Nhà đầu tư khổ vì HOSE đơ lag trong những phiên tỷ USD, FPT có sửa xong trước hạn chót 3 tháng?

Trong những phiên giao dịch gần đây, tình trạng đơ, nghẽn lệnh trên HOSE lại lặp lại. Đây là mối quy của thị trường khi nhà đầu tư không thể biết rõ cổ phiếu đang giao dịch tại mức giá nào, với quy mô cung cầu ra sao.

Tình trạng tắc nghẽn lệnh trên HOSE lặp lại

Phiên giao dịch mở màn tháng 6 (1/6), thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khởi sắc sau tháng 5 phá vỡ hoàn toàn định kiến "Sell in May" (Bán vào tháng 5 và đứng ngoài thị trường). Lực cầu mạnh đẩy loạt cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, thép, dầu khí tăng mạnh ngay từ đầu phiên.

Không chỉ riêng phiên hôm nay, dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam đã diễn ra trong nhiều ngày trước đó. Trong tháng 5, những phiên giao dịch thanh khoản hàng tỷ USD trở nên quen thuộc với giới đầu tư chứng khoán. Cao điểm phiên 31/5, chứng khoán Việt Nam lại lập kỷ lục mới với thanh khoản toàn thị trường vượt 32.000 tỷ đồng.

Tới đây, vấn đề công nghệ trên sàn HOSE một lần nữa là mối nguy lớn. Tình trạng quá tải hệ thống của thị trường chứng khoán Việt Nam đã diễn ra trong nửa năm gần đây.

Khoảng hơn một tháng trước đó, sau thông tin Tập đoàn FPT tham gia vào khắc phục hệ thống giao dịch của HOSE, nhà đầu tư tạm yên tâm với trạng thái "bình thường mới" khi thanh khoản bất ngờ được nâng "room" từ 14.000 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Nói về việc thị trường giao dịch "mượt" hơn khi nâng quy mô giao dịch khớp lệnh trên 20.000 tỷ đồng, HOSE đã có thêm một số giải pháp cải tiến về mặt kỹ thuật, giúp hệ thống giao dịch cải thiện về năng lực xử lý lệnh. Do đó, tình trạng nghẽn lệnh giao dịch phần nào được giảm tải, hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản.

Tuy nhiên, trong những phiên giao dịch gần đây, lượng tiền đổ vào thị trường tiếp tục tăng đột biến, hệ thống giao dịch trên sàn HOSE liên tục xuất hiện tình trạng đơ và nghẽn lệnh. Tình trạng này khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn khi giao dịch cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE.

Ghi nhận trong phiên 31/5, bảng giá của hàng loạt công ty chứng khoán trên thị trường "đứng im" trong nhiều phút làm nhà đầu tư không biết rõ thị trường đang giao dịch ra sao. Điều này ảnh hưởng đến quyết định vì rõ ràng rằng tốc độ khớp lệnh và thanh khoản của thị trường không được hiển thị đúng.

Đáng chú ý hơn, trong phiên giao dịch sáng nay (1/6), người viết đã ghi nhận ngay tại bảng giá gắn trên website của Sở Giao dịch TP HCM (HOSE), tình trạng đơ lệnh đã diễn ra. Sau nhiều phiên giao dịch ghi nhận tình trạng quá tải, cả HOSE và các công ty chứng khoán chưa lên tiếng về tình trạng này.

Bảng giá kết nối từ website của HOSE đơ trong phiên sáng (1/6). Video: Lợi Hoàng.

Thời hạn 3 tháng của FPT sắp hết, hệ thống sẽ được khắc phục hoàn toàn?

Trở lại với câu chuyện giải nguy cho sàn HOSE, tại sự kiện "Đối thoại 2045” tổ chức vào đầu tháng 3 có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tập đoàn FPT đã kiến nghị được tham gia khắc phục hệ thống vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Hệ thống thông tin FPT, cho biết FPT có thể cùng HOSE hoàn thành trong khoảng thời gian 3 tháng kể từ khi chính thức bắt tay vào triển khai.

Với tình trạng quá tài cục bộ của sàn HOSE trong nhiều tháng liên tiếp, lãnh đạo của Bộ Tài chính khi đó đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải làm tổ trưởng nhằm xử lý dứt điểm. Cho đến nay, thời gian 3 tháng sắp hết, hơn bao giờ hết nhà đầu tư đang chờ kết quả để có thể yên tâm giao dịch.

Trong một sự kiện được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán SSI đặc biệt quan tâm vấn đề hệ thống giao dịch trên thị trường. 

Quan điểm từ vị lãnh đạo của SSI, để giữ được thị trường cho đến cuối năm, lời giải của vấn đề này là hệ thống thông suốt để thị trường không bị méo mó.

"Méo mó của thị trường là rất nguy hại", ông Hưng nhấn mạnh.

Lấy ví dụ về việc đóng cửa phiên đáo hạn phái sinh vào thứ Năm tuần trước (20/5), tại phiên khớp lệnh thứ ba (ATC), hiện tượng ngắt lệnh diễn ra. Thời gian cuối cùng, tất cả các cổ phiếu VN30 tăng rất nhanh so với hai phiên đầu.

"Thực hư thế nào không biết nhưng đã đặt sự nghi ngại với các nhà đầu tư. Đặt cái gì nghi ngại với nhà đầu tư đều là những gì không tốt cho thị trường.Tôi nghĩ là hệ thống là rất cần thiết", người đứng đầu của Chứng khoán SSI nếu quan điểm.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.