Nhà đầu tư Đài Loan đặc biệt quan tâm đến những phân khúc bất động sản này của Việt Nam

Ghi nhận của Savills cho thấy các nhà đầu tư thuộc nhóm ngành sản xuất, công nghiệp và quỹ đầu tư gia đình là những đơn vị thể hiện sự hứng thú đến thị trường Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau, kéo theo sự quan tâm đặc biệt đến một số phân khúc bất động sản.

Đài Loan nằm trong những quốc gia và vùng lãnh thổ có tổng vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong năm 2022. 

Số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến giữa năm 2022, Đài Loan đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. 

Dữ liệu của Savills Việt Nam cho thấy riêng trong năm 2022, vốn FDI đăng ký mới vào lĩnh vực sản xuất từ Đài Loan đạt hơn 215 triệu USD, nâng tổng giá trị đầu tư của thị trường này vào Việt Nam lên hơn 1,35 tỷ USD. 

Trong hai tháng đầu năm 2023, Đài Loan đứng thứ hai về đầu tư FDI vào Việt Nam với gần 407,1 triệu USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư.

Ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho biết, Đài Loan có một lịch sử đầu tư lâu dài tại Việt Nam suốt hơn 30 năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam đã ghi nhận nhiều dự án thành công được phát triển bởi các nhà đầu tư Đài Loan như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hay dự án Royal Centre, khách sạn Nikko Hotel.

Theo đánh giá của chuyên gia Savills, những nhà đầu tư Đài Loan đang đặc biệt quan tâm đến phân khúc bất động sản công nghiệp, văn phòng, bán lẻ tại Việt Nam cũng như những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống pháp lý và đầu tư nhiều dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. 

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam cho biết, thế mạnh của các nhà đầu tư Đài Loan là nguồn lực tài chính mạnh mẽ, kinh nghiệm kinh doanh và phát triển sản phẩm, nguồn khách hàng có sẵn và chi phí tài chính thấp hơn. Trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn một số khó khăn như vấn đề siết chặt tín dụng, đây là cơ hội cho một sự kết hợp tốt giữa các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài.

Ghi nhận của Savills cho thấy các nhà đầu tư thuộc nhóm ngành sản xuất, công nghiệp và quỹ đầu tư gia đình là những đơn vị thể hiện sự hứng thú đến thị trường Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau, kéo theo sự quan tâm đặc biệt đến phân khúc bất động sản công nghiệp và thương mại. Đặc biệt, nhu cầu về các sản phẩm bất động sản công nghiệp của nhà đầu tư Đài Loan tại Việt Nam luôn ở mức cao. 

“Mặc dù vài năm qua là giai đoạn nhiều thách thức, Việt Nam vẫn tiếp tục tiến lên trong chuỗi giá trị khi lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng mạnh bất chấp tình trạng suy thoái toàn cầu. Để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang các ngành và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng các dự án cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 (SEDS 2021 – 2030) của Chính phủ về giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực và đổi mới khoa học kỹ thuật là điều cần thiết để có một lực lượng lao động lành nghề, mạnh mẽ trong tương lai”, ông John Campbell, Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam nhận định.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.