Nhà báo Trần Mai Anh - người tiết kiệm nỗi đau, sự chịu đựng và cả nước mắt

"Đời này cần phải tiết kiệm cả nỗi đau, tiết kiệm sự chịu đựng, tiết kiệm cả nước mắt. 1.000 đứa trẻ khác còn đang chờ được xếp lịch mổ, không có chỗ nào cho sự bi lụy của tôi", nhà báo Trần Mai Anh, mẹ Thiện Nhân - người sáng lập, điều phối Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” nói.
nha bao tran mai anh nguoi tiet kiem noi dau su chiu dung va ca nuoc mat

Quay trở lại thời điểm hơn 10 năm về trước, một buổi sáng tháng 7/2006, người dân ở huyện Núi Thành, Quảng Nam phát hiện trong vườn hoang một bé sơ sinh đang thoi thóp với cơ thể tím đen, trên mình hằn đầy những vết cắn, gặm. Cháu bé được đưa đến Bệnh viện đa khoa Quảng Nam trong tình trạng một chân phải và bộ phận sinh dục bị mất. Bé bị mẹ bỏ rơi trong vườn 3 ngày ngay sau khi lọt lòng nhưng vẫn sống. Các bác sĩ tại bệnh viện đã đặt tên cho bé là Thiện Nhân.

Sau đó một thời gian, đọc được thông tin trên báo về trường hợp Thiện Nhân, chị Trần Mai Anh đã lên đường vào Quảng Nam thăm hỏi đồng thời bày tỏ nguyện vọng đón Thiện Nhân về nuôi. Quyết định của chị Mai Anh vào thời điểm đó gây chú ý và xôn xao trong dư luận, nhiều người tò mò về chị, báo chí viết nhiều về chị. Quyết định đó mở ra cả một hành trình dài đằng đẵng những tháng những năm chị đồng hành cùng Thiện Nhân trải qua các cuộc phẫu thuật lớn nhỏ với hy vọng con được tự tin vào nhà vệ sinh như các bạn và làm một người lành lặn bình thường.

nha bao tran mai anh nguoi tiet kiem noi dau su chiu dung va ca nuoc mat

Người ta dành tặng nhiều mỹ từ cho chị, người đàn bà thép, người phụ nữ nhân hậu, người mẹ có trái tim yêu thương, người được trao sứ mạng mang hạnh phúc đến cho trẻ em. Người ta cũng tò mò lý do tại sao chị lại có quyết định liều lĩnh đón Thiện Nhân về nuôi, tự mình trói buộc mình vào một hành trình không biết đến khi nào là kết thúc.

Bản thân chị Mai Anh lý giải cho sự liều lĩnh của mình, từ quyết định đón Thiện Nhân về nuôi đến tất cả mọi việc sau này đều nằm ở tâm thế không sợ gì và sẵn sàng đối mặt với mọi thứ. Gia đình chị từng trải qua nhiều biến cố, nhiều tai nạn không ngờ, thế nên vô hình chung, chị nhìn nhận sự việc cũng đơn giản và nhẹ nhàng hơn người khác. Ngày quyết định đón Thiện Nhân về nuôi, chị đơn thuần chỉ nghĩ như thế sẽ tốt cho con hơn, con được ăn no hơn, được ở một nơi sạch sẽ hơn. Việc sẽ chữa trị cho con thế nào, cần nhiều tiền ra sao, chị đều không hề suy tính trước.

nha bao tran mai anh nguoi tiet kiem noi dau su chiu dung va ca nuoc mat

Hơn cả một người mẹ vĩ đại

Đã hơn 10 năm trôi qua kể từ ngày chị Mai Anh đón Thiện Nhân về nuôi. Trong hành trình hơn 10 năm ấy, chị cùng con đi 3 vòng trái đất với 9 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ với ước mơ tìm lại phần cơ thể đã mất cho con. Nhắc đến Thiện Nhân là nhắc đến người mẹ vĩ đại Trần Mai Anh. Nhưng nếu ai hiểu tường tận cuộc hành trình của hai mẹ con suốt 10 năm qua và cả cuộc hành trình với 1.000 hồ sơ những bé trai, bé gái bị khiếm khuyết cơ quan sinh dục chờ được thay đổi số phận thì sẽ thấy lúng túng bởi tính từ “vĩ đại” là chưa đủ với chị.

