Góc chung cư cũ Hà Nội - dấu ấn một thời. Ảnh: Internet. |
Bảo tồn kiểu Martin Rama
Trung tâm Phát triển Đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam vừa có giám đốc dự án mới. Sẽ không có gì đáng nói nếu vị trí đó không thuộc về một người nước ngoài. Đó là Martin Rama- Giám đốc khu vực Nam Á của Ngân hàng Thế giới - một người rất yêu Hà Nội và từng sống ở Hà Nội trong 8 năm với vai trò Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ông từng được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội năm 2014 cho Hà Nội một chốn rong chơi.
Những tưởng cuốn sách ấy đã là tất cả tình yêu lớn lao mà Martin Rama dành cho “nàng” - cách ông âu yếm gọi Hà Nội - nhưng đó mới chỉ là khởi đầu cho một dự án đầy tham vọng nhằm đưa đến cho Hà Nội một mô hình phát triển đô thị bền vững, có uy tín, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển để giữ được một Hà Nội duyên dáng, độc đáo và đầy cá tính, một đô thị đáng sống nhất Đông Nam Á.
Martin Rama cho biết, ông có tham vọng dự án này sẽ chứng minh cho lãnh đạo của Hà Nội thấy rằng việc giữ gìn một Hà Nội cổ kính, giàu văn hóa và đậm bản sắc riêng bằng việc bảo tồn, phát huy kiến trúc cổ kính bên cạnh những tòa nhà hiện đại mới chính là con đường đầu tư sinh lời nhất, bền lâu nhất cho Hà Nội.
Theo đó, dự án của ông sẽ nghiên cứu tiến hành trên một khối nhà với những đặc điểm thích hợp như đan xen giữa các tòa nhà hiện đại với biệt thự Pháp cổ bị bỏ quên, khu tập thể, chung cư cũ tưởng không còn giá trị, những con ngõ nhỏ…
Dự án sẽ xem xét việc cải tạo biệt thự Pháp cổ, nâng cấp khu tập thể, xây mới các tòa nhà hiện đại vào các khoảng trống, xây các khu thương mại bán lẻ, nhà hàng, quán cà phê độc đáo, có bản sắc; các không gian công cộng với cây xanh, quảng trường; các khu vực dành cho người đi bộ được mở xung quanh các tòa nhà có giá trị về kiến trúc.
Theo Martin, một khối nhà được tạo dựng đan xen, tổng hòa giữa cái mới và cái cũ như vậy chắc chắn gia tăng giá trị kinh tế cho khu vực. Là một chuyên gia kinh tế, hơn ai hết, Martin hiểu rằng nếu chỉ chăm chăm vào việc bảo tồn các kiến trúc cũ theo cách “đi ngược lại các lực lượng thị trường là tự mình làm mình thua cuộc”.
Cách của ông là dứt khoát phải “tìm ra một giải pháp thay thế mang lại lợi nhuận còn cao hơn việc phá bỏ những công trình cũ để xây mới”.
Một điều đáng chú ý, trong dự án của mình, Martin đặc biệt quan tâm đến ý niệm về “Thành phố bền vững”. Theo đó, khối nhà của ông sẽ có 3 sự kết hợp. Thứ nhất là kết hợp giữa bảo tồn, sử dụng lại những giá trị văn hóa, kiến trúc cũ cho phù hợp và xây dựng mới, hiện đại.
Thứ hai là kết hợp nhiều chức năng trong khối nhà đó như: văn phòng, nhà ở và cửa hàng (ngược với khái niệm “phân khu”). Thứ ba là kết hợp các nhóm thu nhập khác nhau (ngược với khái niệm phân nhóm khu vực - spatial segregation).
Martin Rama - người đàn ông Urugoay yêu Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
Để nhà tập thể thành di sản
Trong Hà Nội một chốn rong chơi, Martin dành hẳn một chương viết về kiểu kiến trúc đặc trưng của Hà Nội thời bao cấp. Và dù ông nhìn thấy ở những dãy nhà tập thể này một sự “hom hem, buồn bã” nhưng vẫn hoàn toàn khác biệt và “rất Việt Nam”.
