- Nhìn về thị trường phim tết năm nay, không khó để nhận thấy phim hài Việt chiếm số lượng đa số, đối đầu với các thương hiệu phim Hoa ngữ và Hollywood. Vậy theo anh, tại sao nhà sản xuất trong nước lại tiếp tục ưa chuộng thể loại này?
Nhà sản xuất Nguyễn Khoa Hồng Thành: Thực ra điều này thuộc về yếu tố văn hóa của người Việt. Ngày Tết, khán giả họ yêu thích những tác phẩm mang lại sự hài hước, đề cao tính giải trí sau một năm làm việc, lao động cực nhọc và muốn tìm kiếm những tiếng cười dịp đầu năm. Thực ra đó không phải là câu chuyện năm nay mà tất cả các năm gần đây, phim hài luôn là thể loại chiếm đa số trong dịp Tết.
Từ phim Việt lẫn phim ngoại nhập mùa Tết đều khá ưa chuộng dòng phim gia đình, hài, nhẹ nhàng vì đánh vào tâm lý số đông khán giả. Trong dịp năm nay, đối thủ chính của dòng phim hài Việt là Tân vua hài kịch của Châu Tinh Trì hay Đại chiến âm dương có Thành Long. Hollywood thì có Bí kíp luyện rồng, dù không khai thác yếu tố hài hước nhưng phim hoạt hình này truyền tải thông điệp nhẹ nhàng, nhiều cảm xúc, phù hợp với đối tượng khán giả là các gia đình có con nhỏ. Thị trường phim Tết năm nào cũng sẽ có hai thể loại chính: Hài và gia đình hoặc sự kết hợp của cả hai.
Nhà sản xuất Nguyễn Khoa Hồng Thành bên diễn viên Thanh Thúy. ẢNH: NVCC |
- Nếu xét ở phạm vi phim Việt và phim Hoa ngữ, hai thị trường sản xuất phim hài chủ đạo dịp Tết năm nay, theo góc nhìn của một chuyên gia truyền thông anh thấy phim Việt có yếu tố nào đặc biệt để thu hút khán giả trong nước?
Thực ra năm nay tôi có phần ngạc nhiên khi nhìn vào kết quả phòng vé. Chúng ta thấy khá rõ ràng là phim của Châu Tinh Trì không thực sự thành công dù phim được người trong giới làm nghề và giới chuyên môn đánh giá rất cao, thậm chí được dự đoán sẽ “làm nên chuyện” trong mùa phim năm nay. Ban đầu, tôi cảm thấy khá dè chừng với Tân vua hài kịch và sợ phim của mình “đọ” không lại. Thế nhưng trên thực tế, tác phẩm năm nay với tên tuổi Châu Tinh Trì và Thành Long lại có tỉ lệ bán vé tại rạp Việt khá thấp so với ba “đối thủ” là Bí kíp luyện rồng, Cua lại vợ bầu và Trạng Quỳnh.
Theo tôi nghĩ, một phần nguyên nhân nằm ở chỗ ngoài những yếu tố quảng bá bên lề từ phía đội ngũ sản xuất, yếu tố văn hóa cũng tác động không nhỏ. Năm nay, hai phim Việt đang dẫn đầu đều có diễn viên ngôi sao, bên cạnh đó, yếu tố văn hóa gần gũi rất được ưa chuộng, nhất là local insight (sự thật ngầm hiểu của đối tượng địa phương). Những người làm phim Việt hiểu rõ hơn về văn hóa bản địa còn những phim quốc tế, thì họ lại truyền tải nền văn hóa chung và khán giả đại chúng trong nước nhiều khi khó có thể hiểu và tiếp cận.
Theo cách nhìn nhận của cá nhân tôi, phim ảnh sẽ gồm phim nghệ thuật và phim thị trường (phim thị trường ngày thường và phim Tết). Trong đó, thị trường phim Tết rất đặc thù. Đối tượng xem phim Tết đa phần là đại chúng, trong đó nhóm trí thức trung lưu chiếm thiểu số. Những khán giả bình dân cần gì ở một tác phẩm chiếu Tết? Thứ nhất là câu chuyện hay, cho người ta quyền được ước mơ và tin tưởng vào viễn cảnh cuộc sống tốt đẹp hơn, Siêu sao siêu ngố, Cua lại vợ bầu là điển hình. Thứ hai, khi triển khai kịch bản có nhiều yếu tố quen thuộc với cuộc sống hằng ngày, hình tượng văn hóa gần gũi với địa phương. Thứ ba, người ta đi coi vì ngôi sao, Trấn Thành chẳng hạn. Tất nhiên là do thị hiếu ngày càng phát triển nên kịch bản phim cũng phải được nâng cao.