nha bao tran mai anh nguoi tiet kiem noi dau su chiu dung va ca nuoc mat

Ngay khi đón Thiện Nhân về chung sống với gia đình, điều chị Mai Anh trăn trở đầu tiên là tìm cơ hội tái tạo bộ phận sinh dục cho con, ước mong con được làm người đàn ông đúng nghĩa. Ôm con đi khắp nơi hỏi han, nhưng chị chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối của bác sĩ. Chị gửi thông tin, hồ sơ bệnh án, tình trạng của Nhân đến khắp các bệnh viện trên thế giới, dù chỉ một tia hy vọng cũng là quý giá.

Ngày 13/8/2008, bắt đầu cuộc hành trình mà chị Mai Anh gọi là hành trình không đoán định. Chuyến đi Mỹ của hai mẹ con ngày đó phải hoàn thành nhiều nhiệm vụ: gặp nhóm bác sĩ sẽ theo dõi và trị liệu cho Thiện Nhân lâu dài trong 15 năm tới, xử lý phần cứng cũng như phần ‘đôi khi mềm’ của Nhân, bỏ được cái bỉm nóng nực cả ngày và có cái chân xịn và tham dự hội thảo để tìm cơ hội tái tạo bộ phận sinh dục cho Nhân. Ngày 21/8/2008, Nhân được phẫu thuật tiết niệu tại Mỹ. Cũng vào cuối năm này, Nhân được lắp chân giả đầu tiên nhưng khả năng tái tạo bộ phận sinh dục vẫn rất mong manh.

Tưởng như đã tuyệt vọng, nhưng khi biết tin có một cuộc hội thảo khoa học về các tiến bộ mới của y khoa tại Mỹ ngay lúc Thiện Nhân đang điều trị ở đó, chị Mai Anh đã tìm cơ hội để có mặt và giới thiệu trường hợp của Thiện Nhân đến các nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Vào năm 2010, khi bác sĩ Roberto De Castro ở Bệnh viện Bologna, Ý công bố công trình phẫu thuật và tái tạo thành công bộ phận sinh dục, giữ được chức năng, cảm giác và cả sự phát triển cùng với cơ thể, thì chị Mai Anh được báo tin đầu tiên và tên của Thiện Nhân cũng được giới thiệu ngay lập tức. Sau khi thăm khám cho Thiện Nhân, bác sĩ Roberto gật đầu bảo “được” và thông báo Nhân sẽ phải phẫu thuật ít nhất ba lần.

Vào đúng dịp Tết Tân Mão 2011, trải qua 8 tiếng phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục tại bệnh viện Bologna, Ý, Thiện Nhân cuối cùng cũng có con chim xinh xinh như các anh, tự tin tới lớp và đi vệ sinh cùng các bạn. Tháng 6/2012,Thiện Nhân quay trở lại Bệnh viện Bologna để phẫu thuật lần hai hoàn thiện bộ phận sinh dục đã được tái tạo trong cuộc phẫu thuật trước đó. Và tới 14 - 15 tuổi, Thiện Nhân sẽ còn phải trải qua cuộc phẫu thuật cuối cùng trước khi bước vào tuổi trưởng thành.

Thiện Nhân từ một sinh linh bé bỏng bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục và khi người ta phát hiện em, em gần như không có một biểu hiện của sự sống, thì giờ đây trở thành cậu bé lanh lợi, thông minh, ngoan ngoãn và lễ phép.

Hành trình mở ra hành trình

nha bao tran mai anh nguoi tiet kiem noi dau su chiu dung va ca nuoc mat

Số phận không may mắn của Thiện Nhân khi vừa mới lọt lòng đã mở ra nhiều cánh cửa hy vọng cho những cuộc đời khác. “10 năm đón nhận cậu con trai Thiện Nhân cho tôi hiểu, cái hành trình không kết thúc ấy chính là hành trình đã mở ra nhiều điều kỳ diệu. Bởi hành trình đấy là hành trình sống để yêu thương”, chị Mai Anh đã chia sẻ như thế khi nói về “Quỹ Thiện Nhân và những người bạn”.

