễ, được đi ngủ sớm, được vận động liên tục trong giờ học, được học, được giao tiếp với giáo viên bản xứ, giọng bản xứ, và nhất là văn hóa, tư duy của người bản xứ... Xu Sim không bị cô đánh, và tôi thì không bị cô chửi.

Tất nhiên, đồng nghĩa với việc tôi phải làm nhiều hơn. Nhưng ngay trong nỗ lực rướn lên một chút đó, chính tôi cũng nhận được về cho mình nhiều giá trị. Tôi không còn là một cô biên tập viên lặng lẽ, mờ nhạt, xìu xìu ển ển ngày xưa.

Nhưng nếu con học quốc tế mà ba mẹ quá lao lực, quá vất vả và mệt mỏi thì cũng không hay. Nếu con bạn ngoan, nó sẽ cảm thấy nặng nề bởi sự hi sinh của ba mẹ. Và cả đời nó sẽ cảm thấy mắc nợ, cả đời không sống tự do và hạnh phúc được. Còn nếu con hư, thì lại nuôi thêm sự ích kỷ trong con, cho phép con vô tâm tàn nhẫn sống trên sự hi sinh của bố mẹ.

Bởi vậy, tôi cho rằng không có trường nào là tốt nhất, chỉ có những trường phù hợp nhất.

Gandhi nói “Bạn hãy trở thành điều mà bạn đang mong muốn ở thế giới”. Nếu bạn muốn con mình được học trong một môi trường thân thiện, không áp lực, thì hãy thân thiện, không áp lực với con ngay từ trong gia đình mình.

Bạn có thể phụ một tay với cô giáo để lớp tốt dần lên. Bạn có thể lập một môi trường học lành mạnh ngay trong nhà mình. Thực ra thì phụ huynh không thích nghe những bài như thế này đâu. Họ thích những lời khuyên chìa khóa, chỉ một vài câu là giải quyết hết mọi vấn đề.

Nhưng ba mẹ ạ, con mình không có thể chọn được ba mẹ khi sinh ra, nhưng ba mẹ thì có thể chọn phiên bản tốt nhất của mình, cho con.

Làm sao để buổi sáng con vui vẻ tới trường, và buổi chiều con vui vẻ trở về nhà, thì đó là trường tốt”.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.