Nhà phố cho thuê 'nằm im' chống dịch

Bao lâu nay, những người có tài sản nhà mặt phố cho thuê được xem như nguồn tài chính bền vững và là mơ ước của nhiều nhà đầu tư. Thế nhưng, kể từ khi đại dịch COVID-19 ập đến, phân khúc này ngày càng gặp khó khăn.

Đỉnh điểm của khó khăn đối với phân khúc nhà mặt phố cho thuê chính là năm 2021 và sẽ còn kéo dài chưa biết điểm dừng. Trên các tuyến phố của hai đô thị lớn, sầm uất nhất cả nước là Hà Nội và TP HCM nhan nhản biển treo cho thuê nhà cùng hàng loạt căn nhà đang kéo kín cửa, rơi vào tình trạng "nằm im" chống dịch vì không có khách thuê.

Các chuyên gia nhận xét, trước đây, nhà mặt phố là kênh đầu tư hấp dẫn trên cả hai phương diện dòng tiền và lãi vốn, đặc biệt là tại khu vực thành thị - nơi có tốc độ đô thị hóa cao và có sự phát triển mạnh của thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp suốt 2 năm qua, mặt bằng nhà phố lại là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Từ những ngày đầu dịch bùng phát, nhà phố cho thuê đã phải đối mặt với cơn khủng hoảng khi làn sóng trả mặt bằng kinh doanh diễn ra đồng loạt khiến giá thuê nhà mặt phố lao dốc từ 40 - 50%. Khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, đại dịch đã tác động mạnh mẽ đến nhà phố cho thuê theo hướng tiêu cực nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. 

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát năm 2020 đến nay, giá thuê nhà phố trên các tuyến đường lớn tại TP HCM hay Hà Nội đều liên tục giảm mạnh nhưng vẫn khó giữ chân người thuê. Nếu thời điểm tháng 4/2020, giá thuê mặt bằng nhà phố giảm từ 10 - 20% thì đến những tháng giữa năm 2021, giá thuê nhà phố giảm xuống 40%, thậm chí nhiều khu vực còn có giá giảm 50% so với năm 2019. 

Đó là chưa kể, những ngày cuối năm 2021 ghi nhận thực tế trên thị trường cho thấy, hàng loạt nhà phố im lìm đóng cửa vì hết hợp đồng mà vẫn không có khách thuê mới dù giá đã giảm rất nhiều. Tương tự, lượng tin rao cho thuê nhà phố trong năm 2021 cũng giảm từ 32 - 34%, nhu cầu tìm kiếm nhà phố cho thuê cũng tiếp tục giảm 16% so với năm 2020.

Chị Phạm Lan Hương có ngôi nhà mặt phố Bát Đàn, quận Kiếm - trung tâm của Thủ đô Hà Nội cho biết, dù đã giảm giá từ 20 triệu/đồng/tháng xuống còn 15 triệu đồng/tháng nhưng nhà vẫn bỏ trống 3 tháng nay vì chưa tìm được khách thuê phù hợp. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều cửa hàng xếp loại vị trí vàng tại Hà Nội đang rơi vào tình trạng "đìu hiu".

Dọc các dãy phố nổi tiếng như Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Đường, Đinh Tiên Hoàng, Bà Triệu..., nhiều nhà mặt phố cho thuê đều phải đóng cửa và hầu hết đang giảm giá thuê. Thời điểm này, dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và nhiều nơi đã trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới nhưng phân khúc này vẫn tiếp tục trầm lắng.

Theo bà Trịnh Thùy - Giám đốc CTCP Đầu tư Bất động sản Việt Anh - đơn vị môi giới chuyên về các sản phẩm thổ cư Hà Nội đánh giá, nhà phố từng được xem như "gà đẻ trứng vàng" nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến phân khúc này suy giảm cả về giá và giá trị. Các tuyến phố hoạt động thương mại phụ thuộc vào du khách quốc tế đặc biệt rớt giá mạnh trong dịch bệnh. Tình trạng nhà mặt phố bỏ trống diễn ra khá phổ biến. 

Gia đình chị Nguyễn Kim có căn nhà cho thuê ở mặt phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ, mấy tháng nay nhà chị đã nhận lại nhà mà chưa tìm được khách thuê mới. Trong gần 2 năm qua, nhà chị Kim đã chủ động chia sẻ với khách thuê, giảm giá từ 2.000 USD/tháng xuống chỉ còn 15 triệu đồng/tháng bởi cửa hàng không có khách nên chủ chỉ sử dụng làm kho chứa đồ vì hoạt động kinh doanh vẫn đình trệ. Tuy giá thuê giảm nhiều nhưng khách thuê ngừng hoạt động kinh doanh nên vẫn phải trả lại mặt bằng.

Trước thực tế này, các chuyên gia nhận định, kể cả khi bước sang 2022, thị trường nhà mặt phố vẫn sẽ khó hồi phục. Đặc biệt, dịp cuối năm 2021, số lượng người nhiễm vẫn không ngừng tăng tại các thành phố lớn nên cả chủ nhà lẫn khách thuê của phân khúc này đều có những nỗi lo lắng riêng. Nếu diễn biến xấu, khách thuê nhà phố để kinh doanh tiếp tục ít đi thì chủ nhà cũng tiếp tục rơi vào cảnh khó khăn, nhất là những người phụ thuộc nhiều vào nguồn thu này. 

Dưới một góc nhìn khác, các chuyên gia cho rằng, cũng sẽ có những chủ nhà phải rao bán, nhất là một số khách sạn ở khu vực trung tâm để hoá giải bài toán "đòn bẩy" tài chính thì đây lại là cơ hội cho các nhà đầu tư tiềm lực mạnh. Đây cũng là điều hiếm xảy ra ở giai đoạn trước. Do đó, đây là thời cơ cho nhiều nhà đầu tư có thể mua vào những sản phẩm vốn ít được giao dịch trên thị trường.

Cùng đó, phân khúc shophouse cũng cùng cảnh ngộ do nhiều người kinh doanh phải đóng cửa không cho thuê được nên phải bán đi. Vì vậy, giá bán shophouse hiện nay rất tốt, rất phù cho các nhà đầu tư có năng lực tài chính xuống tiền.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.