Chương trình chính thức khởi động từ tháng 6/2011 với chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của bác sĩ Roberto vào tháng 8/2011. Tính đến nay, chương trình đã thực hiện được tổng cộng 218 ca phẫu thuật và thăm khám cho hơn 800 bệnh nhân, trong đó có 11 ca bệnh nặng tạo hình dương vật thành công. Từ ca phẫu thuật thành công của giáo sư Roberto de Castro cho Thiện Nhân, nhà từ thiện người Mỹ Greig Carft, giáo sư Roberto de Castro và chị Trần Mai Anh đã cùng nhau xây dựng nên “Quỹ Thiện Nhân và những người bạn” - phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em.

nha bao tran mai anh nguoi tiet kiem noi dau su chiu dung va ca nuoc mat

218 ca phẫu thuật thành công không đơn thuần chỉ là con số, nó là cả một cuộc chạy đua về tiền bạc, tâm sức và là sự cố gắng của cả một tập thể, một cộng đồng. Các bác sĩ chạy đua với thời gian để mổ được càng nhiều ca càng tốt, làm việc xuyên trưa, không ăn gì cho đến hết ngày. Chi phí cho mỗi kỳ phẫu thuật lên đến 1,5 tỷ đồng. 1,5 tỷ đồng là những chắt chiu, gom góp, trân trọng từ những tấm lòng hảo tâm. Có những người lặng lẽ, đều đặn hàng tháng chuyển tiền vào tài khoản của quỹ mà không cần lấy một sự cảm ơn hay ghi nhận. Số tiền 1,5 tỷ đồng ấy tương đương với khoảng 45 ca phẫu thuật, 45 hy vọng đổi đời cho những đứa trẻ kém may mắn.

nha bao tran mai anh nguoi tiet kiem noi dau su chiu dung va ca nuoc mat

Trước mỗi kỳ phẫu thuật vào tháng 6 và tháng 11 hàng năm, chị Mai Anh cùng cả nhóm phải chuẩn bị nhiều thứ, từ vé máy bay, khách sạn, phương tiện di chuyển cho bác sĩ đến công tác hậu cần cho gia đình bệnh nhân như lưu trú, ăn uống, thuốc men. Luôn đau đầu, căng não vì tiền, thậm chí có những khi quay cuồng, bế tắc vì tài chính. Chị Mai Anh còn nhớ cách đây 6 năm trước, vì 64 triệu 3 mũi tiêm khẩn cấp cho 1 bé gái mà chị và cộng sự Na Hương phải xin nợ bệnh viện thanh toán làm 3 kỳ để còn đợi kỳ lương. Rồi không biết bao lần chị nhắm mắt liều mạng ký cam kết tổ chức các đợt phẫu thuật kể cả khi chưa có xu nào trong túi.

Hồ sơ xin được thăm khám và chữa bệnh cứ ngày càng một nhiều. 1.000 hồ sơ đang chờ, nghĩa là có 1.000 ông bố bà mẹ đang cạn nước mắt vì con, đang chìa tay ra xin giúp đỡ, với hy vọng mong manh con họ sẽ được sống một cuộc đời lành lặn, cả về thân thể lẫn tâm hồn.

nha bao tran mai anh nguoi tiet kiem noi dau su chiu dung va ca nuoc mat

Không ai nghĩ những tháng ngày người mẹ gầy nhom ôm con đi khắp nơi trên thế giới phẫu thuật với vài đồng ít ỏi trong tay, đáng lẽ ra chỉ là câu chuyện của hai mẹ con, của một gia đình nhỏ thì giờ đây trở thành câu chuyện của cả cộng đồng. Bản thân chị không ngờ có nhiều trường hợp tương tự như Thiện Nhân đến thế, có nhiều ông bố bà mẹ cũng đang hy vọng một phép màu kỳ diệu đến với con mình, y như chị đã từng. Một cuộc hành trình dài khác mở ra phía trước, buộc chị phải đi tiếp, mệt mỏi cũng không được dừng, tuyệt vọng cũng không được phép.

Nhà báo Trần Mai Anh - Mẹ nuôi bé Thiện Nhân và là người sáng lập, điều phối Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” mới đây được Tạp chí Forbes uy tín tôn vinh là 1 trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam.
chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.