Khi được hỏi vì sao lại muốn nâng cấp một vài nhà tập thể như một phần của dự án Trái tim Hà Nội, Martin giải thích, từ quan điểm kiến trúc, nhà tập thể đại diện cho một trong những dấu mốc kiến trúc trong lịch sử Hà Nội, nó kể câu chuyện lịch sử của Hà Nội.
Từ quan điểm xã hội, nhà tập thể là một phần của cơ cấu xã hội của Hà Nội, với các cộng đồng tương đối chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau, những cư dân của Hà Nội đều là những cộng đồng dân cư gắn bó chặt chẽ, ổn định trong một thời gian dài. Điều này là rất đặc biệt tại các đô thị mà tính cố kết cộng đồng của dân cư ngày càng rời rạc.
Còn từ quan điểm kinh tế, vị trí của các khu tập thể rất tuyệt vời khi chúng thường ở trung tâm thành phố. Chính các khu tập thể đã giúp giữ các cư dân tiếp tục được sinh sống ở những khu vực trung tâm đắt đỏ mà nếu không sẽ trở thành các khu văn phòng hoặc tương tự, làm mất đi sự sống động đầy sức sống của Hà Nội.
Từ quan điểm lịch sử, các khu tập thể là một phần của “bộ nhớ chung”, và nếu chúng được thay thế bằng những tòa nhà hiện đại nhạt nhẽo thì những ký ức của thành phố sẽ biến mất.
Ý tưởng của Martin nâng cấp nhà tập thể, trước tiên sẽ làm vài thí nghiệm, bảo tồn các phong cách kiến trúc Liên Xô, Trung Quốc và lắp ghép của các khu tập thể Hà Nội bằng cách nhân đôi chúng lên. “Các tầng thêm vào phía trên có hình dáng giống với khu tập thể gốc đứng trên các cột trụ vững vàng chứ không phải đè lên cấu trúc cũ”, ông nói rõ.
Giả sử khu tập thể có 5 tầng thì 5 tầng dựng lên bên trên sẽ có hình dáng giống 5 tầng dưới. Tất nhiên thang máy sẽ được lắp thêm. Cư dân của khu tập thể sẽ được chuyển lên sống trên 5 tầng mới xây trong khi 5 tầng cũ được nâng cấp. Sau cải tạo có thể bán các căn hộ của 4 tầng và dành tầng 1 để làm hàng quán.
Xung quanh khu tập thể sau cải tạo sẽ là những tuyến phố đi bộ tạo nên một quần thể sống động của văn hóa, kiến trúc và kinh tế. Dự án của ông yêu cầu phải giữ cho người dân gốc vẫn ở đó như một giá trị không thể tính bằng tiền cho toàn bộ công trình.
Những cải tạo này phải thí điểm và cũng phải làm từ từ, có hội đồng kiến trúc và văn hóa thẩm định một cách chuyên nghiệp. Martin tin rằng, chỉ vài chục năm sau, một khu tập thể được bảo tồn và cải tạo theo cách đó sẽ là một dấu mốc kiến trúc độc đáo thế kỷ 20 của Hà Nội.
Một nguyên tắc quan trọng cần phải đặc biệt lưu ý trong dự án của Martin đó là phải ưu tiên tái định cư tại chỗ cho cư dân gốc của Hà Nội. Martin cho rằng, Hà Nội vốn hấp dẫn và độc đáo không chỉ bởi sự đặc sắc trong kiến trúc, cảnh quan… mà còn bởi chính cư dân. Trước mắt, Trung tâm của ông sẽ thúc đẩy hàng chục nghiên cứu về pháp lý, kỹ thuật, xã hội, thiết kế… nhằm đi đến mục tiêu cuối cùng là cải tạo lại những công trình kiến trúc của Hà Nội, bảo vệ và thúc đẩy chúng mang lại giá trị lớn hơn nhiều cho thành phố và người dân. |
Chính các khu tập thể đã giúp giữ các cư dân tiếp tục được sinh sống ở những khu vực trung tâm đắt đỏ mà nếu không sẽ trở thành các khu văn phòng hoặc tương tự, làm mất đi sự sống động đầy sức sống của Hà Nội. Martin Rama |