‘Trạng Quỳnh’ và 'Siêu sao siêu ngố’ thắng lớn hai mùa tết liên tiếp |
- Vậy trên thực tế, ngoài vấn đề kịch bản đủ thu hút, phim phù hợp với thị hiếu số đông, việc có ngôi sao góp mặt có phải là công thức cho sự thành công của phim Tết?
Câu chuyện đi coi vì ngôi sao thực ra trong đợt phim Tết năm ngoái, thị trường đã có câu trả lời. Nếu Siêu sao siêu ngố chỉ có yếu tố ngôi sao (Trường Giang) thôi thì chưa đủ thu về trăm tỉ mà yếu tố kịch bản và diễn xuất vẫn rất là quan trọng. Đó là lý do năm nay cả Trạng Quỳnh lẫn Cua lại vợ bầu đều rất chăm chút về phần kịch bản. Tôi không đưa ra quan điểm này ở góc độ nghệ thuật vì bản thân không làm nghệ thuật. Nhưng ở đây, câu chuyện bán được vé so với những phim khác đồng nghĩa với việc kịch bản đó được số đông chấp nhận chứ không có câu chuyện “ăn may”. Hay nói khác hơn, muốn "ăn may" liên tục phải có "bí quyết".
Riêng Tết năm nay, cho đến thời điểm hiện tại, Trạng Quỳnh đã thu về gần 95 tỉ đồng, một thành tích khá tốt đủ để nhà sản xuất chúng tôi tự tin nói rằng chúng tôi có thể hiểu được thị trường đang như thế nào. Theo quan điểm kinh doanh mà nói, đối tượng khách hàng mục tiêu của phim Tết là khán giả đại chúng, cho nên phim phải phục vụ cho đối tượng rộng lớn hơn, đại chúng và dễ hiểu hơn, chứ không phải một tác phẩm được cân đo đong đếm dựa trên yếu tố nghệ thuật theo quy chuẩn này nọ. Và tôi nghĩ đó cũng là lý do chính khiến phim Tết Việt Nam có lợi thế so với đối thủ ngoại.
Theo nhà sản xuất, phim có ngôi sao thôi thì chưa đủ thu về trăm tỉ mà yếu tố kịch bản và diễn xuất rất quan trọng. ẢNH: ĐPCC |
- Nhiều người cho rằng lời thoại trong phim huỵch toẹt, có những thứ ai cũng hiểu nhưng vẫn lý giải ra rõ ràng khiến nội dung bị thừa thãi. Anh nghĩ sao về ý kiến này?
Phim Tết là phim đại chúng và đa phần khán giả đi xem ngày đầu năm họ không muốn phải nhức đầu suy nghĩ. Khi mà chúng tôi dựng phim, cả ê-kip đã phải dựng đi dựng lại mười mấy lần và mỗi lần như vậy, chúng tôi đều chiếu thử cho một vài đại diện từ khách hàng mục tiêu của mình để điều chỉnh cho phù hợp. Khi nghiên cứu về đối tượng khách hàng trong mùa Tết, đặc điểm chung của họ đều là những khán giả bình dân. Khác với dân trí thức có nhu cầu tinh thần cao và thường xuyên xem phim trong năm, khán giả bình dân là những người sau một năm vất vả mới cho phép mình đưa cả gia đình đi giải trí, họ chỉ cần tiếng cười thoải mái, tạo niềm vui và câu chuyện cho gia đình được gắn kết. Tại sao phải đánh đố họ? Khi chúng tôi khảo sát thị trường, khách hàng mục tiêu của mình cảm thấy cách thể hiện khó hiểu thì buộc nhà làm phim phải nói theo cách mà khán giả cảm nhận được. Bởi điều chúng tôi muốn là truyền tải thông điệp của bộ phim chứ không phải đánh bóng năng lực nghệ thuật của đội ngũ. Điều đó có thể trở nên khác biệt và không phù hợp với giới làm nghệ thuật, nhưng lựa chọn của chúng tôi là phục vụ khán giả trước tiên, đặc biệt trong dịp Tết.
- Nếu nói như anh thì chẳng lẽ vì phục vụ thị hiếu của khán giả mà chúng ta tìm kiếm những yếu tố ăn khách nhưng lại xa rời lịch sử và văn hóa dân tộc?
Ngay từ đầu, chúng tôi đã định vị đây là một tác phẩm hài dân gian. Và trên truyền thông, trong trailer ra mắt, chúng tôi luôn nhấn mạnh điều đó. Chúng tôi chưa bao giờ gọi tác phẩm của mình là phim lịch sử, càng không dùng việc tham vấn chuyên gia khảo cứu để truyền thông cho Trạng Quỳnh. Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng đây là phim hài dân gian, giống như khi ai đó bán nước suối và nói trước rằng đây là nước suối chứ đừng nhìn vậy rồi tự cho nó là soda rồi phê phán sao không giống nước.
Chúng tôi hiểu câu chuyện rằng làm nghệ thuật cần có sứ mệnh nào đó về mặt giáo dục. Tuy nhiên, định vị ngay từ đầu phim là một phim phóng tác theo những câu chuyện dân gian. Thậm chí, ngay đầu phim, câu nói của nhân vật Xẩm do Trấn Thành thủ vai cũng nhắc lại rằng những câu chuyện ấy chỉ là giai thoại. Phim hoàn toàn không mang yếu tố lịch sử. Nếu một bộ phim mang yếu tố giáo dục thì ngay từ đầu chúng ta cần định vị nó là phim giáo dục và có đội ngũ chuyên gia cố vấn. Nếu nói trang phục hay bối cảnh phim không phù hợp thì rất nhiều tác phẩm định vị là phóng tác từ lịch sử mắc phải điều đó. Thế nhưng, mấu chốt ở đây là họ đang kể một câu chuyện khác, trở thành một sản phẩm khác nhưng không đi sâu vào yếu tố lịch sử. Chúng tôi là một nhà sản xuất phim, chúng tôi kinh doanh phim ảnh chứ chúng tôi không có tham vọng và đủ nguồn lực để trở thành một nhà giáo dục lịch sử thông qua phim ảnh.
Cảnh trong phim Trạng Quỳnh. ẢNH: ĐPCC CUNG CẤP |
- Anh có nghĩ đó là một sự thiếu sót về trách nhiệm khi đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa?
Thị trường phim ảnh Việt Nam nhỏ nên một sản phẩm phim thị trường để có thể đủ hoàn hảo trong mắt những người đánh giá phim thì tác phẩm đòi hỏi kinh phí nghiên cứu lẫn sản xuất rất lớn để cân bằng mục tiêu kinh doanh và sứ mệnh văn hóa. Trong khi đó, doanh nghiệp hiện nay đều tự thân mà làm và không có sự hỗ trợ nào khác. Một bài toán đơn giản - nếu tác phẩm hài dân gian nhưng lựa chọn bám theo các cấu tứ lịch sử, thuê đội ngũ cố vấn, thiết kế phục trang đúng thì chi phí sản xuất sẽ đến từ đâu? Khả năng hòa vốn thế nào khi ai cũng hiểu rõ làm quá nặng về văn hóa thì chỉ có thể phục vụ thị trường ngách, thỏa mãn thiểu số. Còn đối với một dự án phim lịch sử lại khác, bởi tác phẩm cần sự hỗ trợ của rất nhiều bên.
Tại một thị trường phim ảnh như Việt Nam, một thị trường quá nhỏ so với quốc tế, nên các nhà sản xuất đầu tư giỏi lắm chi 35-40 tỉ đồng (chưa tới 2 triệu USD). Bên cạnh đó, với một thị trường điện ảnh non trẻ như vậy, chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn của hiệu hứng bom tấn (hiệu ứng từ các phim Hollywood). Những phim Việt thể loại khác đều bị so sánh những phim mang tính toàn cầu hoặc những thương hiệu đình đám, bạn cũng có thể thấy vì sao các tác phẩm remake (làm lại) hay adaptation (phỏng theo) thường dễ nhận được lời khen hơn là kịch bản nguyên tác Việt Nam. Tầm ảnh hưởng của chúng lý giải vì sao ở Việt Nam chỉ có phim hài là dễ dàng cho giới đầu tư kinh doanh lựa chọn.
- Vậy thì anh nghĩ sao về việc có những phim thị trường bị nhận xét dựa trên những tiêu chí của phim nghệ thuật?
Khi tôi đọc những bài phân tích nghệ thuật nói phim được xây dựng lỏng lẻo, hay những bài báo nhận xét là có những hàm ý hiểu rành rành nhưng cứ nói thẳng mà không cần thiết và cho rằng đạo diễn tham, thì theo tôi đó là câu chuyện về mặt quan điểm. Đương nhiên, chúng tôi luôn muốn làm tốt hơn và hồ hởi đón nhận những góp ý mang tính xây dựng. Nhưng thực ra nói như vậy là oan cho đạo diễn lắm. Vì với góc nhìn của dân marketing, chúng tôi nghiên cứu thị trường và bàn bạc, trao đổi, yêu cầu đạo diễn phải làm vậy. Bởi suy cho cùng, một tác phẩm bán ra mà khán giả không hiểu, thì nhà sản xuất làm ra để làm gì?
Ở góc độ chuyên môn, tôi tôn trọng quan điểm nghệ thuật của các đạo diễn nhưng ở góc độ kinh doanh, chúng ta phải tìm giải pháp cân bằng. Nếu làm một bộ phim nghệ thuật nhưng rồi chẳng mấy ai xem, nhận vài lời khen của giới chuyên môn nhưng doanh nghiệp lại phải đóng cửa vì thua lỗ thì phải làm sao? Đến cuối cùng, phim chỉ được nhắc đến trong các liên hoan phim như một trường hợp khảo cứu. Đó không phải mục đích của những người làm phim để kinh doanh phục vụ đại chúng.
Tôi xác định đơn giản, nếu phim nào muốn được đánh giá như là góc độ nghệ thuật, họ định vị là phim nghệ thuật, còn đã là phim thị trường thì cần định vị ngay từ đầu là phim thị trường. Và các chuyên gia khi đánh giá về phim thị trường cần phải nhìn tác phẩm ở góc độ xác đáng của sản phẩm. Tôi nghĩ khi ai đó muốn đánh giá phim thị trường phải tuân thủ chứ không nên áp một khung phim nghệ thuật, hàn lâm cho những phim thị trường bởi chúng quá khập khiễng. Điều đó giống như bạn chê con chim cánh cụt không biết bay khi nó cũng là họ chim vậy.
Ngay trong đợt phim Tết vừa rồi, mọi người cũng thấy luôn rằng truyền thông phần lớn khen phim của Thành Long, Châu Tinh Trì. Nhưng còn các phim Việt thì rất nhiều bài chê “banh xác”. Mà tại sao mình lại đi khen phim nước ngoài trong một cuộc đấu, một thị trường đang phục vụ cho chính khán giả Việt? Để góp phần giết phim Việt ngay trên sân nhà ư? Mà nếu như cái phim Việt đó đáng chết thì không sao nhưng rõ ràng những phim đó vẫn đang bán tốt, tức là phim Việt có tiềm năng thỏa mãn thị trường và phát triển, điều phim Việt cần là những đóng góp chân thành để bứt phá, thế tại sao lại phải giết chúng?
Vì sao 'Cua lại vợ bầu' thắng lớn về doanh thu dịp Tết Nguyên đán 2019?
Bộ phim điện ảnh “Cua lại vợ bầu” của đạo diễn trẻ Nhất Trung đang trên đà lập những kỉ lục mới về doanh thu ... |
Đạo diễn Đức Thịnh: 'Trấn Thành sai với tôi và ê kíp phim Trạng Quỳnh'
Đạo diễn Đức Thịnh cho rằng, Trấn Thành đã cư xử không đúng đắn trong thời điểm nhạy cảm - 2 phim anh góp mặt ... |